Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Nâng cao vai trò cấp ủy và trách nhiệm người đứng đầu

Kết quả của tầm nhìn và hành động

Đến thời điểm này, các đại hội đảng bộ cấp cơ sở, trên cơ sở và nhiều đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương thành công tốt đẹp. Song thành công ấy không “tự dưng có” mà là kết quả của cả quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của tập thể Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước, nhất là về công tác nhân sự và xây dựng văn kiện. Trong đó, rõ nét là nỗ lực của từng cấp ủy viên, tổ chức đảng, nhất là trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu mỗi đảng bộ.

“Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả” là một trong những mục tiêu quan trọng của Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn.
“Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả” là một trong những mục tiêu quan trọng của Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn.

Lắng nghe dân và trực tiếp chỉ đạo giải quyết

Sau nhiều năm “gõ cửa” không ít cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để kiến nghị giải quyết quyền lợi chính đáng trong việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng ki-ốt và quyền thuê đất, mới đây, ông Nguyễn Văn Hoán, Giám đốc Công ty TNHH Hoán Hà đã được Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh bàn giao 144,6 m2 diện tích đất thuê kinh doanh 50 năm và các ki-ốt gắn liền với đất thuộc khu vực Ngã ba Voi (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Vụ tranh chấp này kéo dài nhiều năm và chỉ được giải quyết khi có sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết, sự việc này chỉ là một trong nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm gần đây, sau khi rà soát, phân loại các đơn thư, phản ánh của công dân; thông qua công tác tiếp, đối thoại trực tiếp, những vụ việc tồn đọng thời gian qua đã được giải quyết rốt ráo. Đây là phương thức hành động “ba trong một” mà Hà Tĩnh thực hiện theo tinh thần Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; đồng thời cũng là chủ trương của tỉnh ủy gắn việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp với giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, vụ việc nổi cộm kéo dài. “Kinh nghiệm cho thấy, khi người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh gương mẫu, trực tiếp lắng nghe, tiếp thu và giải quyết những kiến nghị của nhân dân thì dứt khoát người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, cấp xã phải noi gương mà thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ ở cấp mình”, đồng chí Trần Báu Hà nhận định.

Mỗi nơi một cách làm, song khi cán bộ thực tâm lắng nghe ý kiến người dân, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo thì cơ bản những vấn đề dù khó đến mấy vẫn được tháo gỡ, xử lý hiệu quả. Ở Hà Tĩnh là phương thức “ba trong một” thì ở thành phố Hà Giang là Diễn đàn “Chiều thứ sáu nghe dân nói” được duy trì nhiều năm nay, định kỳ mỗi quý một lần, bên cạnh công tác tiếp công dân duy trì hằng tháng. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, qua các cuộc tiếp xúc, đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, lãnh đạo thành phố luôn chú trọng việc giải quyết các vấn đề tồn đọng, các vấn đề bức xúc, từ đó tạo niềm tin trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân. “Quan trọng hơn, không ít lần khi tiếp xúc trực tiếp như thế, chịu khó lắng nghe, cầu thị, chúng tôi còn được các đảng viên, người dân thẳng thắn góp ý, thậm chí là hiến kế hiệu quả để các cơ quan chức năng làm tốt hơn vai trò của mình”, đồng chí Bùi Huy Hoàng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Giang phân tích.

Có dịp về Tuyên Quang, chúng tôi cảm nhận rõ sự quan tâm của các đảng viên và các tầng lớp nhân dân dành cho sự kiện chính trị quan trọng của huyện. Đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên cho biết, qua việc góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, nhất là của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đảng viên lớn tuổi. Tại các cuộc lấy ý kiến, đảng viên, nhân dân đã có thảo luận sôi nổi, và rồi những giải pháp hợp lý, những sáng kiến tốt được lựa chọn để kịp thời hoàn thiện Báo cáo chính trị.

Tại huyện Hàm Yên, khi kiểm tra công tác chuẩn bị trước Đại hội Đảng bộ huyện, nhận thấy dự thảo văn kiện còn xác định chưa rõ mục tiêu nhiệm kỳ mới, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã đề nghị ban soạn thảo phải khẩn trương tham vấn, lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục chỉnh sửa nhiều lần, nâng tầm chất lượng văn kiện. Sau những cân nhắc kỹ lưỡng, được sự gợi ý từ cấp trên, dự thảo Báo cáo chính trị đã rút từ hai khâu đột phá xuống chỉ xác định một khâu đột phá cho tập trung và phù hợp hơn, đó là “Xây dựng huyện nông thôn mới gắn liền với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế”. Nhờ sự chuẩn bị công phu đó, các văn kiện tại Đại hội nhận được sự ủng hộ tuyệt đối…

Trước đó, cấp ủy khóa cũ cũng thể hiện rõ quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, không chấp nhận tư duy “chợ chiều, cuối khóa”. Nhiều đồng chí cấp ủy, trong đó có đồng chí Bí thư Huyện ủy không tái cử nhiệm kỳ tới, xác định càng tích cực trong thời gian tại nhiệm. Đó cũng là những tấm gương để toàn đảng bộ noi theo, các tầng lớp nhân dân thêm tin tưởng.

Những công việc được giải quyết rốt ráo, những cuộc tiếp xúc trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, cán bộ, đảng viên mà trong đó cấp ủy, người đứng đầu đóng vai trò trung tâm, tạo tiền đề cho việc chuẩn bị văn kiện, cũng như nhân sự cho đại hội đảng cấp cơ sở, trên cơ sở và cấp trực thuộc trung ương diễn ra một cách thuận lợi. Đặc biệt là uy tín của cấp ủy, người đứng đầu chính là sự bảo chứng cho kết quả, phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ mới của đảng bộ nêu trong Báo cáo chính trị và các văn kiện, cũng như phương án giới thiệu nhân sự vào các vị trí chủ chốt.

