Phải tuân thủ nghiêm quy hoạch

Quy hoạch và xây dựng một không gian đô thị là một công việc khó khăn, phức tạp. PGS, TS Phạm Hùng Cường (trong ảnh), Trưởng bộ môn Quy hoạch đô thị, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trong công tác quy hoạch và xây dựng không gian đô thị, chúng ta còn nhiều lỗ hổng.

Phải tuân thủ nghiêm quy hoạch

- Có ý kiến cho rằng, nhiều đô thị ở Việt Nam thiếu những yếu tố làm nên đô thị bản sắc, trở thành thành phố đáng sống. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Không gian đô thị bao gồm các vật thể kiến trúc đô thị, cây xanh, mặt nước có ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan và chất lượng sống đô thị. Ở các đô thị của nhiều nước phát triển hiện nay, các tiêu chí thành phố đáng sống đang được quan tâm như sức khỏe, môi trường, hạ tầng giao thông và sự phát triển bền vững. Năm  2019 vừa qua có một tổ chức quốc tế đánh giá, bình chọn 140 thành phố đáng sống nhất thế giới. Tiếc là Việt Nam chưa có đô thị nào nằm trong danh sách này.

Nước ta trong những năm qua phát triển đô thị quá nhanh, hiện có tới gần  40% dân số sống ở đô thị. Nhưng có một vấn đề, ở hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thiết kế không gian đô thị chưa bảo đảm, còn ùn tắc giao thông, môi trường đô thị chất lượng chưa cao trong khi vẫn phải chịu sức ép do không ngừng gia tăng về dân số. Đó là một “căn bệnh” mà nhiều năm chúng ta chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, cảnh quan đô thị, chất lượng các không gian công cộng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
 
- Thực tế chúng ta đã từng có những khu đô thị được quy hoạch tốt, nhưng sau đó lại bị điều chỉnh quá nhiều và lại trở thành một điểm nghẽn về giao thông, mật độ dân cư quá cao. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

- Có vấn đề là sau khi quy hoạch đô thị và không gian đô thị, nhiều chính sách tài chính, khuyến khích doanh nghiệp, chính sách thuế mới được ban hành. Khi doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện thì họ thấy không phù hợp nữa, nên họ xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hơn. Có lúc sự điều chỉnh quy hoạch là chính đáng, nhưng cũng có khi là để tăng lợi ích của riêng họ. 

Để có sự kiểm soát phát triển công bằng, hạn chế việc điều chỉnh cục bộ tùy tiện không có lợi cho cộng đồng, cần phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những năm qua quy chuẩn về vấn đề này đã được điều chỉnh rồi nhưng vẫn chưa… chuẩn, chưa theo kịp sự phát triển đa dạng của thực tế. Các chỉ tiêu kiểm soát như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ giới đường đỏ - lộ giới, khoảng lùi... của chúng ta có rất nhiều lỗ hổng nên doanh nghiệp xây dựng dễ dàng lách luật để tăng lợi nhuận. Thí dụ như ở khu đô thị (KĐT) Linh Đàm (Hà Nội), tính theo diện tích toàn khu vực thì các chỉ tiêu vẫn đạt vì khu vực này có nhiều cây xanh, mặt nước rộng, nhưng xét riêng về nhóm nhà HH thì tỷ lệ xây dựng và dân số lại quá cao. 

- Không chỉ là những thông số chung, mỗi đô thị còn cần có nét bản sắc riêng mang yếu tố địa - văn hóa. Điều này cũng phải được bắt đầu từ quy hoạch?

- Để tạo bản sắc, trong quá trình quy hoạch, thiết kế đô thị chúng ta phải thiết kế chi tiết cho từng khu vực, hạng mục cụ thể. Từ mỗi tuyến đường trồng cây, mỗi đoạn sông, cây cầu, kể cả cầu vượt trên cạn đều phải thiết kế đóng góp vào tạo bản sắc cảnh quan đô thị. Với mỗi cây cầu, nếu chỉ để đi lại thôi thì đơn giản, nhưng để tạo ra bản sắc, như ở Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu - đã cho thấy tư duy để tạo ra một sự khác biệt mà không phải ở đâu cũng làm được. Ở Hà Nội, các cây cầu thiên về công năng sử dụng thôi, chưa tạo ra bản sắc. 

Văn hóa là một thành tố quan trọng để tạo nên bản sắc. Hiện ở Hà Nội, sau 12 năm mở rộng địa giới hành chính, nhiều điều chúng ta đã làm được, như mở rộng quy mô Thủ đô, mở rộng đường sá, tăng các KĐT, nhưng chúng ta lại chưa chú ý bảo tồn văn hóa. Thí dụ như việc gìn giữ văn hóa làng ven đô. Nhiều làng vùng ven ngoại thành đã bị xóa về văn hóa và cảnh quan. Nếu những yếu tố văn hóa đó mà được bảo tồn sẽ tạo được bản sắc cho từng không gian đô thị nhỏ. Từ những không gian đô thị nhỏ ấy sẽ tạo nên cái hồn cốt độc đáo của cả siêu đô thị. Trong khi đó ở nhiều KĐT mới nhiều khu vực lấy các tiêu chí hình ảnh nước ngoài, thiếu bản sắc, xa lạ. Còn có cả việc đặt tên nước ngoài cho KĐT, tòa nhà rất khó nhớ.

- Vậy theo ông cần phải quy hoạch ra sao để tạo được những đô thị có bản sắc và chất lượng sống tốt cho người dân?

- Chúng ta có quy hoạch, nhưng cần phải giữ được khung quy hoạch phát triển ấy và sớm có các chính sách phát triển đi cùng, tránh điều chỉnh cục bộ. Các chính sách phát triển, quy hoạch không gian đô thị cần phải được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến cộng đồng rộng rãi hơn. Bởi cộng đồng là thành tố góp mặt trong đô thị, vừa góp phần kiến tạo và thụ hưởng các không gian ấy. Cần quan tâm đến chất lượng không gian, triển khai nhiều dự án thiết kế đô thị cho các không gian công cộng hơn nữa.

Luật Kiến trúc vừa có hiệu lực, nhấn mạnh đến việc gìn giữ các giá trị văn hóa, tạo bản sắc đô thị, đây sẽ là một công cụ tốt để quản lý trong quy hoạch không gian đô thị.

Ngoài ra, các quy hoạch chi tiết, quy hoạch cho mỗi vùng đều cần phải tính toán đến yếu tố môi trường, không đánh đổi chất lượng môi trường để lấy kinh tế. Bởi xét đến cùng, sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững mới là điều quan trọng nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!