Khoa học thể thao còn rất thiếu và yếu

Với mục tiêu phấn đấu lọt vào tốp đầu khu vực Ðông - Nam Á cũng như trở thành quốc gia có nền thể thao vươn tầm châu lục, việc đầu tư phát triển khoa học thể thao là yếu tố bắt buộc. Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, TS Trần Hiếu (trong ảnh) - Phó Viện trưởng Khoa học Thể dục Thể thao (KHTDTT), Tổng cục Thể dục - Thể thao, đã chia sẻ rất nhiều tâm tư, trăn trở.

Khoa học thể thao còn rất thiếu và yếu

- Một cách khái quát, ông đánh giá thế nào về hiện trạng khoa học thể thao ở nước ta hiện nay?

- Thực tế, nền khoa học thể thao của Việt Nam nói chung phát triển còn tương đối chậm. Chúng ta còn thiếu về số lượng, nguồn lực cũng như yếu về chất lượng đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, bác sĩ… Chưa kể, hệ thống trang thiết bị hầu như không đủ để đáp ứng yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại mới.

Ði theo các VÐV chuyên nghiệp trên thế giới luôn phải có một ê-kíp lớn, bao gồm: huấn luyện viên (HLV) trưởng, các trợ lý phân tích số liệu, thể lực, tâm lý, bác sĩ, chăm sóc viên, các chuyên gia về dinh dưỡng, hồi phục, trị liệu... chưa kể đến các loại trang thiết bị đi kèm. Thể thao Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và bổ sung nhân lực, vật lực cho đội ngũ lý tưởng ấy.

Thiếu đi các ứng dụng khoa học kỹ thuật là nguyên nhân khiến thành tích các VÐV nước ta chưa cao so tiềm năng vốn có. VÐV cũng không thể nắm được tường tận các thông số quan trọng về sinh lý cùng thành tích thể thao của bản thân, trong quãng thời gian dài tập luyện.

- Thể thao Việt Nam đã xây dựng được kho dữ liệu lớn (big data) về VÐV hay chưa, và việc số hóa cơ sở thông tin liên quan quá trình tập luyện và phát triển đang diễn ra như thế nào?

- Big data là thuật ngữ khoa học về tập hợp dữ liệu lớn và phức tạp, đến nỗi những công cụ lưu trữ, xử lý truyền thống không thể nào đảm đương được. Nhắc đến big data, muốn đưa kho dữ liệu này vào sử dụng thực tế cần có hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến, đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phân tích dữ liệu nhằm mang lại giá trị đích thực từ nguồn thông tin khổng lồ kia.

Viện KHTDTT có nhiều đề tài cấp bộ về tác động của khoa học đến sự phát triển
của thể thao, và big data cũng là một trong số những dự án đang được đệ trình chờ phê duyệt để triển khai trong thời gian sớm nhất.

Ðây sẽ là kho dữ liệu mà khi đăng nhập, người dùng có thể tìm hiểu lý lịch (tên, tuổi, quê quán, ngày, tháng, năm sinh…) hay các thông số về tình trạng sức khỏe, chấn thương, tiềm năng phát triển. Nói vậy để thấy đây là vấn đề hết sức phức tạp. Những HLV thật sự quan tâm mới lưu lại các số liệu để theo dõi, và việc này cũng chỉ mang tính chất manh mún. Thể thao Việt Nam chưa có kho dữ liệu này.

- Nói vậy nghĩa là khoa học thể thao ở Việt Nam vẫn gần như là một khoảng trắng?

- Hiện nay, tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn nên việc đầu tư cho ngành thể thao cũng giới hạn ở mức độ nhất định. Nhưng nói là khoảng trắng thì không chính xác, bởi rất nhiều môn thể thao thành tích cao được áp dụng khoa học, công nghệ và đã thu lại được kết quả tương đối khả quan như bóng đá, bơi lội, điền kinh...

Mặc dù vậy, phải khẳng định khoa học thể thao Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Thí dụ, ngay như Viện KHTDTT là cơ quan đầu ngành duy nhất ở nước ta, nhưng cũng không sở hữu bất kỳ hệ thống trang thiết bị nghiên cứu nào. Mới đây, Viện đã nhận được gói đầu tư lớn ở các hạng mục như: Phòng nghiên cứu về gen và hệ thống hồi phục chức năng tương đối hiện đại. Tuy nhiên, điều này mở ra những lo ngại về bộ máy nhân sự vận hành, cũng như các cơ chế trong quá trình khai thác và sử dụng.

- Theo ông, thể thao và nhất là khoa học thể thao ở Việt Nam cần phát triển theo hướng đi nào trong tương lai?

- Ðể vươn tới đỉnh cao, ứng dụng khoa học - công nghệ là điều kiện tiên quyết giúp VÐV có sức bật, bước nhảy trong quá trình luyện tập nhằm cải thiện thành tích. Muốn vậy, từ hệ thống cơ chế chính sách về hoạt động khoa học và công nghệ cần được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo, sáng kiến, phát minh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học - công nghệ hiện có, nhằm xây dựng mạng lưới đủ mạnh để triển khai thực hiện các đề tài, dự án cấp Nhà nước, chương trình cấp bộ cũng như tham gia hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng chính sách nhằm thu hút các chuyên gia có trình độ cao, đa dạng hóa đối tác và hình thức hợp tác quốc tế, nhằm lựa chọn đối tác chiến lược trong quá trình phát triển thể thao. Thí dụ, cách làm của các bộ môn trọng điểm sử dụng chuyên gia nước ngoài hay việc các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hợp tác cùng các học viện bóng đá nổi tiếng trên thế giới.

Cuối cùng, cần tăng mức đầu tư hằng năm cho hoạt động phát triển khoa học, cũng như có những chính sách đặc thù nhằm tạo động lực và tôn vinh các chuyên gia đầu ngành có nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và ứng dụng. Phấn đấu mỗi năm sẽ đưa vào ứng dụng thực tế từ hai đến ba đề tài nghiên cứu khoa học, dự án cấp Nhà nước. Trong đó, 100% chương trình phải tạo nên tác động tích cực trong thực tiễn phát triển ngành thể thao.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Dân (Thực hiện)