Nông dân... làm ăn lớn

Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Vĩnh Long có diện tích gieo trồng lúa hơn 180.000 ha. Ðây là một tỉnh xây dựng thành công mô hình dịch vụ sản xuất trọn gói ở các hợp tác xã (HTX), mở ra cơ hội liên kết sản xuất theo quy mô lớn.

Những tuyến đường giao thông nông thôn trên cánh đồng lúa chất lượng cao ở HTX Hồi Tường (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn)
Những tuyến đường giao thông nông thôn trên cánh đồng lúa chất lượng cao ở HTX Hồi Tường (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn)

Mô hình liên kết mới

Năm 2011, được sự đầu tư của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với 100 ha. Ðến năm 2014, mô hình mở rộng ra toàn xã (hơn 1.200 ha), trở thành mô hình điểm của tỉnh trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với tổ chức sản xuất và liên kết DN.

Năm 2016, địa phương thành lập HTX Nông nghiệp Tân Tiến và “nâng cấp” sản xuất theo quy trình lúa gạo sạch không sử dụng phân, thuốc vô cơ, với sự tham gia của “4 nhà”. Ông Dương Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến cho biết, sau hơn ba năm thực hiện mô hình, số lượng thành viên của HTX được mở rộng, từ 33 thành viên lên 82 thành viên với diện tích canh tác làm lúa gạo sạch khoảng 45 ha. Nếu năng suất những vụ đầu chỉ đạt 3,8 tấn/ha thì đến vụ đông - xuân vừa qua trung bình đã gần 8 tấn/ha. Thành viên và nông dân trong vùng sản xuất đều trúng đậm. 

Ông Phạm Thanh Nam, một trong những thành viên của HTX Tân Tiến phấn khởi cho biết: “Gia đình sản xuất được một ha lúa hữu cơ. Những năm đầu, do chưa quen với cách làm nên năng suất giảm thê thảm. Nhờ sự quyết tâm của các cơ quan chức năng và anh em trong HTX mà vụ mùa rồi đã thắng lớn”.

Theo đồng chí Phan Văn Thế, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), việc phát triển dịch vụ trọn gói trong HTX giúp khép kín sản xuất từ khâu chọn giống, phân thuốc cho đến bao tiêu đầu ra cho nông dân. Nhờ đó, các HTX không chỉ xử lý được vấn đề thiếu lao động làm nông ở địa phương mà còn tạo cho nông dân trong vùng sự gắn kết sản xuất. HTX cũng đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất nhanh, đồng loạt và hiệu quả trên cùng một diện tích sản xuất.

Là một trong số HTX thực hiện thành công phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) được hình thành vào tháng 9-2017 gồm 15 thành viên với diện tích sản xuất 11,5 ha, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng. HTX hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ và dịch vụ cấy lúa bằng cơ giới.

Dẫn chúng tôi tham quan ruộng lúa hữu cơ đã xuống giống hơn 30 ngày, ông Ðoàn Văn Tài, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt hào hứng “khoe”: “Việc liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị được HTX thực hiện chặt chẽ từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của thành viên”.

Tối ưu hóa sản xuất

Bí quyết thành công của HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt còn ở chỗ đã tìm ra cách khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, cũng như tập quán canh tác lạc hậu, không theo một quy trình sản xuất thống nhất nào của nông dân. Ông Ðoàn Văn Tài chia sẻ, nông dân tham gia HTX sẽ ký hợp đồng giao đất cho HTX sản xuất với số tiền 2.000.000 đồng/vụ/1.000 m2. Sau đó, người nông dân ký hợp đồng lại với HTX để phối hợp làm các công đoạn trong sản xuất nhưng theo hướng tập trung, chuyên nghiệp. Nhờ đó, trên cùng thửa đất, người nông dân có thêm nhiều khoản thu nhập.

Ðể phát triển theo hướng trọn gói, mới đây, HTX được hỗ trợ máy xay xát, đánh bóng gạo và đóng gói tại chỗ, giúp HTX xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Ông Ðoàn Văn Tài cho biết, đây là sự hỗ trợ rất thiết thực. Nếu chỉ một mình HTX sẽ không thể phát triển được từ 11 ha lên 100 ha theo hướng hữu cơ. Giờ đây, Tấn Ðạt đang tính đến bài toán lớn hơn, đó là tìm cách để tận dụng tối đa gói hỗ trợ để phát triển bền vững mạnh mẽ và rộng lớn hơn nữa.

Cũng là HTX có dịch vụ trọn gói, nhưng HTX Hồi Tường (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) chuyên sản xuất lúa chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Bé Bảy, Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất lúa giống, và làm dịch vụ cày xới, thu hoạch. Ðến nay quy mô sản xuất của HTX có diện tích 106 ha với 135 thành viên”.

HTX không chỉ “bán lúa số lượng lớn, đồng loạt cân lúa tới người cuối cùng với giá ổn định, mà còn tổ chức lịch xuống giống, thu hoạch cụ thể, gắn kết các DN bao tiêu lúa hàng hóa của thành viên. Sự ra đời của HTX Hồi Tường đã và đang tạo điểm tựa vững vàng cho thành viên, nông dân liên kết trong phát triển sản xuất. Ðặc biệt, HTX đang tạo nên một cuộc cách mạng trong tư duy sản xuất an toàn cho người sản xuất tại địa phương. “Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã hướng người dân đến sản xuất sạch, nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, mở hướng đi bền vững”, ông Nguyễn Văn Bé Bảy nhấn mạnh.

Cuối năm 2019, Liên hiệp HTX Lúa gạo tỉnh Vĩnh Long được thành lập và đặt trụ sở chính tại xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), gồm sáu HTX thành viên. Liên hiệp HTX Lúa gạo tỉnh Vĩnh Long hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nhân giống và tiêu thụ lúa giống được cấp xác nhận, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, sản xuất lúa hữu cơ, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.

Theo Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, đến nay ở lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có một liên hiệp HTX và 87 HTX, với 1.490 thành viên, 2.729 lao động. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 2.130 ha, tổng vốn hoạt động hơn 27,130 tỷ đồng. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phần lớn hoạt động theo loại hình dịch vụ, hỗ trợ nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của thành viên. Ðiều đó đã và đang giúp ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long có thương hiệu, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn.