Nghịch lý trong các phiên thoái vốn nhà nước

Từ đầu năm đến nay, diễn biến đáng chú ý trong các phiên thoái vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia thành hai thái cực khá rõ rệt. Các phiên thoái vốn nhà nước tại nhiều DN có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt, quy mô bán vốn lớn lại không thành công, trong khi những phiên thoái vốn nhỏ, DN không mấy tên tuổi lại bán hết.

Nghịch lý trong các phiên thoái vốn nhà nước

Èo uột kết quả thoái vốn

Số liệu của SCIC công bố cho biết, chín tháng năm 2019, SCIC bán vốn thành công tại sáu DN, chỉ đạt 7% kế hoạch về số lượng DN. Nếu nhìn vào kế hoạch thoái vốn tới 108 DN của cả năm 2019, có thể thấy khá rõ rằng, năm nay SCIC không thể hoàn thành kế hoạch năm về số lượng DN thoái vốn! Về giá trị, SCIC không công bố cụ thể mục tiêu giá trị thoái vốn mà Tổng công ty cần đạt được năm 2019, nhưng trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 có đề cập doanh thu năm 2019 phấn đấu đạt 6.499 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là con số chưa tính doanh thu thoái vốn các DN có quy mô lớn, vì nếu tính cả các DN có quy mô thoái vốn lớn thì doanh thu 2019 của SCIC phải đạt hơn 21.000 tỷ đồng.

Phân tích sâu hơn diễn biến các đợt thoái vốn của SCIC thời gian qua (tính đến hết tháng 10-2019), có thể thấy khá rõ những điểm đáng chú ý. Thứ nhất, có những DN từng được giới đầu tư đánh giá được thị trường mong chờ như Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Dược Domesco (DMC), Vocarimex... được đem ra thoái vốn, nhưng đều không có nhà đầu tư đăng ký mua.

Trong khi đó, gần đây, các đợt thoái vốn DN nhỏ, ở địa phương lại được nhà đầu tư đăng ký mua hết và giá bán thành công đều cao hơn giá khởi điểm. Đơn cử, phiên đấu giá cả lô 850.700 cổ phần (CP) Nhà nước tại Công ty CP Xi- măng Tiên Sơn Hà Tây thành công với giá 11.300 đồng, giá khởi điểm 11.260 đồng/cổ phiếu. Lô 655.088 CP Công ty CP Xuất nhập khẩu Công nghệ mới bán thành công giá 6.100 đồng/cổ phiếu; phiên đấu giá Dược Lâm Đồng có bốn nhà đầu tư đăng ký mua, giá trúng là 31.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá khởi điểm là 28.100 đồng/cổ phiếu, số lượng cổ phần bán cả lô gần 2,5 triệu CP, tổng giá trị lô cổ phần bán được là 77 tỷ đồng...

Tại sao lại có sự khác biệt trên? Một vị giám đốc tư vấn DN của công ty chứng khoán lớn cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở mức giá khởi điểm chưa phù hợp với thị trường. Đơn cử, giá khởi điểm đấu giá DMC là 119.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 64% so với thị giá thời điểm đưa CP ra đấu giá đang ở mức 72.900 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ đông lớn nhất tại DN là Tập đoàn Abbott đã sở hữu hơn 52% CP, nắm quyền chi phối DMC. Còn tại Sa Giang, giá khởi điểm là 111.700 đồng/cổ phiếu...

Những mức giá trên trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng giá trị DN được chấp nhận. Thí dụ, với cổ phiếu SGC, thị giá duy trì ở mức cao gần 130.000 đồng/cổ phần, nhưng thanh khoản lại rất thấp, chỉ đạt vài nghìn đơn vị/phiên.

Giải thích cho việc xác định mức giá khởi điểm trên, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho hay, việc định giá DN theo các quy định mới là rất chặt chẽ, phải tính đủ, tính tối đa theo các phương pháp định giá dựa trên tiềm năng DN, chứ không đơn thuần theo phương pháp định giá tài sản. Ngoài ra, SCIC còn phải tuân thủ quy định là giá khởi điểm không thấp hơn trung bình giá cổ phiếu trong ít nhất 30 phiên liên tục trước khi chọn thời điểm chốt giá.

Bởi thế, không khó hiểu khi nhiều cổ phiếu có giá khởi điểm rất cao so với thị giá cổ phiếu trên sàn, vốn đã được đánh giá ở mức cao do các yếu tố phi thị trường như trường hợp cổ phiếu SGC hay DMC.

Tại cuộc họp mới đây của SCIC và các công ty chứng khoán, công ty thẩm định giá, một ý kiến chung được chia sẻ là việc áp dụng quy định mới về cơ chế bán vốn nhà nước tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, đang khá bế tắc.

Chẳng hạn, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP yêu cầu “Xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của DN nhà nước đầu tư ra ngoài bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hằng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật”.

