Hoàn thiện các quy định pháp luật

Nhằm thể chế hóa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, tình trạng lãng phí vẫn còn tồn tại.

Nhà máy thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ bán đấu giá được 205 tỷ đồng.
Nhà máy thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ bán đấu giá được 205 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân cốt yếu là các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tiễn, nên, các văn bản pháp luật này chưa phát huy được hiệu quả tích cực trong thực tế.

Nhiều quy định mang tính chất định tính

Điều 8 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức “phải thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao, phải quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước được giao đúng mục đích”. Như vậy, nếu cán bộ, công chức vi phạm các quy định trên sẽ có thể gánh chịu trách nhiệm kỷ luật. Thế nhưng, những hình thức kỷ luật được áp dụng đối với các vi phạm pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí còn mơ hồ, chứa nhiều tiêu chí định tính, gây khó khăn cho việc xử lý kỷ luật công chức trong thực tế.

Đơn cử, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP có quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được sử dụng làm căn cứ quyết định hình thức kỷ luật. Theo khoản 8 Điều 10 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ có hình thức kỷ luật cảnh cáo. Đối chiếu với các quy định khác trong Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì cũng những hành vi trên nhưng ở mức độ “ít nghiêm trọng” sẽ có hình thức kỷ luật khiển trách (khoản 7 Điều 9), ở mức độ “rất nghiêm trọng” sẽ bị kỷ luật hình thức cách chức (khoản 1 Điều 13), còn ở mức độ “đặc biệt nghiêm trọng” sẽ bị buộc thôi việc (khoản 5 Điều 14). Thế nhưng, trong cả Nghị định số 34/2011/NĐ-CP lại không có bất kỳ quy định nào nhằm đưa ra căn cứ xác định đâu là hành vi vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Chính cách sử dụng các tiêu chí “định tính” này làm cho việc quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức vi phạm pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ở khía cạnh tiêu cực, quy định này lại dễ bị lợi dụng vào mục đích bất hợp pháp.

Nhiều khoảng trống và mâu thuẫn

Khoản 3 Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “công chức là người đứng đầu có nghĩa vụ tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Như vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Bản thân người đứng đầu vừa phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, vừa phải tích cực phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm của nhân viên do mình quản lý và cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sai phạm trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách.

Điều 78 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tuy không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ thì tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Khi bị xử lý kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra lãng phí có thể bị giáng chức. Trong khi đó, theo Điều 25 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 thì “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lại phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm toán nội bộ hàng năm để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí”. Như vậy, việc thực hiện các quy định trên dường như là một nghịch lý. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được nhiều hành vi vi phạm liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đó lại có “nguy cơ” phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra nhiều hành vi vi phạm trong phạm vi thẩm quyền do mình quản lý.

Chính từ nghịch lý này mà dẫn tới tình trạng người đứng đầu nếu không muốn đối diện với nguy cơ bị giáng chức thì phải “ngó lơ” các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khi có sai phạm mà phải hành xử theo phương châm “dĩ hòa vi quý”, “đóng cửa bảo nhau” thì rõ ràng việc xử lý kỷ luật đã không nghiêm minh.

Điều 27 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định về hành vi gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự án, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí, ngân sách Nhà nước. Điều 32 quy định về hành vi gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin liên lạc. Điều 45 quy định về hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công cộng và công trình phúc lợi công cộng. Điều 53 quy định về hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên. Điều 58 quy định về hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước.

Lãng phí được hiểu là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Thế nhưng, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý mà cụ thể là trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm các Điều 27, 32, 45, 53 và 58 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 chưa được dẫn chiếu tới quy định về tội phạm nào trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực đã bổ sung thêm hai tội danh liên quan đến vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” (Điều 179) và “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219). Tuy nhiên, hai tội danh trên vẫn chưa đủ sức cương tỏa đối với những hành vi lãng phí được quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Cụ thể, hành vi “gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự án, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí, ngân sách Nhà nước” sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 179 hay Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Pháp luật hiện hành cũng thiếu vắng các quy định khen thưởng người thực hiện tốt pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những định mức, tiêu chuẩn tiết kiệm làm căn cứ khen thưởng cá nhân, tổ chức chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Từ đó, nhà nước chưa khuyến khích được cá nhân, tổ chức tích cực thực hiện hiệu quả pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp đổi mới mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng. Trên cơ sở những phân tích nêu trên, thiết nghĩ, hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công việc rất cấp thiết, để các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở nên hữu dụng.