Không thể chỉ tăng nguồn thu từ “túi” của bệnh nhân!

Trả lời phỏng vấn của nhân dân cuối tuần, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu (ảnh nhỏ) - Ðại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội nhấn mạnh cần tạo cơ chế đa dạng nguồn thu cho bệnh viện.

Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh thao tác, đặt thẻ quẹt máy tự động nhận và hiển thị thông tin cá nhân khám, chữa bệnh tại BV đa khoa Ðức Giang (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh thao tác, đặt thẻ quẹt máy tự động nhận và hiển thị thông tin cá nhân khám, chữa bệnh tại BV đa khoa Ðức Giang (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Không thể chỉ tăng nguồn thu từ “túi” của bệnh nhân! ảnh 1- Thưa ông, trong bối cảnh chúng ta chưa có chế tài đủ chặt chẽ, phải làm gì để hạn chế tình trạng các bệnh viện cải thiện nguồn thu bằng cách lạm dụng chỉ định trong xét nghiệm, làm thiệt hại đến người bệnh?

- Ðể hạn chế điều này, tôi cho rằng, cần thành lập một Hội đồng chuyên môn độc lập gồm 50% là chuyên gia y tế có đủ trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, 50% là cán bộ bảo hiểm xã hội, phối hợp cùng thẩm định và đưa đến kết luận chỉ định của nhân viên y tế đã hợp lý hay chưa.

Việc thành lập Hội đồng chuyên môn độc lập cũng nhằm khắc phục mâu thuẫn xảy ra giữa cán bộ y tế và cán bộ bảo hiểm trong cách nhìn nhận, đánh giá một vấn đề. Chẳng hạn, có những kỹ thuật, cán bộ y tế có trình độ, chuyên môn đã yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, song cán bộ bảo hiểm lại cho rằng không cần thiết và từ chối thanh toán.

- Có thực tế không khi đặt vấn đề tìm ra một cách thức bảo đảm vừa tăng nguồn thu cho bệnh viện mà đồng thời giảm được chi phí cho bệnh nhân, thưa ông?

- Nếu các bệnh viện muốn tăng nguồn thu mà lại hướng đến đối tượng tăng thu từ tiền túi của bệnh nhân là điều chưa hợp lý, không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Sở dĩ như vậy là do, các bệnh viện trên thế giới hiện nay “sống” nhờ vào các nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực; tiền tài trợ, đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; nguồn thu từ bệnh nhân chỉ là một phần.

Theo đó, để có nguồn thu, nhiều bệnh viện trên thế giới áp dụng chính sách khi các doanh nghiệp dược, thiết bị y tế muốn đưa sản phẩm vào nước sở tại cần phải trả cho các bệnh viện trong nước một khoản kinh phí để các cơ sở này tiến hành nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, nếu đạt kết quả sẽ cho phép sử dụng. Tuy nhiên, hiện nước ta chưa thực hiện được điều này, vậy nên các dụng cụ cấy ghép cơ thể, các loại thuốc đắt tiền cứ ồ ạt nhập về Việt Nam mà không phải mất thêm chi phí nào ngoài thuế. Nếu chúng ta có được cơ chế như trên, sẽ thu hút được một lượng kinh phí lớn từ các hãng dược, thiết bị y tế lớn, góp phần nuôi sống bệnh viện.

Nguồn thu từ việc đào tạo nhân lực ngành Y cũng nên được tính toán tới bởi trên thế giới, việc đào tạo này rất đắt đỏ, các bệnh viện thu được một lượng lớn tiền từ việc này để phát triển bệnh viện. Một nguồn kinh phí lớn khác là tiền đến từ nhà tài trợ, hảo tâm, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển bệnh viện. Nếu các bệnh viện công của Việt Nam hội tụ được các yếu tố trên, sẽ thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện hoạt động tốt mà không ảnh hưởng tới quyền lợi của bệnh nhân.

Và như tôi đã phân tích ở trên, ngoài công tác chuyên môn, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, thì việc cần thiết là đổi mới tinh thần thái độ phục vụ tiến đến sự hài lòng người bệnh. Về phía Bộ Y tế, cần phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng. Ðồng thời, kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán bảo hiểm y tế để giảm thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng bảo hiểm y tế theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.

- Nghị quyết số 33/NQ-CP được Chính phủ ban hành quyết định bốn bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế được thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện. Vậy theo ông, việc thực hiện tự chủ toàn phần liệu có khắc phục được những hạn chế của tự chủ tài chính?

- Tự chủ toàn phần bệnh viện có thể khắc phục được những hạn chế của tự chủ tài chính về công tác nhân sự. Khi đó, bệnh viện có thể tự quyết hết các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, điều tôi muốn phân tích ở đây là các bệnh viện hạng đặc biệt được trao tự chủ toàn phần đang có vai trò “đầu tàu”, định hướng cho sự phát triển của cả hệ thống y tế.

Nếu các bệnh viện “đầu tàu” thực hiện tự chủ toàn phần với cơ cấu là Hội đồng quản trị và các thành viên chỉ lo đến việc kiếm tiền, tăng nguồn thu, không quan tâm đến việc điều trị những ca bệnh nặng, khó, phức tạp, bỏ qua tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu khoa học, vai trò “đầu tàu” sẽ mất đi. Vậy nên, tôi cho rằng, nên thí điểm thực hiện tự chủ toàn phần ở các bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó tiếp thu rút kinh nghiệm, hoàn thiện rồi mới thực hiện ở một số bệnh viện tuyến trung ương, hạng đặc biệt, cũng giống như xây nhà phải làm từ móng.

- Xin cảm ơn ông!