Nghị định cần khơi dậy được sức dân

Sau đợt thiên tai tàn phá miền trung vừa qua, nhận diện những điểm còn chưa hợp lý trong Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (NĐ64) về hoạt động cứu trợ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng Nghị định thay thế. Ông Nguyễn Văn Pha (ảnh bên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, sáng kiến của người dân là thực tiễn rất tốt cho Nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật.
 

Nghị định cần khơi dậy được sức dân

- Thưa ông, qua quan sát thực tiễn và với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), ông nghĩ sao về kiến nghị cần mở rộng đối tượng được phép huy động, tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ?
 
 - Đúng là đối tượng được phép huy động, tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ như quy định trong Nghị định 64 khá hạn hẹp. Tôi cho rằng nên quy định bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tham gia, như thế mới huy động được tối đa nguồn lực trong xã hội cho công tác này. Nhưng phải làm thế nào để đồng tiền cứu trợ được sử dụng thiết thực, ý nghĩa, giữ gìn được tình làng nghĩa xóm trong các khu vực được cứu trợ.
 
 - Liên quan đến việc bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính, liệu có nên đưa các quy định về mức chi, thời gian giải ngân… vào nghị định?
 
 - Năm 2006, sau cơn bão Chanchu cũng có ý kiến khác nhau về việc sử dụng tiền cứu trợ, tôi có nói một cách hình ảnh là “Của Chanchu phải trả cho Chanchu”, nghĩa là người ta góp tiền để làm gì thì phải sử dụng đúng mục đích đó. Tất nhiên, không phải chỉ cứu đói, cứu khát hay mua thuốc men quần áo, mà ngoài hỗ trợ ban đầu thì có thể giúp đỡ xây dựng lại nhà cửa, học phí cho con cái học hành hay cấp giống cây trồng, con giống… Nhưng đúng là để giải ngân một cách hiệu quả những khoản tiền lớn thì phải thông qua những quỹ được lập một cách hợp pháp và có sự kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức có hảo tâm nên có sự phối hợp với chính quyền sở tại để được hướng dẫn thực hiện cứu trợ một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công bằng.
 
 - Thưa ông, trong trường hợp không phải tiền có nguồn gốc ngân sách, liệu những quy định mang tính bắt buộc có hợp lý không?
 
 - Không thể bắt buộc những người đi cứu trợ chỉ mang tiền mà không mang mì tôm hay bánh chưng; nhưng quản lý tiền thì có những nguyên tắc bắt buộc để bảo đảm minh bạch, sòng phẳng. Từng công tác ở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi biết toàn bộ nguồn tiền, hàng cứu trợ trong các tình huống khẩn cấp được chuyển qua MTTQ hoặc Hội Chữ thập đỏ sẽ được chuyển tới người dân đầy đủ, nguyên vẹn, bởi chi phí cho nhân lực và hoạt động đó đã được nhà nước chi trả.
 
 Không chỉ cứu trợ khẩn cấp đâu, có những quỹ thường xuyên, như Quỹ Vì người nghèo có phí quản lý quỹ là 5%, nhưng thời tôi ở đó chưa bao giờ dùng đến 2% cả. Các tỉnh phía nam họ cũng không dùng, mà địa phương tài trợ chi phí. Quyên góp được một tỷ đồng thì sẽ đem cả một tỷ đồng đó chuyển cho người nghèo trong diện được hỗ trợ. Tôi nghĩ, không có ai nhẫn tâm xà xẻo khoản tiền đó.
 
 - Thực tế, tuy không nhiều, nhưng cũng từng có một số trường hợp tiêu cực, khiến một số tổ chức, cá nhân hảo tâm vẫn muốn tự làm từ thiện mà không muốn giao phó hoàn toàn, thưa ông?
 
 - Đây là vấn đề lòng tin, phải xây dựng, củng cố dần dần. Về nguyên tắc, tôi nghĩ tâm nguyện của người quyên góp phải được tôn trọng, họ ủy thác cho ai đó hay tự thực hiện đều được, nhưng nếu có sự phối hợp với chính quyền cơ sở ngay từ đầu, sẽ tránh mất công mất sức mà không hiệu quả, không công bằng (công bằng ở đây được hiểu là người bị thiệt hại nhiều thì được hỗ trợ nhiều và ngược lại).
 
 - Ông nghĩ sao về gợi ý, nên ứng dụng “công nghệ 4.0” vào Nghị định để xây dựng một bản đồ số giúp tối ưu hóa nguồn lực và phân công hợp lý, giảm rủi ro?
 
 - Đó là ý kiến hay. Thế nhưng việc đó cũng không hoàn toàn thay thế được sự hợp tác với chính quyền cơ sở - cấp quản lý dân cư sát nhất. Nhất là khi các hoạt động hỗ trợ, như tôi đã nói, không chỉ gói lại trong chuyện cứu đói, cứu khát. Tôi cho rằng, Nghị định mới cần quy định rõ, chính quyền địa phương không được từ chối việc hợp tác, giúp đỡ các nhà tài trợ. Có một yếu tố rất tế nhị ở đây nữa là nếu không khéo, không bảo đảm công bằng thì hoạt động cứu trợ có khi lại làm sứt mẻ khối đoàn kết dân cư. Vai trò của cán bộ cơ sở, vì thế, rất quan trọng, phải coi trọng và phát huy được vai trò của họ. Đại đa số rất vất vả, nhiều người gần như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
 
 - Vậy nghị định mới có cần quy định về giám sát, hay chế tài trong vấn đề này không, thưa ông?
 
 - Không cần đưa vào đây. Tùy từng mức độ sai phạm đã có các văn bản luật khác quy định rồi. Để thất thoát phải chịu trách nhiệm dân sự; nếu cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự. Nghị định này mang tính chất hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để khơi dậy sức dân, phát huy truyền thống tương thân, tương ái.
 
 Tuy nhiên, cần lưu ý, hoạt động quyên góp hỗ trợ từ thiện có liên quan đến nhiều đạo luật như Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hoạt động chữ thập đỏ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…, cho nên khi soạn thảo Nghị định thay thế thì cần có sự đối chiếu, rà soát cẩn thận.
 
 - Xin cảm ơn ông!