Những người tiên phong không đơn độc

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT) được giới chuyên gia nhận định là không hề dễ, nhất là rất khó khăn trong thay đổi nhận thức của người sản xuất. Một trong những bài học để đi đến thành công, chính là cần phải thay đổi tư duy người sản xuất, và hình thành cách làm ăn mới.

Công nhân HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) đang kiểm tra cá nuôi theo mô hình “sông trong ao” công nghệ Israel. Ảnh: DƯƠNG TIẾN
Công nhân HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) đang kiểm tra cá nuôi theo mô hình “sông trong ao” công nghệ Israel. Ảnh: DƯƠNG TIẾN

Từ ý tưởng tiếp cận thị trường lớn

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành chế biến thủy sản của Trường đại học Nha Trang, anh Lê Văn Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã đi đến nhiều địa phương học hỏi mô hình chăn nuôi thủy sản, sau đó anh về quê mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản. Khởi nghiệp từ một ha ban đầu với thành viên ít ỏi, HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt - nơi anh làm giám đốc, nay đã mở rộng diện tích ao nuôi trồng thủy sản lên tới 106 ha và có 28 thành viên sở hữu. Giờ đây mỗi năm HTX có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 1.000 tấn cá thương phẩm và 30 triệu con cá giống các loại.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Việt cho biết, người nông dân vốn có thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Việc xây dựng các hợp tác xã sẽ giúp liên kết sản xuất, tạo ra được số lượng sản phẩm lớn với mức giá thành hợp lý, hiệu quả sản xuất cao hơn... Theo anh, để thành công, người chăn nuôi cần thay đổi cách nghĩ, cách làm mới. Thí dụ, như mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) giờ đã không còn phù hợp, bởi vườn cây gần ao khiến giảm lượng ô-xi của cá vào buổi đêm, chuồng trại gần ao sẽ gây ô nhiễm…"Chúng tôi đã liên kết lại những hộ nuôi trong vùng và cùng nhau thay đổi tư duy làm ăn, chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn. HTX đã thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho
các thành viên, xây dựng chuỗi giá trị từ giống, thức ăn ch
ăn nuôi đến thị trường tiêu thụ", anh Việt nói.

Với nhiều hộ nông dân tham gia, diện tích lớn hơn, sản lượng tăng lên, HTX có thể tiếp cận và đáp ứng những đơn hàng lớn hơn. Sản phẩm vì thế tung ra thị trường đa dạng hơn. HTX đã đầu tư nuôi cá theo quy trình công nghệ mới trong ao nổi Israel là tạo "sông trong ao". Với quy trình công nghệ này đã cho thấy hiệu quả rất cao (có năng suất trung bình lên tới 200 tấn/ha/năm, cao hơn rất nhiều so phương pháp truyền thống chỉ 30 tấn/ha/năm), bởi hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ rủi ro dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, năng suất cao gấp ba lần so cách nuôi cá truyền thống, sản phẩm luôn bảo đảm an toàn thực phẩm. "Ðiểm nhấn trong cách tổ chức sản xuất của HTX chúng tôi là tạo ra một chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất con giống cho đến cách tổ chức triển khai sản phẩm cuối cùng tới bàn ăn. Bí quyết để HTX có đầu ra ổn định chính là bảo đảm chất lượng sản phẩm và phải chứng minh được điều đó. Theo đó, thủy sản nuôi theo quy trình cho chất lượng cao, tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng đúng kỹ thuật", anh Việt cho biết.

Ðến thay đổi nhận thức của người sản xuất

Câu chuyện của anh Lê Hữu Việt có nhiều tương đồng với chia sẻ của bà Bùi Bích Liên, Giám đốc kinh doanh thương hiệu ORFARM: "Với các doanh nghiệp (DN), khi có chuỗi sản xuất khép kín và tuần hoàn, những người làm chuỗi thấy có rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhất là với những người dân chung quanh trang trại, cơ sở sản xuất của mình".

Nhưng mọi sự không hề đơn giản đối với ORFARM. Bà Bùi Bích Liên nhớ lại: "Trước đây, chúng tôi đã đơn độc trong việc nói chuyện với khách hàng về thực phẩm hữu cơ khi các khái niệm của chúng ta vẫn mờ nhạt với nhận thức của người tiêu dùng. Những người dân sống gần trang trại của chúng tôi vẫn rất mơ hồ về việc cần phải tiến hành sản xuất thực phẩm sạch. Rất nhiều nhà trồng cam chung quanh trang trại chúng tôi không dám ăn cam của chính họ do đã bơm thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, sau khi ORFARM tiến hành chuỗi sản xuất khép kín của mình, dần dần người dân đã đến mua những thực phẩm sạch của chúng tôi, họ đã nhận ra sự khác biệt và xin tham gia vào chuỗi sản xuất của chúng tôi".

Từ thực tế đó, bà Bùi Bích Liên đề nghị các cơ quan quản lý cần làm tốt công việc truyền thông để hỗ trợ các DN trong việc thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ khí nông nghiệp, triển khai công nghệ áp dụng trong sản xuất giúp tối ưu hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Các trung tâm thương mại, siêu thị cần có sự giám sát chất lượng đầu vào và minh bạch thông tin, vừa giúp lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng và khiến cho các nhà sản xuất tin tưởng để đưa sản phẩm vào tiêu dùng. "Tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách để hỗ trợ cho người dân sản xuất trực tiếp những sản phẩm sạch, đạt chất lượng cao", bà Liên đề nghị.

Thực phẩm sạch là nhu cầu rất thiết yếu và nóng trong xã hội hiện nay. Chúng ta cần phải có thời gian để hình thành, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch một cách bài bản, nhất là người dân được nâng cao nhận thức và hiểu biết về sản xuất thực phẩm an toàn.