Khung trình độ quốc gia

Mục tiêu và trở ngại

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TTg, ngày 30-3 vừa qua, phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam với tám bậc (trong đó giáo dục nghề nghiệp có năm bậc và giáo dục đại học gồm có ba bậc). Đây là tiền đề và là điều kiện để các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học cùng các bên liên quan phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc triển khai Khung trình độ quốc gia và việc xây dựng các chuẩn chương trình sắp tới theo hướng tiếp cận “chuẩn năng lực đầu ra” sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: THANH TRÚC
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: THANH TRÚC

Lo ngại và cảnh báo

Khung trình độ quốc gia là bộ tiêu chuẩn quốc gia về chuẩn đầu ra trong đào tạo nghề nghiệp, là bộ công cụ quan trọng giúp các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và cả người dân trong xã hội có căn cứ xác định giá trị của hệ thống văn bằng đào tạo nghề nghiệp, góp phần bảo đảm việc dự báo nhu cầu và quy hoạch nhân lực, đồng thời là cơ sở cho việc chuyển đổi và công nhận kết quả học tập, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện mục tiêu học tập suốt đời của các cá nhân.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo theo kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, việc xây dựng các chuẩn đầu ra trước hết cần phải trên phân tích từ vị trí việc làm đến các yêu cầu năng lực đối với việc làm đó. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là không phân biệt được vị trí việc làm giữa cao đẳng và trung cấp, vấn đề này thực tế các doanh nghiệp (DN) đã phản ánh. Theo ông Vinh, muốn xây dựng được tốt khung chuẩn đầu ra phải dựa trên sự phối hợp giữa các bên liên quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế: “Chuẩn đầu ra chỉ là tuyên bố, quan trọng là việc triển khai khung trình độ như thế nào, tức là dựa vào chuẩn đầu ra các trường phải đầu tư cơ sở vật chất, quy trình phát triển chương trình đào tạo, thực hiện chương trình, thi và kiểm tra đánh giá, bảo đảm chất lượng như thế nào. Làm được điều đó thì khung trình độ mới đi vào cuộc sống”- ông Vinh nêu quan điểm và cho biết thêm, với xu thế thế giới thay đổi nhanh chóng về khoa học - công nghệ và trình độ lao động như hiện nay, việc xây dựng chuẩn cần phải được tính toán hợp lý, làm sao phải bảo đảm “khung” đủ rộng, có “chỗ” để điều chỉnh trong tương lai.

Trong khi đó, ông Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và thực hành giáo dục, Trường đại học Phú Xuân cho rằng, ở góc độ chuyên môn, ông lo ngại việc triển khai khung chương trình có thể rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” của chương trình khung trước đây. Thực tế, theo ông Hiệp, những quy định chương trình khung trước đây đã “trói buộc” các trường trong việc tự chủ, tự quyết xây dựng chương trình, vì thế cần nghiên cứu kỹ để tránh tái diễn tình trạng đó. Trước đây Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 07 về việc hướng dẫn khối lượng kiến thức tối thiểu, năng lực người học sau khi tốt nghiệp ở mỗi trình độ đào tạo giáo dục đại học. Lần này thực hiện chuẩn chương trình có thể phát triển và làm kỹ từ Thông tư 07. “Tôi rất sợ những chuẩn sắp tới sẽ được đo đếm cứng nhắc với từng ngành, từng nghề. Khung trình độ không thể quyết định được chất lượng nguồn nhân lực, mà chỉ là một trong những “cấu phần” của việc đào tạo ra nhân lực chất lượng. Nhưng nếu thiết kế được bộ hướng dẫn phát triển khung chương trình tốt, nó sẽ giúp các trường nhiều trong việc thật sự tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giúp Nhà nước giám sát và điều tiết chung”, ông Phạm Hùng Hiệp khẳng định.

Mục tiêu và trở ngại ảnh 1

Các cơ sở đào tạo hoàn toàn tự chủ trong việc phát triển chương trình đào tạo cao hơn mức chuẩn tối thiểu. Ảnh: THU THẢO

Bàn sâu về câu chuyện xây dựng chuẩn chương trình, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện có hai cách tiếp cận để làm chuẩn. Thứ nhất, theo cách “chuẩn chương trình”, cách tiếp cận này hướng đến việc xác định những nội dung cốt lõi nhất của một chương trình đào tạo với ngành đào tạo nào đó, những nội dung tối thiểu phải có. Thứ hai, tiếp cận theo chuẩn năng lực đầu ra, hướng này thường vận dụng vào quá trình đào tạo nghề. Chuẩn đầu ra sẽ tập hợp các năng lực đòi hỏi người tốt nghiệp phải có để làm được công việc cụ thể nào đó. Theo ông Khuyến, cách tiếp cận thứ hai có vẻ hiện đại hơn, hay hơn, nhưng để làm và áp dụng được rất khó với các trường đại học. Vì vậy, các trường đại học và DN phải ngồi lại với nhau, bàn, phân tích hoạt động cụ thể của người lao động, lúc đó mới biết được người lao động cần hình thành những năng lực gì, từ năng lực mới biết được cần đào tạo những kiến thức gì, kỹ năng gì, thái độ gì.

Xây dựng, thực hiện ra sao?

Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, hiện nay xu thế cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương có một vài lĩnh vực cần tập trung xây dựng chuẩn và thực hiện trước, như: du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin và các chương trình thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ (ba lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao là ba lựa chọn ưu tiên của Chính phủ). “Tôi nhấn mạnh, xây dựng chuẩn đầu ra phải đi vào cuộc sống, các giáo viên có biết không, áp dụng thì thay đổi bài giảng như thế nào, thay đổi cách đánh giá ra sao? Bởi các môn học đều có sự liên quan tới nhau”, ông Vinh khẳng định, đồng thời cho biết, cơ bản chuẩn đầu ra làm sao phải cố gắng đo lường được, hiện thực, khả thi... không phát biểu chung chung và chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu để đạt được trình độ mang tính quốc gia.

Theo quan điểm ông Vinh, khi đã có Khung trình độ quốc gia, các cơ sở đào tạo sẽ bám vào khung chuẩn đó xây dựng chương trình, Nhà nước phải bảo đảm quản lý tính thống nhất tương đối, bảo đảm chất lượng không thể thấp hơn chuẩn đầu ra được Nhà nước ban hành. Bộ GD&ĐT cần sớm có format của chuẩn chương trình gồm những nội hàm gì, cấu trúc ra sao... để các trường chủ động xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra của chương trình.

Như vậy, thời điểm hiện nay là lúc cần tới vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp để có thể tạo nên những hình dung chính xác về yêu cầu nhân lực cho các lĩnh vực, tránh tình trạng chuẩn đầu ra bị phiến diện, thiếu thực tế hay chỉ đại diện cho một DN nào đó. “Nếu không muốn thua trên sân nhà, buộc chúng ta phải có biện pháp nâng cao chất lượng. Đây là mục tiêu tham vọng, khó khăn, nhưng khó khăn mà ngành giáo dục và cả xã hội cùng phải đối mặt, do vậy không còn cách nào khác. Nhiệm vụ phải làm, nếu không làm thì không có công cụ để bảo đảm nguồn nhân lực”, ông Hiệp khẳng định.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xác định, kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia với các nhiệm vụ cụ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo theo từng ngành cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục đại học với DN và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.

Tổ chức chuyên đề: VŨ MAI HOÀNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO, KHÚC HỒNG THIỆN