Nhân lực chất lượng cao, chìa khóa vàng cho hội nhập

Năm 2021, làn sóng đầu tư trực tiếp (FDI) từ các quốc gia phát triển và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam được dự báo sẽ gia tăng. Bởi thế, chúng ta cần sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp (DN) đang đầu tư, đồng thời về lâu dài đáp ứng những đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Các trường đại học phải bảo đảm được vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cái nôi của các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Hệ thống huấn luyện mô phỏng lái tàu tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh: CTV
Các trường đại học phải bảo đảm được vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cái nôi của các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Hệ thống huấn luyện mô phỏng lái tàu tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh: CTV

Chuyển dịch cơ cấu lao động

Số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn FDI vào Việt Nam đến ngày 20-3-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm trước. Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý I-2021, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.285,5 triệu USD, chiếm 59,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...

Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) Ðào Ngọc Dung, dòng vốn FDI đã có tác động thúc đẩy sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Cụ thể, số lượng việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong DN có vốn FDI năm 1995 mới chỉ đạt 330 nghìn người, nhưng đến năm 2019 đã lên khoảng 6,1 triệu người. Ðáng chú ý, đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn. Theo đó, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ, logistics, điện tử, cơ khí… đang gia tăng nhanh chóng.

Bình luận về điều này, bà Valentina Barcucci, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đã phản ánh khá rõ sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Nếu năm 2000 gần 65,3% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thì năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn 37,2%. Tức là lượng lao động đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp khá lớn. Ðến nay lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp sử dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%), theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5% tổng số việc làm).

Nhân lực chất lượng cao, chìa khóa vàng cho hội nhập -0

Công nhân được đào tạo nghề kỹ thuật cao làm việc trong dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh. Ảnh: Ðăng Khoa 

Cấu trúc lại hệ thống đào tạo nghề

Ðể đón đầu cơ hội từ xu thế chuyển dịch của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh việc cải cách đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chúng ta còn cần phải tập trung vào vấn đề mang tính mấu chốt, gia tăng chất lượng nguồn nhân lực. Chuyên gia lao động, việc làm Nguyễn Hữu Bắc lấy làm lo ngại trước tình trạng, nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ta còn thiếu và yếu. Thêm nữa, ngành giáo dục - đào tạo ở Việt Nam chưa có những định hướng rõ nét trong phân luồng đào tạo, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề dẫn đến tình trạng mất cân đối trong nguồn cung cho thị trường lao động. Hiện, một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và ngành tự động hóa thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động.

Nghịch lý nằm ở chỗ, với hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm cả nước có hơn hai triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp, nhưng tỷ lệ có việc làm lại không cao, và tỷ lệ được tuyển dụng vào những ngành triển vọng như đã nói ở trên còn khiêm tốn hơn. Chưa kể, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, ngành đào tạo lại chưa cung ứng được ra thị trường nguồn nhân lực đạt được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Ðào tạo ngoại ngữ ở các cấp học cần được chú trọng hơn nữa. Chính các trường đại học phải bảo đảm được vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cái nôi của các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN cần đưa ra những chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, đầu tư khoa học - công nghệ tại DN bằng các lợi ích cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN. Tăng cường công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ và đào tạo lồng ghép trong DN, khối ngành nghề, hiệp hội; hoàn thiện công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên phù hợp năng lực và sở trường của bản thân; có chính sách thu hút, kêu gọi người tài về làm việc trong nước; đổi mới chương trình giáo dục theo hướng lý thuyết đi đôi với thực hành.

Nhìn nhận về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc cần có sự hợp tác với các DN. "Chúng ta cần hợp tác với các DN, nhất là DN FDI có công nghệ hiện đại. Các trường đào tạo nghề của Việt Nam kết hợp với họ, đào tạo theo đúng chương trình của họ thì sẽ có người giỏi, lương cao hơn và có động lực để người tài phát huy", ông Lê Ðăng Doanh khuyến nghị. Ðồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý: "Phải cấu trúc lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề. Quy mô đào tạo gắn liền với chất lượng, với việc làm và với thị trường lao động".

Ở góc độ sử dụng lao động, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty Công viên phần mềm Quang Trung lo ngại, nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam bị chậm nhịp trong việc tiếp cận những cái mới. Tuy vậy, ông Long tin vào tư chất thông minh, ham học hỏi của người Việt hoàn toàn có thể tiếp cận một số công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet of Things), học máy (ML)… Ðối với lĩnh vực này, lao động của chúng ta khá nhanh nhạy so các nước trong khu vực. Ðể có thể tăng tốc phát triển, DN phải xem việc tuyển dụng và đào tạo, đào tạo lại hay đào tạo thêm cho nguồn nhân lực là hoạt động thường xuyên, ông Long chia sẻ.

Bàn về giải pháp cơ cấu lại thị trường, Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết, bộ đang tiếp tục khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm để có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động, đón nhận các dự án mới. Mặt khác Bộ LÐ-TB&XH sẽ chủ động phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các bộ, ban, ngành liên quan đánh giá, xác định nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới, để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng và khoa học kỹ thuật cao.

Những năm qua, chúng ta đã bàn nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Ðiểm yếu, điểm mạnh cũng đã được đánh giá cụ thể. Bây giờ là lúc phải cương quyết hành động từ nhiều phía, bắt đầu là vai trò không thể thiếu của "bàn tay quản lý Nhà nước", cho đến sự chuyển động của các cơ sở đào tạo, của chính các DN. Và không thể thiếu sự nhập cuộc của chính người lao động. Nguồn nhân lực là chìa khóa mở cửa đón "sóng" đầu tư. Chỉ có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mới giúp nền kinh tế, thị trường lao động hội nhập quốc tế sâu hơn và từ đó vươn đến những nấc thang cao hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.