Giám đốc một công ty chứng khoán phân tích, thực tế triển khai xác định giá khởi điểm bán cổ phần tại các DN cho thấy, các tài sản vô hình của DN (nếu có) thường là giá trị quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng, giá trị tiền thuê đất trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê, phần mềm máy tính, nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, bằng phát minh, sáng chế, bản quyền thuốc và các tài sản quyền sở hữu trí tuệ khác.

Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá DN, việc xác định giá trị tài sản vô hình nói chung và giá trị quyền sở hữu trí tuệ nói riêng được quy định trong Phương pháp tài sản.

Trong nhiều trường hợp việc xác định giá trị là không khả thi vì: DN không hợp tác trong việc cung cấp thông tin hoặc chỉ cung cấp các thông tin cho cổ đông theo quy định của Luật DN; nhiều tài sản vô hình là các bằng sáng chế, phát minh, phần mềm đặc thù liên quan đến bí quyết kinh doanh nên DN không cung cấp thông tin; một số tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ khó xác định hoặc không xác định được vì không đủ điều kiện để ghi nhận là tài sản vô hình trên bảng cân đối tài sản của DN (thí dụ như nhãn hiệu). Trong các trường hợp này, đơn vị tư vấn sẽ không thể xác định được giá trị DN nói chung và giá trị các tài sản vô hình khác (nếu có) theo quy định tại Phương pháp tài sản thuộc Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12. Đặc biệt, việc xem xét giá trị đất đai nảy sinh nhiều trường hợp rất phức tạp. Theo chia sẻ của một công ty thẩm định giá, hiện nhiều DN đang vướng vào tình trạng có nhiều khu đất có giấy tờ không hoàn chỉnh, nhưng thành phố hoặc tỉnh vẫn cho tiếp tục sử dụng đất, thậm chí thời gian hết hạn sử dụng tới cả chục năm và hằng năm DN vẫn đóng tiền sử dụng đất. Trong trường hợp này rất khó định giá bởi DN có thể bị thu hồi đất bất cứ lúc nào.

Không chỉ các đợt thoái vốn DN niêm yết khó khăn, thoái vốn tại DN chưa niêm yết cũng vấp phải không ít thách thức. Theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, việc bán vốn nhà nước tại các công ty cổ phần chưa niêm yết được thực hiện theo trình tự ba bước: Đấu giá công khai, đấu giá không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh và chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Theo quy định, giá khởi điểm sẽ không thay đổi trong quá trình triển khai ba bước (trừ khi chứng thư thẩm định giá đã quá thời hạn). Trong trường hợp bán không thành công, giá khởi điểm xác định lại theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP thông thường không thay đổi nhiều (cao, thấp hơn) so với giá những lần bán không thành công trước đây. Vì vậy, việc bán vốn tại DN khó có khả năng thành công.

Cần sớm tháo gỡ nút thắt

Những phiên bán vốn thành công của các DN mà SCIC công bố gần đây khiến thị trường đặt câu hỏi, có giải pháp nào để thúc đẩy các đợt thoái vốn lớn thành công? Phải chăng SCIC chưa linh hoạt khi xem xét lựa chọn giá khởi điểm ở nhiều phiên đấu giá rất cao so với giá thị trường hoặc giá trị thực của DN?

Sẽ rất khó để SCIC có thể trả lời được câu hỏi này vì việc chọn mức giá khởi điểm phải tuân thủ các quy định pháp luật về thoái vốn nhà nước. Nếu chỉ để bán được cổ phần, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những rủi ro pháp lý có thể xảy ra nếu bên bán vào một ngày nào đó bị chỉ ra không tuân thủ tất cả các quy định về bán cổ phần thoái vốn theo các quy định hiện hành?

Đại diện SCIC cho biết, nhận thức rõ những khó khăn trong việc thoái vốn, từ quý I - 2019, SCIC đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi hai văn bản này. Tổng công ty cũng đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, gửi công văn báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… đề nghị hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các quy định mới về cơ chế bán vốn tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP...

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép SCIC áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù (hạ giá khởi điểm) quy định tại Nghị định số 151/NĐ-CP ngày 1-11-2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC đối với những DN đã triển khai bán vốn theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NÐ-CP, nhưng không thành công.

Cho rằng cơ quan quản lý cần sớm tháo gỡ các nút thắt liên quan tới định giá cổ phần, xác định giá trị DN khi thoái vốn nhà nước, vị giám đốc tư vấn công ty chứng khoán nhận xét, kiểu định giá an toàn và một số quy định tại Nghị định số 32/2018/NÐ-CP khiến các đợt thoái vốn không thành công do thiếu tính thị trường.

Năm 2019 - 2020, thị trường vốn được dự báo có nhiều biến động, đi kèm với các biến động lớn trên thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu. Bởi thế việc thoái vốn rất cần được thực hiện linh hoạt, chuyên nghiệp và bám sát nhu cầu thị trường để thu hút sức cầu. Có như vậy mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ và mục tiêu thoái vốn, tái cơ cấu DN nhà nước đang bước vào giai đoạn nước rút.