Lựa chọn và sử dụng người tài

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài”. Vấn đề là, làm thế nào để trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng?

Những gương mặt trẻ được vinh danh tại Lễ trao giải Quả cầu vàng 2020. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Những gương mặt trẻ được vinh danh tại Lễ trao giải Quả cầu vàng 2020. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Trong không khí ngày Xuân, bên mâm cỗ Tết, lại nhớ sự tích bánh chưng, bánh dầy. Chuyện dài, bảng lảng như gió, như mưa xuân, nhưng có thể tóm tắt thế này: Thời Hùng Vương thứ Sáu có cuộc tìm chọn người tài để truyền ngôi. Vua cho mời tất cả 22 người con tới phán rằng, ta muốn thử tài các con, ai dâng lên những lễ vật ngon nhất, hiếm có, khiến ta vừa ý thì người đó sẽ thay cha làm vua. Được lời, tất cả các Vương tử đều dốc sức tìm kiếm của ngon vật lạ mong vui lòng cha, mong được cha truyền ngôi. Thế rồi đến ngày hẹn, 21 vị quan lang đều dâng vua những món vô cùng đặc biệt. Duy chỉ có người con thứ 18 là Lang Liêu thì dâng lên món rất lạ - bánh chưng hình vuông và bánh dầy hình tròn. Lang Liêu bảo đã gói bánh theo lời khuyên của Thần nhân trong một giấc mơ. Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời. Bánh là món ăn làm từ hạt gạo nuôi sống người. Bên ngoài lại được gói bằng lá dong tượng trưng cho sự đùm bọc của cha mẹ. Vua Hùng ưng lắm và rất cảm động. Vậy là Lang Liêu, người tài nhất trong các người tài, đã được Vua cha truyền ngôi báu. 21 người anh em còn lại đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc.
 
 Như vậy, chuyện chọn và dùng người tài ở nước ta đã có từ thời dựng nước, nhuốm màu huyền thoại. Thời gian trôi đi. Lịch sử dựng nước, giữ nước có biết bao câu chuyện giấy trắng mực đen và truyền miệng về việc cha ông ta tìm người tài, chăm sóc người tài và dùng người tài. “Dụng nhân như dụng mộc” là câu phương ngôn quen thuộc mà ai cũng hiểu nói tới việc dùng người sao cho đúng. Ông thợ mộc có trong tay cả đống gỗ. Người tài hoa tận dụng được hết, “gỗ lớn đẽo cày, gỗ nhỏ đẽo cán dao”. Đoạn gỗ nào mọt, rác thì bỏ đi, không vì một vài chỗ mục mà bỏ cây gỗ lớn.
 
 Khoa thi năm Nhâm Tuất, 1442, Tiến sĩ Thân Nhân Trung được Vua Lê Thánh Tông giao soạn bài văn bia cho bia Tiến sĩ đầu tiên đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”. Những lời ấy đã được đục khắc vào bia đá, lưu truyền mãi tới hôm nay.
 
 Gần chúng ta hơn, trong thế kỷ 20, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nối truyền thống dân tộc, dốc lòng tìm người tài đức gánh vác công việc của đất nước, trọng dụng người tài đức để lo việc lớn, để làm cách mạng cho kháng chiến mau thành công, cho kiến thiết mau thắng lợi.
 
 Sau khi Cách mạng thành công, Nhà nước Việt Nam mới ra đời, hơn một năm sau, trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ viết bài “Tìm người tài đức”. Bài viết có đoạn: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”. Bài viết này của Bác được xem như “Chiếu cầu hiền” của thời cách mạng.

Lựa chọn và sử dụng người tài -0
 Khách tham quan Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. Ảnh: HẢI TRẦN

 Trước đó, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Người tìm gặp và thuyết phục ba nhà khoa học danh tiếng từng có sự nghiệp ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước. Đó là Giáo sư Trần Đại Nghĩa, “vua vũ khí”; kỹ sư Võ Quý Huân, người cùng lúc theo học ba trường đại học với các chuyên ngành đúc, luyện kim, kỹ nghệ thực hành; bác sĩ Trần Hữu Tước, người đang làm việc tại Trung tâm y khoa danh tiếng của Pháp và châu Âu. Có một hình ảnh in đậm trong trí nhớ của người dân đất Việt, sáng 16-9-1946, chuyến tàu hỏa kéo những hồi còi dài, lưu luyến rời ga Ly-ông, chở theo ba nhân tài về nước, như một minh chứng hùng hồn về lòng yêu Tổ quốc, về những người đặc biệt xuất chúng, dũng cảm từ bỏ cuộc sống đầy đủ, thuận lợi, gia đình yên ấm, quyết đem cái tài ấy phục vụ đất nước mình, đồng bào mình đang còn gian truân, nghèo khó.
 
