Ðòn bẩy từ cơ chế đãi ngộ

Chỉ khi bệnh viện (BV) được tự chủ về tuyển dụng và sử dụng cán bộ… thì chất lượng khám, chữa bệnh mới được nâng lên. Ðiều tưởng như hiển nhiên này lại chưa được cụ thể hóa khiến cho nhiều BV phải đau đầu với nạn chảy máu chất xám cũng như khó khăn trong tuyển dụng nguồn lao động có chất lượng cao.

Ê-kíp phẫu thuật và nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan giúp bệnh nhi xơ gan giai đoạn cuối được hồi sinh. Ảnh: Khánh Chi
Ê-kíp phẫu thuật và nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan giúp bệnh nhi xơ gan giai đoạn cuối được hồi sinh. Ảnh: Khánh Chi

Linh hoạt trong tự chủ tài chính

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại BV Nhi Trung ương - cơ sở thực hiện tự chủ tài chính (TCTC) từ khá lâu, kết quả mang lại khá lớn. Ông Trần Minh Ðiển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, khi thực hiện TCTC, BV không chỉ thu hút bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh thông thường mà nhờ đầu tư cho hệ thống máy móc, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên y tế nên những kỹ thuật khó, những loại bệnh phức tạp, hiếm có đều được chữa trị tốt. Cụ thể, BV đã tổ chức phẫu thuật thành công nhiều ca mổ với mức độ khó, điển hình như thực hiện thành công ca ghép gan cứu sống bệnh nhi một tuổi, nặng 6,7 kg, hay tiến hành các ca ghép gan cho bệnh nhi với độ khó cao.

Theo ông Ðiển, nhờ TCTC, thông qua đánh giá chất lượng BV hằng năm do Bộ Y tế thực hiện, kết quả chất lượng BV Nhi Trung ương sau mỗi năm tăng lên rõ rệt dù BV luôn đối diện tình trạng quá tải. Theo đó, nếu như năm 2016, BV chỉ đạt 3,45 điểm; năm 2017 đạt 4,01 điểm; năm 2018 đạt 4,25 điểm (điểm tối đa là 5). Việc TCTC còn giúp đời sống cán bộ, nhân viên y tế, người lao động được nâng lên. Ðây là nguồn động viên về vật chất và tinh thần để nâng cao ý thức người lao động tâm huyết với nghề. Chưa kể, BV còn mở rộng xã hội hóa, liên doanh, liên kết với DN để có nguồn tài chính mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, đáp ứng tốt công tác chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

BV Phụ sản Hà Nội cũng đang có nhiều bước phát triển nhờ thực hiện TCTC. Ông Ðỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, việc TCTC giúp BV đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển được các kỹ thuật cao. Ðến nay, BV đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp về sản phụ khoa, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, nhờ đó giảm đáng kể trẻ sinh ra với các dị tật, cũng như giúp đỡ nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được có con sau nhiều năm chờ đợi.

Hiện BV Phụ sản Hà Nội tiếp nhận khoảng từ 100 đến 300 bệnh nhân đến sinh/ngày, tổng ca phẫu thuật trên 100 ca/ngày, thu nhập của nhân viên y tế tăng lên đáng kể. Theo đó, với những bác sĩ cao cấp và có uy tín tại BV có thể đạt tới mức thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng. Những nhân viên còn lại, thu nhập bình quân đầu người cũng trên 20 triệu đồng/tháng. “Hiện BV có khoảng 1.500 nhân viên và BV cam kết sẽ hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, điều trị cho cán bộ, công nhân viên khi ốm đau, tai nạn dù trong hay ngoài giờ làm việc. BV cũng có nhiều ưu đãi, “trải thảm đỏ” mời các y, bác sĩ trình độ cao về làm việc”, ông Huỳnh cho biết.

Nhưng gặp khó trong tự chủ nhân lực

BV Nhi Trung ương và một số BV TCTC hiện nay gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí để đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị. Và do không được thực hiện tự chủ nhân sự nên lãnh đạo của các bệnh viện này vẫn phải xin Sở Y tế phê duyệt đề án nhân sự.

Không chỉ tuyến trên “kêu khó”, một số BV tuyến huyện thực hiện TCTC dường như còn khó khăn hơn nhiều. Bác sĩ Ðặng Trần Chiến, Giám đốc BV đa khoa Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, vướng mắc của BV khi TCTC là mới chỉ được tự chủ về tài chính, còn việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì không được chủ động. Trong khi, chất lượng y, bác sĩ là một yếu tố quan trọng để cạnh tranh và phát triển. “Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nên BV khó tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðây cũng là lý do khiến người bệnh có tâm lý thích vượt tuyến”, bác sĩ Chiến nêu thực tế.

Ðồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, Nguyễn Ngọc Chung cho rằng, khi được giao TCTC, khó khăn lớn nhất của BV để cạnh tranh là thiếu trang thiết bị, chưa nói tới những kỹ thuật cao mà chỉ riêng những máy móc cơ bản như máy siêu âm, lồng ấp sơ sinh; dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ phục hồi chức năng đều chưa có. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng rất quan trọng trong việc tự chủ tài chính ở các cơ sở y tế. “Y tế tuyến huyện thì thường không có nhiều bệnh nhân, phần lớn người bệnh đến đây khám chữa bệnh bằng BHYT chứ không có khám dịch vụ. Như vậy, lương để trả cho bác sĩ sẽ không cao và rất khó để giữ chân người giỏi. Nhiều cán bộ được BV cử đi học rồi về chuyển nơi khác, nhiều người bỏ cả biên chế để tìm cơ hội tốt hơn”, bác sĩ Chung chia sẻ.

Do đó, theo ý kiến lãnh đạo một số BV, cần trao quyền cho BV công tác nhân sự. Và để được trao quyền đó, thì cũng đòi hỏi từ phía các BV thực hiện tự chủ cần đa dạng hình thái loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung xây dựng những khu khám theo yêu cầu, dịch vụ cao, những khoa phòng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những người bệnh.