Lỗi ở hệ thống bảo đảm an toàn giao thông

Số vụ tai nạn giao thông vẫn chưa được kiềm chế vững chắc, số người thiệt mạng vẫn còn cao, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết, cho thấy hệ thống bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) còn chưa hiệu quả. Muốn đạt được sự bền vững trong bảo đảm TTATGT cần phải chấm dứt tình trạng “mất kết nối” giữa các thành viên của hệ thống như hiện nay.

Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: TUYÊN TUYÊN
Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: TUYÊN TUYÊN

Đứt gãy trong kết nối hệ thống

Hệ thống giao thông luôn bao gồm bốn yếu tố: hạ tầng, phương tiện, con người và môi trường. Hệ thống bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), gồm năm thành phần: trong đó bốn yếu tố tương ứng các yếu tố trên, và thêm một yếu tố gắn với ngành y tế. Đó là: Hạ tầng cơ sở (đường và thiết bị trên đường) cần bảo đảm cho sự lưu thông trật tự và an toàn; phương tiện xe cộ cần bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người điều khiển phương tiện đi lại một cách trật tự và an toàn; quản lý ATGT; và ứng phó sau TNGT.

Xét theo quan điểm của khoa học, một hệ thống chỉ tồn tại khi các thành phần của nó kết nối, liên hệ với nhau; nếu không, sẽ không có hệ thống mà chỉ có từng yếu tố riêng rẽ. Kết nối, liên hệ càng chặt chẽ, hệ thống càng hoạt động tốt hơn. Hệ thống bảo đảm TTATGT cũng vậy. Tính kết nối trong hệ thống bảo đảm TTATGT trước hết là sự phối hợp để thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Chúng ta đã có Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt với Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24-10-2012, gồm 30 chương trình, dự án đầu tư cho giai đoạn 2012 - 2020. Nhưng đến nay, chỉ có một vài trong số đó thực hiện xong, còn lại phần lớn chắc không được hoàn thành như đã định. Rất tiếc là từ năm 2012 đến nay, chưa có một tổng kết nào về tình hình thực hiện Chiến lược!

Khi triển khai chiến lược, đều có các cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm về từng thành phần. Sự kết nối giữa các thành phần chính được bảo đảm nhờ sự phối hợp, liên hệ giữa các cơ quan. Đặc điểm ở đây là kết nối ngang hàng (peer-to-peer viết tắt là P2P), theo nghĩa là các cơ quan chủ động liên hệ phối hợp trực tiếp với nhau. Điều này giúp tránh được khâu trung gian không cần thiết, nhưng cũng dễ xảy ra trục trặc.

Năm 2008, tất cả các cơ quan liên quan đã có một sự phối hợp nhịp nhàng trong việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, tạo ra bước đột phá trong lịch sử công tác bảo đảm TTATGT. Bước đột phá này vẫn còn hiệu quả không chỉ đến nay và còn về lâu dài. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp, thay vì trực tiếp phối hợp, lại đẩy lên cấp trên hay trì hoãn vì các lý do khác nhau. Công việc đương nhiên sẽ bị chậm trễ hay thậm chí có giải pháp không thực hiện được. Một thí dụ đắt giá đã xảy ra vài năm trước, khi thực hiện Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG ngày 18-4-2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) nhằm kiểm tra xử lý vi phạm mũ bảo hiểm “rởm”. Sau tuyên truyền rầm rộ ba tháng, đến đúng ngày bắt đầu thực hiện (1-7-2014) thì mọi việc “tắt ngóm” do các cơ quan liên quan không phối hợp với nhau trong việc chuẩn bị chế tài xử lý và tổ chức cưỡng chế.

Ngay 10 năm trước, vấn đề người điều khiển phương tiện trong tình trạng sử dụng nồng độ cồn đã trở thành một trong các nguyên nhân chính gây TNGT. Trong Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24-08-2011, Chính phủ coi “tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia” là giải pháp đồng bộ đứng đầu. Như vậy, sau mũ bảo hiểm, vấn đề nồng độ cồn đã được chọn chính xác là “trọng tâm”. Xử lý tốt vấn đề này, một bước đột phá thứ hai đã có thể đạt thành tựu. Nhưng rất tiếc, điều đó đã không xảy ra như mong đợi! TNGT nghiêm trọng do ảnh hưởng của nồng độ cồn, của ma túy với những hệ quả rất đau lòng vẫn xảy ra, ngay giữa Thủ đô, ở trên quốc lộ...

