Lấn cấn với những câu hỏi khó

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đang được thúc đẩy với sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các đơn vị nghiên cứu độc lập và doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Khổ lắm, biết rồi, vẫn phải nói mãi

Những ngày đầu năm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cùng với đồng nghiệp ở một số hiệp hội doanh nghiệp (DN) khác vẫn tất bật với những kế hoạch của năm cũ.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được Ban soạn thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến vẫn có những nội dung mà các DN đã đề nghị bãi bỏ.

“VASEP đã có văn bản đề nghị bỏ quy định về sử dụng mã nước ngoài khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP; đồng thời bỏ quy định về xử phạt về vi phạm hành chính liên quan đến mã số, mã vạch nước ngoài tại dự thảo sửa đổi Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường. Tuy nhiên, trong các dự thảo gần đây, nội dung này vẫn chưa được tiếp thu”, ông Nam băn khoăn.

Thật ra, Ban soạn thảo đã có sửa đổi nhất định. Trong dự thảo mà VASEP nhận được và có góp ý, quy định về mã số, mã vạch đã được sửa thành DN sử dụng mã nước ngoài sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật (quy định hiện hành là phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài - PV).

Tuy nhiên, ông Nam đặt câu hỏi, tại sao đã quy định “tự chịu trách nhiệm”, rồi lại quy định xử phạt hành chính, thì DN sẽ hiểu và thực hiện thế nào?

Việc này đã bắt đầu từ đầu năm 2020, sau khi DN sản xuất hàng xuất khẩu phải mất quá nhiều thời gian, chi phí để thực hiện các thủ tục liên quan việc sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế. Có DN cho biết, để có được đầy đủ các giấy tờ và hoàn tất được thủ tục đăng ký mã số, mã vạch với GS1 để xuất một lô hàng, nhiều khi DN phải mất 20-30 ngày vì phải làm thủ tục cho nhiều mã hàng hóa.

Điều đáng nói, mục tiêu của việc này không phục vụ yêu cầu quản lý nào, vì đây là quan hệ hợp đồng giữa bên gia công và bên đặt hàng. Quan trọng là nội dung của mã số, mã vạch này phục vụ mục tiêu quản lý hàng hóa của nhà phân phối, sản xuất chứ không thể hiện đặc tính chất lượng, không chứa thông tin truy xuất nguồn gốc và như vậy, không có tác dụng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại như mong muốn của các cơ quan quản lý. 

“Tại sao ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP không nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khác, công cụ khác để phục vụ mục tiêu của quản lý nhà nước, mà lại cứ giữ quy định không phù hợp, làm khó DN như vậy!?”, ông Nam đặt câu hỏi.

Câu hỏi này nhiều DN cũng đặt ra với nhiều bộ, ngành…

Chìa khóa từ sự phối hợp

Khi lý giải về những nội dung trọng tâm mới trong Nghị quyết 2 phiên bản 2021 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đã nhắc tới những câu hỏi DN đặt ra với việc sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP.

“Chúng tôi cũng đang chờ dự thảo mới nhất để tiếp tục có ý kiến. Nhưng phải thẳng thắn, nếu không có nỗ lực của DN, việc đặt lên bàn sửa đổi nội dung này có thể chưa thực hiện được như vậy”, bà Thảo lưu ý.

Hồi tháng 5-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có yêu cầu xem xét, sửa đổi nội dung này, sau khi nhận được các ý kiến, khuyến nghị từ VASEP và nhiều hiệp hội DN khác. Đến tháng 11-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Ngay cả với kịch bản tốt nhất cho DN - quy định này được gỡ bỏ, thì họ cũng phải mất đến hàng năm kiên trì kiến nghị, chờ đợi được trình bày, phản biện… 

Trong khi đó, theo nghiên cứu của CIEM, những vướng mắc từ các quy định không phù hợp như trên còn rất nhiều, đáng nói là, muốn gỡ được đòi hỏi nhiều bộ, ngành vào cuộc. 

“Có những mặt hàng hiện chịu sự quản lý của hai, ba bộ quản lý chuyên ngành, nên nếu chỉ một vài bộ thay đổi, vướng mắc sẽ không thể giảm, thậm chí có khi tệ hơn do chồng chéo, trùng lặp trong quy định. Đây là lý do chúng tôi đề xuất các giải pháp liên quan đến tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để xử lý các vướng mắc của DN”, bà Thảo nói.

Cụ thể, trong những trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh năm nay, nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập tạo ra đối với DN do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan cần phải được ưu tiên. 

Nguyên tắc sửa đổi cũng được làm rõ, đó là phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch; trong một bộ, ngành chỉ một đầu mối quản lý đối với một mặt hàng; kết nối, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Cũng với nhiệm vụ trên, yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước cũng được đưa vào trọng tâm ưu tiên. “Hệ thống dữ liệu liên quan tới dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương… được sử dụng chung phải được cập nhật thường xuyên, thay đổi tư duy của công chức nhà nước. Khi đó, cơ hội xuất hiện phương thức quản lý nhà nước mới sẽ rộng ra”, bà Thảo kỳ vọng.