Nơi âm thanh chẳng bao giờ ngừng nghỉ

Mỗi ngày, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có thể tiếp nhận hàng nghìn các cuộc gọi tham vấn. Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 đến nay, số lượng cuộc gọi ngày càng tăng, nội dung chủ yếu liên quan vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm họa từ mạng ảo.

Cứ như vậy, mỗi người một tai nghe, một chiếc bàn, sẵn sàng lắng nghe tâm sự của mọi gia đình.
Cứ như vậy, mỗi người một tai nghe, một chiếc bàn, sẵn sàng lắng nghe tâm sự của mọi gia đình.

Những nạn nhân đặc biệt

Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây nóng trực thuộc Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, tham vấn về các quyền của trẻ em. Ở đầu Hà Nội, một ngày làm việc của Tổ tư vấn được bắt đầu từ 6 giờ sáng, rồi cứ thế 8 giờ/ca, 14 tư vấn viên chia nhau trực, đáp ứng nhu cầu liên hệ 24/7. Trong căn phòng vỏn vẹn 20 m2, âm báo các cuộc gọi đến không khi nào ngừng.

Khó khăn lắm, chị Hoàng Lê Thủy - một tư vấn viên “lão làng”, mới có thể tạm dừng mạch kết nối để trò chuyện với tôi. Kể từ thời điểm cách ly, ở đây, ai cũng phải làm việc hết công suất. Ðường dây lúc nào cũng trong tình trạng bận, thậm chí họ không ít lần nhận được than phiền người gọi đến không thể kết nối được.

Ðiều các tư vấn viên cảm thấy áp lực nhất chính là những cuộc gọi về xâm hại trẻ em. Nhiều khi để vượt thoát khỏi tâm trạng nặng nề của câu chuyện, chính tư vấn viên lại cần nhận sự tư vấn của đồng nghiệp, chị Lê Thủy chia sẻ. Dẫu chưa có thống kê chính thức, nhưng điều có thể nhận thấy rõ là tần suất các cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trở nên dày hơn. Nếu trước kia người xâm hại thường nằm ngoài vòng gia đình hạt nhân, thì nay, đáng buồn thay, nhiều trẻ em có thể bị chính cha mẹ, ông bà của mình xâm hại. Và độ tuổi của nạn nhân ngày càng giảm (nếu trước kia độ tuổi trung bình là 10 đến 15, thì nay có ca mới chỉ 5 đến 6 tuổi). Hình thức và mức độ xâm hại cũng đa dạng và tinh vi hơn.

Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, các trường triển khai giảng dạy online, đường dây nóng lại tiếp nhận nhiều cuộc gọi liên quan đến xung đột giữa cha mẹ và con cái trong việc quản lý các con sử dụng internet.

Chị Hoàng Lê Thủy từng tiếp nhận một cuộc gọi được bắt đầu bằng lời kêu cứu: Hãy đưa em ra khỏi chính ngôi nhà của em! Em học sinh ấy có sở thích viết truyện trên Wattpat (mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải truyện và giao tiếp với người đọc). Nhưng ngay khi phát hiện ra điều này, lập tức bố mẹ đánh mắng em vì không thể tưởng tượng được sao đứa con nhỏ của mình có thể viết truyện có nội dung nhạy cảm, quan hệ tình dục như vậy. Em cầu cứu vì cho rằng bố mẹ đang bạo hành mình. Còn khi chị Thủy liên hệ với gia đình của em, thái độ của họ còn gay gắt hơn nữa. Họ nghĩ đây là việc riêng, không liên quan đến tư vấn 111.

Xung đột giữa các thế hệ trong gia đình có muôn hình vạn trạng, thậm chí có thể khởi đầu từ chính những bức ảnh mà cha mẹ chụp con cái rồi đưa lên trang cá nhân. Có em cảm thấy không thoải mái, thậm chí thấy bị xúc phạm khi đọc những bình luận của người khác về các tấm ảnh của mình.

Lắng nghe, thấu hiểu và hành động

Mỗi tư vấn viên khi nhận cuộc gọi sẽ tư vấn và tháo gỡ với từng câu chuyện cụ thể. Nhưng có những khi họ không thể đơn độc xử lý vấn đề. Vì tính nghiêm trọng của sự việc, cần phải tiến hành gấp các biện pháp bảo vệ trẻ em, tư vấn viên sẽ cần đến sự hỗ trợ của mạng lưới bao gồm các cơ quan chức năng địa phương, Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý (Cục Trẻ em)… Có những vụ việc họ còn cần đến sự vào cuộc của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) để ngăn chặn các sự việc đáng tiếc diễn ra trên không gian mạng.

NTV - một nữ sinh 15 tuổi, sống tại Hải Phòng, đã gọi về Tổng đài 111 xin hỗ trợ trong tình trạng hoảng loạn cực độ. Em đã bị N, một người quen qua mạng và bạn của N đe dọa, cưỡng bức. Ngay lập tức, các tư vấn viên hành động. Người liên hệ với Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý để hỗ trợ bình ổn tâm lý cho em, người tìm cách liên hệ với gia đình và địa phương để cùng giải quyết vấn đề. Tổ tư vấn tập trung những đoạn chat, địa chỉ IP của N cung cấp cho Cục An toàn thông tin… Chỉ một thời gian ngắn sau đó N đã bị bắt. Những hình ảnh của V mà N đang giữ, được Cục An toàn thông tin xóa bỏ vĩnh viễn, ngăn chặn phát tán ra ngoài. Ðây là cái kết phần nào có hậu đối với V, nhưng không phải em nào cũng may mắn như vậy.

Theo thống kê của Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam công bố vào tháng 10-2019, ở Việt Nam, 68% số trẻ em tự học cách sử dụng internet và có đến 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đăng tải trên internet mỗi ngày... Thế nhưng, ba năm gần đây, lực lượng công an chỉ bắt và xử lý được khoảng 150 vụ việc trong số đó.

Chị Thuận Hải - trưởng Tổng đài 111 cho biết: Ðến đầu năm 2020, bạo hành trẻ em trên không gian mạng mới được xếp loại thành trường hợp riêng biệt, để thống kê và xử lý. Trước đây, vấn đề này chỉ được xem là một trong nhiều nguy cơ gây tác động tiêu cực đến trẻ em mà thôi. Hiện nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 phát triển phần mềm ứng dụng đường dây nóng trên nền tảng số để mở rộng hơn nữa khả năng tiếp nhận và đa dạng phương thức chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em.

Khép lại một ca làm việc, tư vấn viên nào cũng không tránh khỏi mệt mỏi, thậm chí tâm trạng rất nặng nề. Nhưng họ gắn bó với công việc của mình và cùng chung mong mỏi, làm sao để Tổng đài 111 được biết tới và có thể hỗ trợ được các em ngày một nhiều hơn. Chỉ có như vậy khi rời khỏi văn phòng, họ mới có thể cảm thấy thanh thản khi ở bên gia đình của mình.