Nơi “ươm mầm” ý tưởng công nghệ

Khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành nơi “ươm mầm” cho ý tưởng công nghệ, tạo ra những điều kiện lý tưởng về môi trường thể chế pháp luật, thử nghiệm chính sách mới, môi trường làm việc đặc biệt thuận lợi để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.Ảnh: Trần Hải

“Phòng thí nghiệm” cho hệ sinh thái đổi mới
 
 Tọa lạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội, NIC là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2-10-2019, với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ, hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Việc thành lập NIC là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
 
 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC là mô hình đầu tiên được Thủ tướng thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp (DN), tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của DN. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành một nghị định riêng, quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay. Nơi đây sẽ quy tụ các DN, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
 
 Sẽ có năm lĩnh vực được ưu tiên phát triển tại NIC, đó là đô thị thông minh, sản xuất thông minh, an ninh mạng, chuyển đổi số, công nghệ trong nông nghiệp và môi trường. Đây đều là những lĩnh vực được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì thế, NIC còn được coi là chìa khóa để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, qua đó có thể đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên các nước trong “cuộc chơi” 4.0.
 
 “Cơ chế mở” để kết nối và lan tỏa
 
 Một chuyên gia Ban Hỗ trợ DN - NIC cho biết, các DN, nhân tài sẽ là những nhóm hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách đặc thù của NIC. Cụ thể, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sẽ được NIC hỗ trợ để nhận được ưu đãi thuế, tài chính, pháp lý và đặc biệt là tiếp cận mạng lưới các nhân tài, các DN khởi nghiệp sáng tạo. Đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khởi nghiệp, NIC sẽ hỗ trợ tối đa để có thể tiếp cận với các chương trình đào tạo, các phòng thí nghiệm hiện đại và các quỹ nghiên cứu, các mentor và nguồn vốn…
 
 Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển NIC, nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận rằng, ở Việt Nam, nhiều trung tâm được hình thành để hỗ trợ DN nhưng hiệu quả thấp, không đi vào thực chất, vẫn mang nặng tư tưởng hành chính. Do vậy, với NIC cần đi vào thực chất, gắn với thực tế. Bởi theo các chuyên gia, thà có ít trung tâm nhưng phải kết nối, hỗ trợ và ứng dụng thành tựu nghiên cứu giúp DN phát triển. Bên cạnh đó là các cải cách về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường lành mạnh cho DN. Ông Chris Malone, Tổng Giám đốc BCG (Boston Consulting Group), tập đoàn tư vấn Việt Nam trong xây dựng NIC cho biết, có rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, như Hàn Quốc, Xin-ga-po… “Đây chính là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nhảy vọt, trở thành một nền kinh tế nghìn tỷ đô-la Mỹ. Việt Nam có cơ sở để trở thành một nền kinh tế như vậy”, ông Chris Malone nói và khẳng định rằng, NIC là hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
 
 Từ phía cộng đồng DN, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để là bệ phóng cho DN, NIC phải thật sự đổi mới, thật sự sáng tạo như chính tên gọi. Để NIC thật sự là chỗ dựa cho DN về công nghệ, kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước cần có các “cơ chế mở” để hoạt động, sáng tạo. Trung tâm đổi mới sáng tạo phải đóng vai trò đưa các công nghệ mới đến gần hơn với DN, khuyến khích tinh thần sáng tạo. Do đó, phải xây dựng những chính sách khác biệt, một chính sách mở tạo điều kiện để NIC hoạt động, không nên gò bó như một viện nghiên cứu hay một trung tâm kêu gọi đầu tư. NIC phải được kết nối với nhân tài người Việt toàn cầu, kết nối với các DN, các phòng thí nghiệm. Và điều mà họ mong muốn, NIC phải hoạt động thật sự có hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ trong việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.