Vượt khó, khắc phục sai lầm, dám làm, dám chịu

Về cơ bản, cấp ủy khóa mới ở cấp cơ sở và cấp huyện ở Hàm Yên đều theo dự kiến, chỉ có một hai trường hợp ở ngoài dự kiến vì lý do khách quan. Trong đó có một đồng chí được luân chuyển giữ chức xã đội trưởng đúng vào dịp “giãn cách xã hội” do dịch Covid-19 trước đại hội chỉ vài tháng, chưa có điều kiện thể hiện đầy đủ phẩm chất, năng lực của mình, cho nên không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Đáng mừng là chất lượng cấp ủy khóa mới bảo đảm tiêu chuẩn đề ra, các trường hợp trượt cấp ủy được bố trí công việc phù hợp, nhanh chóng nhập cuộc, nỗ lực với nhiệm vụ mới. “Đại hội thành công, theo tôi, không chỉ đại hội được tổ chức suôn sẻ, mà là nhiệm kỳ mới đã được kế thừa thành tựu, thành công từ Ban Chấp hành khóa trước. Trên đà ấy, sau đại hội, Ban Chấp hành khóa mới cũng kịp thời bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội”, Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Mai Hồng Hà chia sẻ.

Thời gian qua, gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp từ cơ sở đến cấp trên cơ sở, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chủ động giải quyết có hiệu quả những việc khó, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, góp phần tạo nên khí thế, niềm tin và sự đồng thuận cao đối với Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang đánh giá cao vai trò cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong quy trình nhân sự, bản lĩnh chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về nhân sự mà mình giới thiệu. “Phải thật linh hoạt trong triển khai các quy chế, quy định, quy trình. Đối với một vài trường hợp nhân sự tốt song có người thân đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài đã báo cáo sớm, chúng tôi phối hợp đề nghị công an hỗ trợ xác minh, nếu thân nhân không có vấn đề về chính trị, vẫn tạo điều kiện, giới thiệu nhân sự ấy vào cấp ủy”, đồng chí Trưởng ban Tổ chức lấy thí dụ.

Hà Giang là tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc, nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong giao thương giữa hai bên được đặt lên hàng đầu. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều đại biểu vẫn nhớ như in thời điểm thực hiện “nhiệm vụ ba trong một”: tổ chức Đại hội; phòng, chống dịch Covid-19; và bảo đảm hoạt động liên tục tại cửa khẩu. Đại tá Vàng Đình Chiến, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Do tính chất đặc thù, được Đại hội chấp thuận, nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Đồn Biên phòng Thanh Thủy - đã sắp xếp xen kẽ thời gian dự Đại hội, để vừa có thể tham gia góp ý vào Báo cáo chính trị, tham gia bầu cử, biểu quyết thông qua Nghị quyết song vẫn hoàn thành nhiệm vụ tại cửa khẩu”.

Tất nhiên không phải lúc nào, ở đâu kết quả bầu cử cũng đúng như phương án nhân sự do Ban Chấp hành trình ra Đại hội. Ở một góc độ nào đó, điều này phản ánh tinh thần dân chủ trong Đảng ngày càng cao, song cũng cho thấy bài học từ cơ sở cần được rút kinh nghiệm kịp thời. Đến giờ, khi được hỏi về công tác cán bộ thời gian qua, đồng chí Lưu Đình Phát, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang vẫn chưa thôi trăn trở. Những vấn đề nổi cộm trước đây của Hà Giang rõ ràng không chỉ thuộc trách nhiệm người đứng đầu mà cả cấp ủy các cấp nhiệm kỳ trước. Rồi việc một huyện mới đây chưa chuẩn bị được nhân sự cấp trưởng phòng, đành phải để trống một vị trí trong cấp ủy khi tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện cho thấy cấp ủy bị động trong chuẩn bị nhân sự, không có người để thay thế, dù chủ trương một chức danh có thể quy hoạch ba người đã được thực hiện từ rất lâu.

Từ thực tế ấy, khắc phục khó khăn trong lựa chọn, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân sự trước Đại hội, công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới cần được tính toán kỹ lưỡng. Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo quyết liệt, bài bản, cả trong chuẩn bị văn kiện và nhân sự. Xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, song để bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn thì không thể đánh giá chung chung; trong không ít phiên họp Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, xác định “những việc cần làm ngay”, những vướng mắc cần tháo gỡ và giao việc cụ thể cho từng cấp ủy viên, người đứng đầu mỗi cấp, vừa nhằm tạo “áp lực” trách nhiệm vừa dựa vào kết quả công việc để đánh giá chất lượng cán bộ. Bên cạnh kết quả đáng kể trong đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ, đến nay, trên địa bàn Hà Giang không còn bí thư huyện ủy nào là người địa phương, cán bộ trẻ được tăng cường phát triển…

Để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, chuẩn bị Đại hội còn nhiều việc cần quan tâm. Vì vậy, sau mỗi Đại hội, các cơ quan chức năng cần có thời gian nghiên cứu, có vấn đề phải xin ý kiến cấp trên, để tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Điều chắc chắn là khi người đứng đầu mạnh dạn lựa chọn những việc khó, vấn đề nổi cộm để giải quyết, cùng với đó biết lắng nghe và dựa vào nhân dân, biết nhận trách nhiệm, biết sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm thì không khó khăn, trở ngại nào ngăn cản địa phương ấy phát triển.

* Người kiến tạo thành công của đại hội

* Những tiếng nói trách nhiệm