Hành động quyết liệt ứng phó thiên tai

Liên tiếp những đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đã phá vỡ nhiều kỷ lục lịch sử trong 27 năm qua, tính từ năm 1993 đến nay. Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường xảy ra khắp các vùng, miền trên cả nước, đang đòi hỏi cấp bách triển khai những giải pháp thích ứng và phòng, chống có biên độ chống chịu lớn hơn, đa dạng và hiệu quả hơn, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng.

Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, nhân lực và kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, nhân lực và kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Những “kỷ lục lịch sử”

Người dân các tỉnh miền trung vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt, đỉnh điểm ở những địa phương được gọi là “chảo lửa” như Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiệt độ hơn 38 độ C kéo dài trong suốt hơn một tháng qua đã khiến cả con người lẫn cây trồng héo mòn vì khô khát.  Ở Nghệ An, nhiều cánh đồng tại huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành… đã gieo cấy, đất khô bạc, nứt toác vì nắng nóng. Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, trời nắng như thiêu đốt khiến nguồn nước tưới khô cạn. Đến nay, trong 96 hồ lớn trên địa bàn chỉ có một hồ đầy nước, 965 hồ chứa nhỏ lượng nước chỉ còn khoảng 50%, nhiều hồ rơi vào mực nước chết.

Tại huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua các hồ nước cũng xuống mực nước chết, giếng đào, giếng khoan cạn trơ đáy, cây trồng và hoa màu của người dân đứng trước nguy cơ chết cháy. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện có 650 héc-ta lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước, khoảng 1.500 héc-ta đậu, ngô và 120 héc-ta cam, bưởi đang chết cục bộ. Tại hai huyện vùng cao là Hướng Hóa và Đa Krông của Quảng Trị, nắng nóng khốc liệt đã làm người dân ở nhiều bản làng không có nước để sinh hoạt. Nhiều con suối và khe nước hiện đã cạn, không thể cung cấp nước cho người dân…

Nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm phát sinh nhiều trận cháy rừng khủng khiếp tại một số địa phương. Vụ cháy xảy ra tại khu rừng thông 30 năm tuổi ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) ngày 26-6 dù sớm được khống chế, nhưng sau đó do thời tiết nắng nóng, gió phơn tây nam thổi mạnh đám cháy bùng phát trở lại, lan sang xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) và xã Diễn Lợi (huyện Diễn Châu). Ngày 29-6, cháy rừng lại bùng phát tại khu rừng thông ở xã Diễn Phú (huyện Diễn Châu) sau một ngày được dập tắt. Còn tại Hà Tĩnh, từ đầu hè đến nay đã xảy ra năm điểm phát lửa, gây thiệt hại trên 4 héc-ta rừng trồng thông và keo, tràm. Đêm 29-6, tỉnh Hà Tĩnh huy động khoảng 500 người dập lửa vụ cháy rừng xảy ra tại xã Sơn Long (huyện Hương Sơn). Vụ cháy đã lan sang xã Sơn Trà và xã Ân Phú (huyện Vũ Quang) bên cạnh.

Trong khi đó, giông lốc lại xảy ra ở nhiều địa phương, gây nhiều thiệt hại. Hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng tạo ra “một lịch sử mới”, khốc liệt hơn cả đợt hạn - mặn lịch sử năm 2015 - 2016. Thống kê của cơ quan chức năng, năm 2019 cả nước xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, gây thiệt hại về kinh tế hơn 7.000 tỷ đồng (đã giảm so thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018, ước tính gần 20.000 tỷ đồng). Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều đợt giông lốc, mưa đá diện rộng. Tại Nam Bộ, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đối mặt một vấn đề mới là sụt lún đất. Năm tháng đầu năm 2020, ở đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt khiến 54.700 héc-ta lúa bị hư hại, 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng.

Ngoài yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường, theo Tổng Cục trưởng Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT, Trần Quang Hoài, thách thức lớn nhất trong phòng, chống thiên tai ở nước ta hiện nay là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng. Cụ thể, toàn quốc hiện còn 230 vị trí trên các tuyến đê quốc gia và khoảng 200 hồ đập xuống cấp có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn... Hệ thống tiêu, thoát nước ở nhiều đô thị chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó khi xảy ra các trận mưa vượt tần suất thiết kế... Đáng lo ngại hơn, nhà cửa của người dân ở khu vực ven sông, ven biển tại nhiều địa phương phần lớn có sức chống chịu rất thấp với gió bão, ngập lụt. Nhiều nơi còn thiếu các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định (hiện mới chỉ đáp ứng 58% nhu cầu neo đậu). Sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi việc quản lý xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, kênh, rạch, quản lý khai thác cát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu (vẫn còn 28/57 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 99/170 km chưa xử lý). “Trong khi đó, nhận thức của các cấp chính quyền, người dân ở một số nơi còn hạn chế, chưa thấy hết tính phức tạp, khẩn cấp và tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở nhiều nơi còn chưa được thành lập…”, ông Hoài chia sẻ lo ngại.

Chủ động phòng ngừa, xây dựng cộng đồng an toàn

Theo chu kỳ, sau hai năm hạn hán gay gắt trên diện rộng, sẽ có mưa lũ, bão diễn biến phức tạp, khó lường và đe dọa mất an toàn hệ thống đê điều trong thời gian tới. Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, cả nước hiện có khoảng 9.000 km đê điều với hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt do cơ quan chức năng cấp Trung ương quản lý. Trong đó, có 230 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. Nhận định có hai nguy cơ lớn hiện nay đối với hệ thống đê điều nước ta là, các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng và hệ thống đê đã lâu chưa được thử thách qua lũ lớn, ông Hiệp đề nghị: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa cực đoan chỉ tập trung trong thời gian ngắn và phạm vi hẹp có thể xảy ra, tạo nên những trận lũ lớn trên các hệ thống sông nên các địa phương cần hết sức lưu ý các biện pháp phòng, chống. Các địa phương cần triển khai có hiệu quả Đề án 1002 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý cấp bách các công trình do cấp huyện quản lý.

Các tỉnh dọc miền trung, Tây Nguyên hay Nam Bộ cần tập trung mọi nguồn lực, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ứng phó hạn, công trình cấp nước nông thôn thuộc Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, sớm đưa vào sử dụng, phục vụ nước sinh hoạt, không để người dân thiếu nước sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng, chủ động phòng ngừa, ứng phó là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó chủ động phòng ngừa cần được ưu tiên hơn. Muốn vậy các địa phương thường xuyên đối mặt thiên tai cần chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực và kịch bản ứng phó tất cả các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã, đi cùng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân.

ct19_1-1593767002962.jpg
Lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa trong vụ cháy rừng ở xã Diễn Lợi (Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: TÁ CHUYÊN 

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thao trường tổng hợp phục vụ huấn luyện tìm kiếm cứu nạn tại Ba Vì, Hà Nội. Hoàn thành xây dựng Trung tâm Quốc gia điều hành ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2. Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020. Đến năm 2025, 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng.

Tổ chức chuyên đề:

VŨ MAI HOÀNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGHĨA NAM