Hãy để trẻ em học cách tự bảo vệ!

Năm 2019, Liên hợp quốc kỷ niệm 30 năm ngày phê chuẩn Công ước quốc tế quyền trẻ em (1989-2019). Năm 2019 cũng là năm thứ ba thực thi Luật Trẻ em 2016. Soi lại chặng đường thực thi Công ước và Luật, chúng ta đã có tiến bộ trong thay đổi quan niệm, thực hành chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, những vụ việc trẻ em bị bạo lực thân thể, xâm hại tình dục và lạm dụng lao động xảy ra ngày một nghiêm trọng trong thời gian gần đây có phần nguyên nhân từ việc trẻ em bị thiếu hụt kỹ năng tự bảo vệ và phát triển bản thân.

Học sinh tham gia trải nghiệm "một ngày làm nông dân" trên cánh đồng xã Ðức Tân, huyện Mộ Ðức (Quảng Ngãi). Ảnh: Ðông Anh
Học sinh tham gia trải nghiệm "một ngày làm nông dân" trên cánh đồng xã Ðức Tân, huyện Mộ Ðức (Quảng Ngãi). Ảnh: Ðông Anh

Hồi chuông cảnh báo

Còn nhớ, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên của Việt Nam về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra ngày 6-8-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB & XH) đã đưa ra một báo cáo nhức nhối các con số: "Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017, có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. Trong sáu tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%".

Từ đó đến nay, thực tế diễn biến còn phức tạp hơn nhiều so với con số thống kê nói trên. Liên tiếp các vụ việc đau lòng xảy ra, những em bé bị bạo hành tại chính gia đình, lớp học của mình. Không ít em bé bị xâm hại tình dục ở thang máy chung cư, nơi vui chơi công cộng... Xã hội gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc làm sao để có được môi trường sống an toàn thân thiện và lành mạnh cho trẻ em.

Nguyên nhân của các vấn đề bạo lực và xâm hại, bóc lột trẻ em thì có rất nhiều, nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn phân tích sâu hơn về một nguyên nhân: Trẻ em còn thiếu hụt kỹ năng sống để tự bảo vệ mình và phát triển toàn diện bản thân. Chính điều đó đã biến trẻ em trở thành nạn nhân của bạo hành và xâm hại, bóc lột.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân cần có để tương tác với những người khác một cách hiệu quả hoặc ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hằng ngày.

Còn định nghĩa theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), kỹ năng sống là tập hợp rất nhiều kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và hiệu quả.

Trẻ em được sinh ra, lớn lên và phát triển toàn diện ở trong ba môi trường giáo dục. Ðó là gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, việc trang bị cho trẻ em kỹ năng sống phải được hiểu là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường. Chỉ có như vậy, trẻ mới có được nhận thức, thái độ đúng trong những hành động theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng.

Hãy để trẻ em học cách tự bảo vệ! ảnh 1

Các trò chơi vận động giúp trẻ có tinh thần vượt khó. Ảnh: Ðăng Khoa

Một lĩnh vực bị thả nổi!

Luật Giáo dục 2005 và Luật Trẻ em 2016 đều đặt ra mục tiêu, trẻ em được quyền chăm sóc và nuôi dưỡng để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Như vậy, việc đưa kỹ năng sống, kỹ năng mềm vào giáo dục trẻ trong các cấp học được xác định là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, chương trình dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho trẻ em trong chương trình chính khóa của hệ thống giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ, và mục tiêu cần đạt được của ngành giáo dục trong bối cảnh xã hội hiện nay. Giờ học kỹ năng sống mới chỉ được đan xen trong các tiết học giáo dục công dân với một lượng thời gian ít ỏi, phương pháp dạy khô cứng, bảo thủ không gây được sự hứng thú đối với các em.

Trong khi đó, hệ thống trường dân lập, trường tư thục và đặc biệt là các trường phổ thông có yếu tố quốc tế tỏ ra nhanh nhạy hơn khi sắp xếp các tiết giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm một cách hợp lý trong giờ học chính khóa và các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Thí dụ như Trường Hà Nội Academy công phu mời chuyên gia có kinh nghiệm đến cùng xây dựng một bộ giáo trình về kỹ năng sống, tiến hành dạy thử nghiệm để hoàn chỉnh và đưa chương trình vào dạy chính thức.

Xét trên mặt bằng chung, số trường có được chương trình giảng dạy kỹ năng sống chất lượng tốt quá hiếm hoi. Vậy nên, trong bối cảnh nguồn cầu - nhu cầu trang bị kỹ năng sống cho con cái gia tăng thì nguồn cung - sự xuất hiện của các chương trình giảng dạy kỹ năng sống cũng nở rộ không kém. Chỉ có điều đáng nói, không có đơn vị nào thẩm định được chất lượng thật sự của "mê hồn trận" những trung tâm, chương trình giảng dạy kỹ năng sống đang mở ra đến tận hang cùng ngõ hẻm. Vậy nên, có những chuyện cười ra nước mắt khi mà chính các thầy, cô đứng lớp "chẳng có chút hiểu biết gì về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc với trẻ". Họ - chủ yếu là các sinh viên được các trung tâm tuyển làm việc ngoài giờ, nhận lớp là để giữ trẻ hộ các cha mẹ.

Cùng với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống là các trại hè kỹ năng như: Trại hè Thủ lĩnh, Học kỳ Quân đội, Học kỳ Công an, Học kỳ Cứu hỏa, Khóa tu tập… nở rộ vào mỗi kỳ nghỉ hè. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi trả khoản tiền không nhỏ chỉ để mong con mình có được trải nghiệm hè bổ ích. Tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi: Liệu các bậc cha mẹ đã lắng nghe con mình tâm sự thật lòng về những gì chúng tiếp cận được sau những ngày được sống ở những trại hè đó chưa? Và sau khi kết thúc, liệu rằng, các cha mẹ có thấy nếp sống tích cực, kỹ năng tốt nào được con của mình phát huy?

Từ ngày 27-7-2017, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã ban hành Văn bản số 3225 - BGDÐT - GDCTHSSV về việc hướng dẫn triển khai bộ tài liệu Thực hành kỹ năng sống gửi tất cả các sở trực thuộc. Nhưng cho đến nay, việc triển khai Bộ tài liệu thực hành kỹ năng sống được tiến hành thế nào, chất lượng ra sao? Ðã đến lúc, Bộ GD&ÐT không thể để mặc cho việc giáo dục kỹ năng sống phát triển tự phát. Trẻ em là tương lai của đất nước, và cần phải được giáo dục toàn diện để có được những lợi ích tốt nhất, có khả năng tự bảo vệ bản thân và xây dựng một cộng đồng thân thiện, một xã hội tốt đẹp.

Rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập và khẳng định vị trí của mình trong tập thể, mà xa hơn là một cộng đồng, xã hội. Do đó, cho dù đứa trẻ có tài giỏi, thông minh đến đâu nhưng thiếu kỹ năng sống, cũng không thể tiếp cận với môi trường chung quanh, hòa nhập cũng như khẳng định mình.

------------------------

Tác giả bài viết là chuyên gia Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.