Nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo nghề

Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Ông Phạm Vũ Quốc Bình (trong ảnh), Phó Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) cho biết, phải tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác dạy nghề.

- Thưa ông, vì sao nhiều giải pháp đã được đưa ra mà tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta mới chỉ đạt khoảng 25%? Ở góc độ quản lý, Bộ sẽ có chính sách gì?

- Nếu làm phép so sánh từ năm 2015 đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng khoảng 4,44% (tại quý I-2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 21,24%, trong khi đó tại quý I-2020 là 25,68%). Giải bài toán tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là việc không dễ dàng, mà phải tính tới nhiều yếu tố trong đó có sự tác động từ nhu cầu sử dụng lao động phía doanh nghiệp (DN). Nhiều DN hiện nay chỉ sử dụng lao động phổ thông, không qua đào tạo bằng cấp, chứng chỉ. Ðiều này kéo theo nhiều hệ lụy. Do vậy, Bộ LÐ-TB&XH đang chuẩn bị xây dựng quy định về các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, là một trong các giải pháp góp phần làm tăng tỷ lệ người lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ.

- Không thể "ép" các ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo khi mà đào tạo nghề còn bất cập, DN phải thường xuyên đào tạo lại người lao động, thưa ông?

- Thị trường lao động đang ngày càng biến đổi nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 với những tác động làm thay đổi cả phương thức làm việc. Ðiều này dẫn tới một số ngành, nghề sử dụng lao động giản đơn mất đi hoặc dần bị thay thế bởi lao động biết sử dụng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều ngành, nghề mới cũng ra đời hoặc phát triển vượt bậc như thương mại điện tử, logistics, công nghiệp phụ trợ…

Trước tình hình này, Ðảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm tới đào tạo nhân lực. Tại Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, một trong ba đột phá chiến lược được nhắc tới là "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…". Các bộ, ngành cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, chiến lược xuất, nhập khẩu… để phát triển kinh tế - xã hội. Ðể thực hiện chủ trương của Ðảng, các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực đã được đưa vào Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Bộ LÐ-TB&XH đã thành lập Tổ công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu và thúc đẩy các hoạt động gắn kết GDNN với DN, gắn đào tạo với việc làm.

Tuy nhiên, gắn kết giữa DN và cơ sở GDNN dù có cải thiện, nhưng vẫn chưa thật sự chặt chẽ vì chưa làm rõ được lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan; công tác dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực còn hạn chế dẫn đến chưa cung cấp đủ thông tin để xác định nhu cầu đào tạo. Mặt khác, nhu cầu của DN rất đa dạng, do vậy, vẫn còn tình trạng các DN phải đào tạo lại người lao động. Tuy vậy, đó là việc bình thường!

- Từ góc độ quản lý, quan điểm của ông về đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ phải bắt đầu từ đâu và như thế nào?

- GDNN sẽ cần phải đổi mới toàn diện, trong đó có một số giải pháp chính sau: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN. Triển khai các hoạt động đánh giá, sơ kết Luật GDNN để sửa đổi, bổ sung Luật GDNN phù hợp giai đoạn phát triển mới và định hướng chuyển đổi số quốc gia.

Ðổi mới quản trị hệ thống GDNN. Theo đó cần đa dạng hóa các mô hình, hình thức, loại hình đào tạo, trình độ đào tạo. Nghiên cứu bổ sung các trình độ đào tạo (trình độ trên trung cấp, dưới cao đẳng; trên cao đẳng, dưới đại học…), nhằm thích ứng với sử dụng lao động của DN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và phát triển bao trùm. Việc gắn kết chặt chẽ GDNN với DN và thị trường lao động, trên cơ sở trách nhiệm xã hội và lợi ích giữa các bên liên quan. DN có trách nhiệm phát triển, nâng cao chất lượng của DN mình. Cơ quan chức năng xây dựng cơ chế để DN chia sẻ, cung cấp thông tin về nhu cầu và số lượng, trình độ, kỹ năng của người lao động cần có đối với DN, để làm cơ sở tổ chức đào tạo. Ðồng thời DN cần chia sẻ các thông tin về kế hoạch, chiến lược đổi mới công nghệ, chiến lược phát triển nhân lực trong từng thời kỳ cho cơ sở GDNN tham khảo để có kế hoạch, chiến lược tổ chức đào tạo thích hợp.

Cần phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với sự tham gia chặt chẽ của DN, trên cơ sở chuẩn "đầu ra". Ðổi mới phương pháp đào tạo với phương châm "lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hỗ trợ, giám sát".

Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo. Tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động liên quan đến GDNN; đẩy mạnh số hóa các tài liệu, chương trình, giáo trình đào tạo GDNN; tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho GDNN.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!