 Còn có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp, nhân vật tương tự - những người tài được Đảng, Bác Hồ trọng dụng, kể cả những người từng làm việc trong bộ máy của chính quyền thực dân, phong kiến. Nhiều người trong số họ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của cách mạng.
 
 Kế tục truyền thống dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đều hết sức chú trọng việc chăm lo, đào tạo, sử dụng cán bộ. Đào tạo ở trường lớp, đào tạo trong thực tiễn, người biết nhiều dạy người biết ít và người chưa biết. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ có một hình ảnh (cũng là hình ảnh đoàn tàu) thật cảm động. Hai đoàn tàu ngược chiều nhau ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Một đoàn tàu chở những “binh nhất, binh nhì mười tám tuổi”, quân phục xanh lá cây mới toanh xuôi về phương nam. Đoàn tàu ngược chiều chở những chàng trai, cô gái trẻ măng, áo sơ-mi trắng, mái tóc rẽ ngôi gọn gàng, lên đường đi học tại nước ngoài. Họ vui cười vẫy tay chào nhau qua cửa sổ toa tàu. Họ là những người đi cứu nước và giữ nước vững bền cho mai sau. Nói một cách bài bản là, Đảng ta đã chuẩn bị một chiến lược cán bộ bài bản, khoa học, phù hợp, cho trước mắt và lâu dài. Điều đó được thể hiện trong một Nghị quyết gần đây nhất - Nghị quyết 26-NQ/T.Ư ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết xác định: “Trọng dụng nhân tài” vừa là quan điểm chỉ đạo vừa là một trong những đột phá trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
 
 Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài”.
 
 Làm thế nào để trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng người tài?
 
 Đó là câu hỏi cần được trả lời một cách sinh động nhất trong thực tiễn. Để dùng đúng cán bộ tài năng, đức độ cần có một quy trình chặt chẽ, bài bản, cần có “con mắt tinh đời” để chọn đúng người, loại bỏ những ai kém tài kém đức nhưng thực dụng, cơ hội. Trung ương đã có Quy định về việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Để lựa chọn đúng cán bộ đã có những “bước” rất cụ thể để phát huy dân chủ, xin nhấn mạnh là dân chủ thật sự, để người tài có cơ hội và điều kiện phát triển. Nhờ đó, chúng ta đã lựa chọn được đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
 
 Thế nhưng, vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Đáng bàn ở chỗ: thế nào là người thực tài? Vì sao có những người có đức, có tài vẫn bị “văng ra” khỏi những cuộc bầu bán? Vì sao có những người tài hèn, đức mỏng vẫn “tọa hưởng kỳ thành” (ngồi không hưởng lộc lớn)? Có một câu trả lời, rằng người tài là người biết dùng những người tài hơn mình - điều đó đúng nhưng không hề đơn giản. Vì để dùng được người tài hơn thì tấm lòng của người trên phải thật trong sáng, thành thực, rộng rãi, luôn dẹp “cái tôi” cá nhân sang một bên; luôn lấy hiệu quả công việc làm thước đo để chọn người xứng đáng, trọng “thực” hơn là trọng “danh”.
 
 Ph.Ăng-ghen từng nói đại ý: Mác đứng cao hơn tôi một cái đầu, nhìn xa hơn tôi một tầm, Mác là thiên tài còn chúng ta giỏi lắm chỉ là người có tài mà thôi, tôi chỉ xứng đáng là cây vĩ cầm thứ hai đứng bên cạnh Mác. Câu nói này cách nay đã hơn một thế kỷ. Các nhân tài của ngày hôm nay có mấy người dám thừa nhận người cộng sự của mình như thế!