Giải pháp cấp bách để giảm ô nhiễm không khí

Thực trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây liên tục được cảnh báo vượt ngưỡng, nhiều thời điểm gây nguy hại cho sức khỏe con người. Báo cáo 2018 Chỉ số thực thi môi trường (EPI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ ra rằng, chất lượng không khí là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người. Bởi vậy, giảm ô nhiễm không khí tại đô thị đang đòi hỏi những giải pháp cấp bách.

Giải pháp cấp bách để giảm ô nhiễm không khí

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với các chuyên gia: TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP); PGS, TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, Viện Môi trường và Tài nguyên (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội.

- Căn cứ vào các chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ các trạm quan trắc trong quý I-2019, chất lượng không khí tại các thành phố lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội đang có những diễn biến bất thường, đáng báo động. Các chuyên gia có thể lý giải tình trạng này?

- Ông Mai Trọng Thái: Theo phân tích, nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí tại TP Hà Nội đầu năm 2019 ô nhiễm tăng cao là do điều kiện khí tượng bất lợi. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ba tháng đầu năm 2019, TP Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa đông bắc. Gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi siêu mịn PM trong không khí tăng cao.

Chúng tôi đánh giá, thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện, làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt.

- Ngoài nguyên nhân do thời tiết, xin các chuyên gia cho biết, nguyên nhân các chỉ số chất lượng không khí tại các thành phố lớn nước ta đang ở mức độ kém là do đâu?

- Ông Mai Trọng Thái: Có thể kể đến một số nguyên nhân khác, như: Chính điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng, hoặc nguồn thải từ các khu công nghiệp lân cận… đã làm bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến chất lượng không khí trong giai đoạn này xấu đi.

Giải pháp cấp bách để giảm ô nhiễm không khí ảnh 1

- PGS, TS Hồ Quốc Bằng: Với TP Hồ Chí Minh, hiện có ba nguồn phát thải lớn làm ô nhiễm không khí do bụi. Trước tiên, là nguồn thải từ dân sinh, bao gồm việc các gia đình nấu ăn, các quán ăn, nhà hàng dùng năng lượng hóa thạch nấu nướng. Tiếp đến, là nguồn thải từ các phương tiện giao thông. Thành phố hiện có khoảng tám triệu xe các loại… khi lưu thông tất cả đều là các nguồn thải làm cho không khí thêm ô nhiễm. Tiếp nữa, là do hoạt động công nghiệp, theo đó, TP Hồ Chí Minh có 2.708 nhà máy có ống khói sinh ra khí thải và thải ra môi trường. Sau gần hai năm thực hiện nghiên cứu về vấn đề các nguồn thải gây ô nhiễm không khí bụi ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi có thể kết luận 50% ô nhiễm không khí bụi ở thành phố này đến từ các hoạt động giao thông, 30% đến từ hoạt động nấu ăn của hộ gia đình và 20% đến từ công nghiệp.

- TS Hoàng Dương Tùng: Nguyên nhân ô nhiễm không khí do con người thì chúng ta có thể nhìn nhận thấy rõ nhất, đó là xuất phát từ những hoạt động như sinh hoạt, sản xuất, xây dựng và giao thông. Ở Hà Nội, theo thống kê năm 2018, dân số khoảng tám triệu người, có gần sáu triệu xe gắn máy, khoảng 600.000 ô-tô, và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu mỗi ngày, hay như việc sử dụng quá nhiều bếp than tổ ong… Những nguồn này đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.

- Trước thực trạng chất lượng không khí ở các thành phố lớn đáng báo động như hiện nay, theo các chuyên gia, chúng ta cần có những giải pháp, phương án ra sao để cải thiện tình trạng này?

- Ông Mai Trọng Thái: Chúng tôi đã tham mưu Sở TN&MT kiến nghị và được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận mở rộng từ 10 trạm quan trắc không khí lên 33 trạm trong thời gian từ 2019 đến 2020. Sau khi có 33 trạm quan trắc này, chúng tôi tự tin sẽ kịp thời thông tin, dự báo và cảnh báo về chất lượng không khí để các cơ quan chức năng, du khách và người dân được biết để hưởng ứng và thực hiện góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô. Chi cục Môi trường Hà Nội mong muốn, ngành TN&MT sớm hoàn thiện Hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để kết nối thông tin kiểm soát chất lượng môi trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt, các tỉnh lân cận và kiểm soát chất lượng môi trường xuyên biên giới… Từ đó, Hà Nội cũng có thể chủ động trong công tác xây dựng các kịch bản ứng phó kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.

- PGS, TS Hồ Quốc Bằng: TP Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp ba lần, đồng nghĩa với việc cần phải cắt giảm 60-70% lượng khí thải. Theo tôi cần thực hiện các giải pháp định kỳ 5 năm cập nhật số liệu phát thải khí thải của thành phố, đồng thời kết hợp với mô phỏng chất lượng không khí để xác định khu vực có nồng độ cao và tải lượng phát thải khí thải cao. Từ đó, đề xuất bổ sung, hoặc sửa đổi một số giải pháp kiểm soát cho phù hợp thực tế. Cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm định khí thải cho tất cả xe gắn máy chứ không chỉ xe từ 175 cm3 trở lên.

Ngoài ra, hiện nay chưa biết khu vực nào của thành phố còn có khả năng tiếp nhận khí thải, vì vậy cần thực hiện nghiên cứu chuyên sâu: "Tính toán khả năng tiếp nhận khí thải từng khu vực thuộc TP Hồ Chí Minh", với mục tiêu là xác định khối lượng khí thải có thể thải vào khí quyển của từng khu vực của thành phố (tính toán đưa ra thải lượng khí thải phù hợp mà bầu không khí có thể tiếp nhận) để từ đó có các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng như chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân, tiến tới giảm bớt thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra.

Giải pháp cấp bách để giảm ô nhiễm không khí ảnh 2

- TS Hoàng Dương Tùng: Cần phải có sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giao thông vận tải. Hiện nay, cứ nhắc đến ô nhiễm là mọi người lại đổ lỗi việc quản lý môi trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại rằng, ô nhiễm không khí ở đô thị phần lớn là do các phương tiện giao thông. Ô-tô, xe máy chiếm 60% khí thải ra môi trường, trong khi đó chúng ta lại chưa kiểm soát được lượng khí thải này. Mặc dù, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đã đưa ra lộ trình kiểm soát khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, nhưng đến nay lộ trình này vẫn chưa triển khai được, vẫn còn thiếu chương trình hạn chế xe máy trong khi đó xe máy đang là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần tiến hành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, hoàn thiện các công cụ: Luật Không khí sạch, phí khí thải, cùng với tăng cường năng lực của hệ thống giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch.

- Trân trọng cảm ơn các chuyên gia.