Hình thành hệ thống khu công nghiệp nòng cốt

Thời cơ của phân khúc bất động sản công nghiệp (BÐSCN) đang mở rộng. Các khu công nghiệp(KCN) liên tục "nhận tín hiệu" hợp tác từ nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng giờ đây, người đi thuê đang đưa ra nhiều đòi hỏi khắt khe hơn…

 Dây chuyền sản xuất của Công ty Tetra Pak tại KCN VSIP II.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Tetra Pak tại KCN VSIP II.

Thế sẵn sàng…

Khảo sát hai KCN nổi bật tại tỉnh Bắc Giang cho thấy, tại hầu hết các KCN đã đi vào hoạt động, các chủ đầu tư đều dành toàn bộ quỹ đất sạch để "trải thảm đỏ" đón DN có nhu cầu mở rộng hay chuyển đổi thị trường sản xuất. Ðặc biệt, khi cuộc chiến thương mại leo thang căng thẳng, làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc diễn ra nhanh hơn, các KCN liên tục hoàn thiện mình để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Ánh Văn - Cán bộ quản lý khu công nghiệp Vân Trung 2 cho biết, trong giai đoạn cuối năm 2019, KCN này nhận được nhiều hơn lời tìm hiểu của các DN từ Hồng Công và Ðài Loan (Trung Quốc), đặc biệt là cả các DN ở Trung Quốc đại lục cũng muốn "dịch chuyển".

KCN Vân Trung - giai đoạn 2 có diện tích khoảng 112 ha, trong đó có 84 ha đất công nghiệp. Ðược đưa vào khai thác từ tháng 3-2019, sau chín tháng, tỷ lệ lấp đầy KCN này đã lên đến 93%. Khoảng 20 dự án đã được đăng ký và chấp thuận chủ trương đầu tư.

"Họ chủ yếu sản xuất các sản phẩm về linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, khuôn mẫu và thiết bị dành cho sản phẩm thông minh. Các DN Trung Quốc chiếm khoảng 40%, phần còn lại là DN Hàn Quốc và DN trong nước. Phía DN nước ngoài quan tâm đầu tiên đến chính sách đầu tư của tỉnh. Họ luôn muốn đánh giá chính xác sự thông thoáng và thuận lợi của những chính sách này. Thứ hai là hạ tầng KCN có đáp ứng được những tiêu chuẩn sản xuất của họ hay không. Thứ ba là nhu cầu về cung ứng lao động có dồi dào và có chất lượng cao hay không?", ông Văn chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Trần Sỹ Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú - Chủ đầu tư KCN Hòa Phú, giai đoạn gần đây, "khẩu vị" lựa chọn KCN đặt nhà máy sản xuất của các DN đã có sự thay đổi.

"Sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng là một yếu tố được quan tâm nhiều nhất. Ðó là lý do KCN Hòa Phú đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước. Ðặc biệt, nhà máy xử lý nước thải với công suất 6.000m3/ngày đêm và nhà máy sản xuất nước sạch với công suất 8.000m3/ngày đêm và đường truyền tải điện 110 kV để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà đầu tư. Ðây là những yếu tố cần có để KCN Hòa Phú có thêm lợi thế khi đặt vấn đề hợp tác với DN", ông Nam khẳng định.

Ứng xử đúng mới giành phần thắng?

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhìn nhận, trong tương lai gần, thị trường BÐSCN đúng là có nhiều cơ hội phát triển khi các tập đoàn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, không nên quá ảo tưởng về những lợi ích to lớn mà xu hướng này mang lại bởi sức cạnh tranh của Việt Nam còn thua Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ấn Ðộ…

Muốn đón nhận làn sóng này thành công, cần có sự ứng xử hợp lý. Cụ thể, việc các DN chú trọng vào cơ sở hạ tầng thì các KCN phải nâng cao chất lượng các công trình liên quan. DN quan tâm đến nguồn nhân lực, các tỉnh và địa phương phải tính toán phương án đào tạo nguồn cung lao động chất lượng hơn…

Ðể làm được điều này, các địa phương luôn chú trọng vào chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Bắc Giang được xem như một tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển KCN. Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư và tập trung phát triển hạ tầng các KCN, cùng với đó quan tâm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các KCN cũng như chú trọng đầu tư hạ tầng ngoài KCN.

"Cuối cùng là quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề. Chính vì vậy, thời gian qua, tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề của Bắc Giang đạt đến 58% trong tổng số hơn 1,1 triệu lao động", ông Thái nói.

Việt Nam có một mục tiêu rất cụ thể cho sự phát triển của KCN, Khu kinh tế (KKT) đến năm 2025. Cụ thể, giải quyết việc làm cho 5 -
6 triệu lao động; tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên một ha đất công nghiệp của KCN, KKT thêm khoảng 8 - 10%; tỷ lệ KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 93 - 95%... Ðến năm 2030, tổng vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 1.500 - 2.000 nghìn tỷ đồng và 240 - 290 tỷ USD…

Nhưng giá trị cốt lõi của phát triển KCN, KKT không phải chỉ đơn giản nằm ở những con số kể trên. Mục đích cuối cùng khi hình thành các KCN, KKT tập trung là để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội. Quan trọng nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh và thành phố, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi.

Chỉ khi nhìn nhận đúng thì mỗi KCN được hình thành, đi vào hoạt động mới trở thành mắt xích tạo nên hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Và cơ hội phát triển kinh tế mới được chia đều cho các tỉnh. Câu hỏi này, không chỉ dành cho lãnh đạo mỗi tỉnh, thành phố mà còn dành cho các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia…