Sự lộn xộn có kiểm soát

Văn hóa vỉa hè, với những sinh hoạt đời thường và một số loại hàng quán là điều góp phần tạo nên bản sắc riêng cho các con phố. Nhiều người gọi đó là “sự lộn xộn quyến rũ”. Nhưng để sự lộn xộn ấy thật sự quyến rũ, thì cần phải đưa chúng thành sự lộn xộn có kiểm soát.

Cửa hàng sửa chữa xe máy chiếm dụng vỉa hè tại một con phố ở Hà Nội. Ảnh: Anh Sơn
Cửa hàng sửa chữa xe máy chiếm dụng vỉa hè tại một con phố ở Hà Nội. Ảnh: Anh Sơn

Những người nước ngoài mê nhiếp ảnh luôn có cảm hứng bất tận khi đến Hà Nội. Nhất là những gì diễn ra trên vỉa hè. Một hoạt động rất đơn giản, dân dã như cắt tóc, cũng là đề tài bất tận của nhiếp ảnh và ký họa. Ðó là chưa kể những hình ảnh thú vị khác như khắc dấu trên phố, chơi cờ tướng vỉa hè, hay những người phụ nữ "tô mầu" cho phố bằng những hàng hoa rong, bằng "cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua" - những hàng cốm dạo vào dịp cuối thu đầu đông. Hình ảnh các vị khách trầm ngâm bên ly cà-phê và tờ báo buổi sáng cũng tạo nên những khoảnh khắc lãng mạn. Rama Martin, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Hà Nội một chốn rong chơi" nhận định rằng, vỉa hè Hà Nội là sự lộn xộn... quyến rũ.

Nhưng ranh giới giữa những nét văn hóa với lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị là hết sức mong manh. Hai đô thị lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều nhiều lần đi "đòi" vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng chưa bao giờ kết quả được như mong muốn. Thậm chí có nhiều cuộc ra quân bị coi là "đánh trống, bỏ dùi". Bởi thực tế, ở Việt Nam, "xóa sạch" vỉa hè như một số nước phương Tây, để vỉa hè chỉ thực hiện vai trò phục vụ giao thông là điều… không thể. Sau những nỗ lực đem lại kết quả hạn chế, Hà Nội đang triển khai giải pháp nước đôi là cấm kinh doanh ở một số tuyến phố có tính đại diện cho "bộ mặt". Những tuyến phố có vỉa hè rộng được phép tạm thời kinh doanh. Giải pháp nước đôi này ban đầu được cho là mang tính thỏa hiệp. Nhưng dần dần, lại chứng minh sự lưỡng dụng. Song, khi chấp nhận giải pháp "lưỡng dụng", thì những bất cập dễ có nguy cơ nảy sinh và khó khăn trong quản lý.

Muốn tạo dựng văn minh đô thị, nhưng vẫn giữ nét đặc trưng, thì cần biến sự "lộn xộn quyến rũ", thành sự "lộn xộn trong kiểm soát". Những đề xuất về thành lập các khu phố chuyên buôn bán vỉa hè, hay dành cho người bán hàng rong ở một không gian riêng là khó khả thi, khi nó tách rời hơi thở cuộc sống. Sự "lộn xộn trong kiểm soát" chỉ có thể hình thành trên cơ sở chọn lọc các loại hình kinh doanh hay loại hình sinh hoạt. Rõ ràng, thật khó chấp nhận các hành vi như rửa xe, làm chỗ gửi xe, mở quán cơm bình dân, mở cửa hàng tạp hóa hay biến vỉa hè thành địa điểm... sản xuất cơ khí. Nhưng cũng không hiếm quán cà-phê xử lý không gian rất khéo léo, biến khu vực mặt tiền quán thành nơi ngắm phố mà sử dụng không gian vỉa hè một cách chừng mực. Một gánh hàng hoa, một chiếc thúng cốm non, một sạp báo, quầy sách hay vài món quà vặt mang đặc trưng của đô thị... Những mô hình ấy, loại hình kinh doanh ấy khó có thể coi là làm xấu đi bộ mặt đô thị. Trừ những tuyến phố có các trụ sở cơ quan quan trọng, cơ quan ngoại giao, thậm chí, có thể được phép hoạt động ở bất cứ con phố dân sinh nào. Nhìn từ Hà Nội, những tuyến phố văn minh đô thị như Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ðào, Hàng Ngang... nếu không có những gánh hàng rong, hay một số hoạt động kinh tế vỉa hè đậm chất phố cổ, những con phố ấy sẽ giảm đi sức hấp dẫn. Có điều, cần sự điều chỉnh trong nhận thức và các quy định. Không phải cứ sử dụng vỉa hè là vi phạm. Là người nhiều năm sinh sống ở nước ngoài và hiện làm việc tại Nhật Bản, TS Tô Kiên (Tập đoàn Eight Japan Engineering Consultants, Nhật Bản) cho rằng, vỉa hè có phần lộn xộn và tràn ngập các hoạt động sống tạo nên cái hồn đô thị hấp dẫn du khách và là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ hơn nhiều so với một thành phố mà vỉa hè trống trơn và không một cọng rác. Trên thế giới, rất nhiều không gian vỉa hè được phục dựng trở lại theo đặc tính văn hóa của nó rất thành công. Thực tế, những nét văn hóa này còn tạo sức hút cho du lịch.

Ðối với những hành vi vi phạm, thì điều cần thiết nhất không phải là chế tài, mà là thực thi chế tài. Ðây là lý do khiến kinh tế vỉa hè còn được coi là "kinh tế ngầm", khi tồn tại không ít trường hợp tiếp tay cho vi phạm.

Cựu Ðại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, một người mê đắm vẻ đẹp cả Hà Nội, từng chia sẻ, vỉa hè là nơi thú vị nhất. Trong đó, có việc người Hà Nội sống trên vỉa hè, nấu cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm việc trên vỉa hè, ngủ trên vỉa hè. Rama Martin cũng có suy nghĩ tương tự. Nhưng không phải ai cũng đồng ý với nhận định này. Thực tế có thời gian người Hà Nội không chỉ có những sinh hoạt kể trên, mà còn rửa rau, giặt giũ, phơi quần áo... ở vỉa hè. Những hoạt động sinh hoạt như thế đang mờ dần nhờ sự tuyên truyền, vận động để người dân dần tập làm quen với nếp sống đô thị. Từ câu chuyện này, có thể thấy, gốc gác của vấn đề không chỉ là câu chuyện quản lý, mà còn ở yếu tố con người. Ðó là xây dựng văn hóa đô thị, văn hóa thị dân, để những cư dân đô thị, nhất là những người kinh doanh dần thích ứng, biết phân biệt hành vi có văn hóa hay phản văn hóa để hình thành cơ chế "tự kiểm soát".