Kết nối đa chiều từ cơ chế đặc thù

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành du lịch (DL), mà còn gây nhiều hệ lụy đến phát triển chung của quốc gia. Cuộc trao đổi của NHÂN DÂN CUỐI TUẦN với ông Nguyễn Trùng Khánh (ảnh nhỏ), Tổng cục trưởng Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) dưới đây sẽ phân tích kỹ hơn về chất lượng và vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Kết nối đa chiều từ cơ chế đặc thù

- Thưa ông, mặc dù đã được nhận diện rõ về nguyên nhân cũng như giải pháp đối với tình trạng chất lượng nguồn nhân lực không theo kịp đà tăng trưởng nóng của DL, nhưng trên thực tế, mức độ cải thiện quá chậm. Vậy trách nhiệm của quản lý nhà nước trong việc này là như thế nào?

- Nhiệm vụ xây dựng, phát triển nguồn nhân lực DL Việt Nam vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, trách nhiệm của cả khu vực công và khu vực tư nhân. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, ngày 29-9-2011, Bộ VH, TT&DL đã ban hành Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL về Quy hoạch phát triển nhân lực ngành DL giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung vào những giải pháp cụ thể như: củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo; đẩy mạnh đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp, đào tạo trực tuyến...; huy động nguồn lực xã hội; đào tạo nhân lực chất lượng cao, cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ; sử dụng bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN trong đào tạo DL.

Bộ cũng đã xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo DL và đề án Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội trong lĩnh vực DL đến năm 2020. Hiện nay, Bộ VH,TT&DL cũng đã gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề nghị thẩm định và công nhận tiêu chuẩn nghề DL quốc gia của nghề Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Hướng dẫn viên, Điều hành DL và Đại lý lữ hành. Năm 2019, Bộ triển khai xây dựng đề án Đào tạo nhân lực DL cấp cao, đào tạo viên, đánh giá viên nhằm đẩy mạnh thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề DL trong ASEAN đến năm 2035.

- Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động và làm thay đổi sâu sắc thị trường lao động DL, vậy theo ông, cần phải tập trung vào đâu để tạo nên sự thay đổi về chất trong đào tạo nhân lực DL?

- Cuộc CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực DL ở nhiều khía cạnh. Cơ hội tự đào tạo cho các doanh nghiệp (DN) và người lao động rất lớn do thông tin và các khóa đào tạo trực tuyến tương tác hiện nay ngày càng phổ biến. Vấn đề đào tạo kỹ năng “mềm” cho lao động DL thích ứng với CMCN 4.0 là một thách thức đối với ngành DL.

Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực DL giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30-11-2018 đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành DL.

Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có trách nhiệm lồng ghép các nội dung liên quan ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận CMCN lần thứ tư trong các chương trình đào tạo về DL; Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm lồng ghép các nội dung liên quan ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận CMCN 4.0 trong các chương trình đào tạo nghề DL. Bộ VH, TT&DL cũng đã xây dựng đề án cấp Bộ về Đào tạo nhân lực DL theo nhu cầu xã hội đến năm 2025, trong đó quy định rõ vai trò, chức năng của DN trong việc phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực DL.

Hiện nay, Bộ VH, TT&DL đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đề án thí điểm Trung tâm đào tạo trực tuyến mở, giúp cung cấp phương thức đào tạo linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí, phù hợp nhiều đối tượng, đặc biệt là đội ngũ lao động hiện tại cần nâng cao tay nghề, bổ sung kiến thức để được cấp chứng chỉ.

- Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra, cho thấy đổi mới cơ chế chính sách để thu hút xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực DL là rất quan trọng...?

- Đúng thế. Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH ngày 20-10-2017 về áp dụng cơ chế đặc thù các ngành đào tạo DL, theo đó khuyến khích các cơ sở đào tạo liên kết với các DN DL để đào tạo. Thực tế, nhiều cơ sở đào tạo đang triển khai tốt điều này.

Mặt khác, có nhiều DN thường đến đặt hàng tại các cơ sở đào tạo DL có uy tín để phối hợp đào tạo, đón sẵn đầu ra từ nguồn sinh viên của các cơ sở đào tạo. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên có các trường trong DN DL hoặc các DN nên thành lập cơ sở đào tạo và để khuyến khích thì nên có chính sách như miễn thuế cho DN... Tuy nhiên, những chính sách này cần phải được chấp thuận từ Bộ Tài chính.

Hiện nay, Bộ VH, TT&DL và Bộ GD&ĐT đã thống nhất đề ra cơ chế phối hợp giữa các DN DL và các cơ sở đào tạo để sử dụng cơ sở vật chất của các DN trong đào tạo nhân lực DL, đồng thời huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt các tập đoàn lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực DL.

- Xin cảm ơn ông!