Giải quyết điểm nghẽn kết nối dữ liệu

Trước tình trạng số vụ TNGT không giảm bền vững, thậm chí còn diễn biến vô cùng phức tạp, có không ít ý kiến cho rằng, cần tăng nặng mức xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép lái xe… Nhưng chỉ như vậy là chưa đồng bộ, vừa chưa đầy đủ.

Lỗi vi phạm mũ bảo hiểm chỉ nhìn là thấy, nhưng vi phạm về nồng độ cồn, về ảnh hưởng của ma túy, theo cách làm hiện nay, không dễ phát hiện nếu không có các thiết bị, dụng cụ thử. Tuy nhiên, trước khi cần các thiết bị, dụng cụ này, khoa học và thực tiễn đã chỉ ra hai điều: khi người điều khiển phương tiện không đủ tỉnh táo, họ sẽ có hành vi lái xe trên đường không chuẩn và có ba bài thử rất đơn giản để có thể kiểm tra xem người lái có đủ tỉnh táo không. Nếu các cơ quan phối hợp nhau, đưa thành tựu khoa học này vào thực tiễn, việc giảm bớt TNGT là hoàn toàn khả thi và mang lại một bước tiến đáng kể.

Không thể quản lý tốt nếu không có dữ liệu và thông tin chuẩn xác. Đây có thể chính là điểm nghẽn. Dữ liệu hiện nay phân tán, không đầy đủ, thiếu chính xác. Năm 2018, theo UBATGTQG, toàn quốc có hơn 58 triệu xe mô-tô. Nhưng đây là con số theo đăng ký, tích lũy từ nhiều năm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, số xe đang lưu thông trên đường chỉ bằng khoảng 66% con số đó, nghĩa là có khoảng 20 triệu xe không lưu hành nữa. Rõ ràng, chúng ta không thể quản lý tốt với sai lệch lớn như vậy được. Do đó, rất cần xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) ATGT với dữ liệu đầy đủ và chính xác.

Một thể hiện quan trọng khác về tính kết nối trong hệ thống bảo đảm TTATGT là việc chia sẻ dữ liệu và thông tin. GTVT có tính hệ thống rất cao, nghĩa là có rất nhiều thành phần và các thành phần này phải liên kết với nhau. Dữ liệu ATGT cũng không nằm ngoài tính hệ thống này. Vì vậy, việc chia sẻ, sử dụng chung là tất yếu. Hiện nay, giữa các cơ quan đã có quy định về chia sẻ dữ liệu, nhưng là chia sẻ không trực tuyến, nghĩa là bên “Cần” không tự truy cập CSDL liên quan được mà phải đợi bên “Có” cung cấp. Quá trình này thường khá lâu. Đây là bất cập rất lớn cần khắc phục càng sớm càng tốt.

Bảo đảm người lái xe phải đủ tỉnh táo, tăng cường sự phối hợp liên ngành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, xây dựng CSDL an toàn giao thông và kết nối, chia sẻ trực tuyến là những giải pháp thiết yếu trong tình hình hiện nay. Những việc này sẽ tạo ra tiền đề cho bước đột phá mới trong công tác bảo đảm TTATGT nước ta trong thời gian tới.

Lỗi ở hệ thống bảo đảm an toàn giao thông ảnh 1

Hạ tầng giao thông không bảo đảm khiến cho tình trạng ùn ứ kéo dài gây mất trật tự an toàn giao thông.

Theo Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, bốn tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 5.453 vụ TNGT, làm chết 2.570 người, bị thương 4.179 người. So bốn tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 567 vụ (giảm 9,42%), số người chết giảm 218 người (giảm 7,82%), số người bị thương giảm 457 người (giảm 9,86%). Trong đó, đường bộ xảy ra 5.382 vụ, làm chết 2.524 người, bị thương 4.157 người...