Ðiều chỉnh phương thức quản trị

Sức ép của yêu cầu đổi mới đang ngày càng gia tăng lên hệ thống giáo dục đại học (GDDH), nhấn mạnh đến tính tự chủ của nhà trường, chất lượng và cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ giáo dục. Và để tránh những thất bại, đổ vỡ không mong muốn, xã hội cũng nhấn mạnh hơn vào các cơ chế bảo đảm tính trách nhiệm (hay còn được nhắc đến với khái niệm “giải trình xã hội”) và bảo đảm chất lượng.

Nên thiết lập lại vị trí của Hội đồng khoa học thành cơ quan quyền lực học thuật trong cơ cấu của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: TRẦN HẢI
Nên thiết lập lại vị trí của Hội đồng khoa học thành cơ quan quyền lực học thuật trong cơ cấu của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: TRẦN HẢI

Vấn đề đặt ra là, Nhà nước đang trong lộ trình cắt giảm chi ngân sách cho GDÐH, thì lại có xu hướng can thiệp nhiều hơn thông qua các cơ chế báo cáo. Bên cạnh đó, nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo (innovation) vì sự phát triển của xã hội, cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với hệ thống GDÐH.

Hệ quả của các áp lực thay đổi này đã dẫn đến sự biến đổi về vai trò, phương thức vận hành và vị trí trong xã hội của trường đại học (ÐH). Các trường ÐH đang dần chuyển sang cơ chế vận hành tương tự như của doanh nghiệp và trong khá nhiều trường hợp được Nhà nước coi như doanh nghiệp.

Những thay đổi nói trên trong quản trị và điều hành trường ÐH dẫn đến câu hỏi: Ai đang vận hành và quản trị cơ sở GDÐH? Nhà trường ÐH có còn là một thành tố độc lập (autonomous) hay đang trở thành bên thực thi các chính sách và kịch bản do các hội đồng, các cơ quan chiến lược hay Chính phủ đề ra? Nếu nhà trường hoạt động độc lập thì cần làm rõ độc lập đến đâu, độc lập phải dựa trên các nguyên tắc, các khuôn mẫu và các căn cứ pháp lý nào? Quyền hạn của nhà trường sẽ thuộc về ai, đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý hay các nhà kỹ thuật?

Xét từ góc độ tổ chức, các trường ÐH Việt Nam hiện nay bao gồm các thành phần chính như sau: Hội đồng trường (tức hội đồng quản trị); Ban giám hiệu (gồm hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng); các phòng, ban chức năng; các trường thành viên, các khoa, bộ môn; các tổ chức khoa học và công nghệ; các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các phân hiệu (nếu có); Hội đồng khoa học và đào tạo, các Hội đồng tư vấn… Bên cạnh đó trường ÐH còn phải thiết lập và duy trì mối quan hệ với: bộ/cơ quan chủ quản; bộ quản lý nhà nước về GDÐH; chính quyền địa phương,…

Khi chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, từ tư cách một thành tố của chính quyền sang dạng thức tổ chức độc lập có mức độ, các trường ÐH Việt Nam đang phải xử lý một số vấn đề: Về Quản trị ngoài. Cơ quan đại diện cho Nhà nước xử lý các vấn đề về tài chính, nhân sự, tài sản (chủ quản) và các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường (một đầu mối hay đa đầu mối); Cơ quan quản lý nhà nước về GDÐH: chuẩn mực đào tạo, quy mô đào tạo và công nhận kết quả đào tạo. Về Quản trị trong. Hội đồng trường: Sự đại diện và quyền hạn; Hội đồng khoa học: quyền hạn và tác động đến các chính sách của nhà trường; Hiệu trưởng: quyền hạn về tài chính, nhân sự.

Nhiều vấn đề nói trên đã được đề cập ở các mức độ khác nhau trong Luật Giáo dục (sửa đổi 2019) và Luật sửa đổi một số điều của Luật GDÐH (2018). Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Để bảo đảm sự vận hành của hệ thống GDÐH Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi sắp tới, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội cũng như phù hợp các yêu cầu của CMCN 4.0, chúng tôi thấy cần giải quyết một số vấn đề sau:

Trước tiên, giảm các quan hệ điều chỉnh của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với nhà trường ÐH. Sự quản lý thiếu nhất quán sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các trường, chưa kể các quy định không đồng bộ sẽ làm giảm hiệu quả và hiệu suất hoạt động của các trường. Rất nên có một cơ quan đệm giữa nhà trường ÐH và tất cả các cơ quan quản lý nhà nước tương tự mô hình Hội đồng cung cấp tài chính đại học (UFC) của Anh quốc, để giảm bớt đầu mối và sự chỉ đạo không nhất quán đối với các trường ÐH và tạo công bằng trong chỉ đạo đối với cả cơ sở GD công và tư, lớn và nhỏ, cả chuyên ngành và đa ngành.

Tiếp đó, để bảo đảm tính học thuật của các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường ÐH, khai thác được kiến thức chuyên gia của đội ngũ khoa học trong trường, đồng thời bảo đảm tính dân chủ trong nhà trường và tránh sự can thiệp quá mức của các cơ chế thị trường, nên thiết lập lại vị trí của Hội đồng khoa học thành cơ quan quyền lực học thuật. Các quyết định của Hội đồng khoa học không dừng lại ở khuyến nghị, mà phải có tính ràng buộc đối với cơ chế điều hành nhà trường ÐH.