Quy hoạch phải giải quyết được thách thức cốt lõi

Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia là cơ sở quan trọng cho các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.  Ông Châu Trần Vĩnh (ảnh bên) - Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời phóng viên Nhân Dân cuối tuần về những điểm mới trong công tác này.

Dự án nước sạch đến với người dân xã Bản Hon, huyện Tam Ðường (Lai Châu). Ảnh: THANH TRÚC
Dự án nước sạch đến với người dân xã Bản Hon, huyện Tam Ðường (Lai Châu). Ảnh: THANH TRÚC

- Thưa ông, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, tại sao chúng ta chưa có được quy hoạch tài nguyên nước cho giai đoạn tới?

- Tháng 12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện, dự kiến tháng 12-2021 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xác định các mục tiêu, định hướng cơ bản về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất theo vùng kinh tế, theo lưu vực sông (LVS), nhóm các LVS và các đảo.

Hiện nay, Bộ TN&MT triển khai thực hiện lập quy hoạch cho sáu LVS, trong đó có ba quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Sêrêpôk) và ba quy hoạch dự kiến trình trong năm 2022 (LVS Hồng - Thái Bình, Cửu Long và Ðồng Nai), bảy quy hoạch LVS còn lại (gồm LVS Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Mã, Cả, Hương, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh) đang trình Bộ xem xét phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, ngay sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt Bộ sẽ triển khai tổ chức thực hiện và dự kiến sẽ trình phê duyệt các quy hoạch còn lại trong năm 2023.

Về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được thực hiện một cách đồng bộ và làm căn cứ cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước gắn với thực tiễn. Hiện nay, Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch phải giải quyết được thách thức cốt lõi -0
 

- Ở góc độ của đơn vị làm quy hoạch, theo ông, công tác này cần phải được thay đổi như thế nào để hóa giải những thách thức đặt ra với tài nguyên nước?

- Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm ở nước ta khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam và phân bố rất không đồng đều, đặc biệt tổng lượng nước mùa khô chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng lượng nước cả năm. Bên cạnh tài nguyên nước của nước ta đang chịu tác động rất mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, thì việc khai thác ở thượng nguồn phía ngoài biên giới, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra và nhiều nguồn nước đã và đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt.

Vấn đề đặt ra là các quy hoạch phải giải quyết được các vấn đề thách thức, cốt lõi mà tài nguyên nước đang đối mặt, trong đó sẽ tập trung xây dựng các phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước theo các kịch bản thừa nước, đủ nước, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên các vùng và phạm vi toàn quốc, cụ thể: Ðiều hòa, phân bổ nguồn nước hợp lý, linh hoạt cho các đối tượng sử dụng nước trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện cực đoan nhất. Các giải pháp cụ thể cho từng vùng theo thời gian đối với các công trình hiện có (thủy điện, thủy lợi…) phải tham gia vận hành điều tiết nguồn nước giữa mùa khô, mùa mưa để đáp ứng mục tiêu phát triển của vùng, địa phương.

Ðồng thời, quy hoạch cũng sẽ đề xuất các công trình phát triển tài nguyên nước bảo đảm phục vụ khai thác, sử dụng đa mục tiêu như cấp nước, tưới tiêu nông nghiệp, phát điện nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả. Bên cạnh đó, quy hoạch sẽ đề xuất các giải pháp giữ nước trong tự nhiên (giữ rừng, gia tăng diện tích rừng) nhằm kiểm soát tình hình lũ lụt, sạt lở đất; các giải pháp bảo vệ nguồn nước nhằm bảo đảm được mục tiêu chất lượng nguồn nước trong kỳ quy hoạch.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của các địa phương trong xây dựng và thực thi quy hoạch tài nguyên nước?

- Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong giải quyết bài toán quy hoạch, đó là bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu và để có thể giải quyết được căn cơ bài toán quy hoạch. Do đó, việc tham gia phối hợp các địa phương trên phạm vi cả nước là hết sức quan trọng và không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.

Thực tế, Bộ TN&MT đang triển khai quy hoạch tài nguyên nước (là quy hoạch cấp quốc gia) và 13 quy hoạch tổng hợp LVS; các địa phương cũng đang triển khai lập quy hoạch tỉnh. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ TN&MT sẽ phối hợp các địa phương và các bộ, ngành có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch tổng hợp LVS trong cả nước theo đúng quy định của Luật Quy hoạch. 

- Xin cảm ơn ông!