Dòng vốn sẽ chảy mạnh trong môi trường minh bạch

Sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam đang đến từ sự hoàn thiện của các quy định pháp luật và sự tham gia phản biện của cộng đồng kinh doanh.

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao những cải tiến trong cấp phép thành lập doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Origin Manufactures Vietnam, tỉnh Hà Nam. Ảnh: DUY LINH
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao những cải tiến trong cấp phép thành lập doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Origin Manufactures Vietnam, tỉnh Hà Nam. Ảnh: DUY LINH

Hào hứng từ những thủ tục đơn giản

Trong đánh giá gửi tới các cơ quan Chính phủ, Nhóm công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã nhắc đến Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020. Có hiệu lực ngay đầu năm 2021, những luật mới này, theo nhóm công tác, cũng như các quy định và thủ tục thi hành sẽ tạo ra một khung quản lý đầu tư mới. 

“Điều này sẽ tác động đến cách thức tiến hành đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới ở hiện tại và tương lai gần”, Nhóm công tác đầu tư và thương mại đại diện cho các doanh nghiệp (DN) thành viên (Nhóm công tác đầu tư và thương mại) khẳng định như vậy khi tham gia VBF 2020.

Chỉ riêng quy định cho phép nộp hồ sơ đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bằng ba hình thức: nộp trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, hoặc đăng ký trực tuyến qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN, đã khiến các nhà đầu tư hào hứng.

Với cách làm này, những thách thức về hành chính - theo cách gọi của các nhà đầu tư nước ngoài về khoảng thời gian và cả sự rủi ro khi chờ đợi hoàn tất thủ tục xin cấp phép thành lập DN nước ngoài trước đó sẽ được gỡ. Với việc chấp nhận hồ sơ trực tuyến, thì khoảng thời gian các cơ quan quản lý nhà nước chuyển hồ sơ qua các đầu mối để tham khảo ý kiến trước khi quyết định sẽ giảm hơn so với việc chuyển hồ sơ giấy. Thời gian này, vốn có thể lên tới 1 - 2 tuần nếu hồ sơ được chuyển từ các địa phương tới các bộ quản lý chuyên ngành…

“Đặc biệt, việc xin chữ ký tươi và đối chiếu tài liệu gốc cho các đơn xin cấp phép, từng được coi là rào cản làm khó cho DN sẽ không còn nữa khi mà chữ ký điện tử được chấp nhận”, Nhóm công tác đầu tư và thương mại phân tích.

Hơn nữa, các DN tin rằng, họ sẽ theo dõi được đường đi của hồ sơ đăng ký DN, khi việc này được thực hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN.

Và những cam kết minh bạch

Có thể nói Luật Đầu tư 2020 được cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cùng ngóng đợi bởi luật giúp mở ra những cơ hội đầu tư - kinh doanh một cách minh bạch. Thí dụ như, lần đầu, bên cạnh danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài được công bố.

Theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, danh mục này khá dài, gồm 39 mục, được tổng hợp từ các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác. Chỉ cần không đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tên trong danh mục này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng các điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng cho các nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, Dự thảo cũng quy định, với các ngành nghề kinh doanh mà Việt Nam chưa cam kết theo nguyên tắc đối xử quốc gia theo các hiệp ước đầu tư quốc tế và pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước.

“Chúng tôi rất mừng khi có danh mục này. Trước đó, để tìm hiểu, chúng tôi phải đọc nhiều văn bản, cam kết với các quy định nằm rải rác”, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

Điều đáng nói, danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư đã giảm 22 ngành so danh mục trước đó. Đi cùng 22 ngành nghề này là hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ.
 

T5_2-1610026974541.jpg
Người dân làm các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Hưng Yên. Ảnh: THANH LÂM  

Đánh giá về tác động của quy định này, nhiều nhà đầu tư không chỉ nhắc tới các khoản tiết kiệm được nhờ giảm thủ tục, thời gian, chi phí. “Quan trọng nhất là khi các thông tin được công khai, minh bạch, nhà đầu tư sẽ tự tin đầu tư, chuyển dịch đầu tư. Trong bối cảnh Covid-19 đang làm xáo trộn nhiều kế hoạch kinh doanh, quy định này là động lực không hề nhỏ để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu…”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phân tích. 

Áp lực cải cách hiện hữu

Đề cập về Luật Đầu tư 2020, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh trông chờ vào những quy định liên quan vấn đề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư kinh doanh, thực hiện dự án.

“Việc sửa đổi này là điểm nhấn quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn không chỉ ở luật này mà cả các luật khác liên quan những dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng có nhiều thay đổi. Trong giai đoạn đang có biến động lớn về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới và trước sự cạnh tranh giữa các nước để thu hút đầu tư, ưu đãi sẽ là công cụ hữu hiệu để thu hút đầu tư vào Việt Nam”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định. Tuy nhiên, một số quy định vẫn khiến nhiều DN, nhà đầu tư lấn cấn vì chưa thật sự rõ ràng.

Nhóm công tác đầu tư và thương mại đề nghị làm rõ danh sách ngành nghề hạn chế tiếp cập thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, vì vẫn có nội dung là “bao gồm những ngành nghề kinh doanh mới chưa tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực”. “Nếu có những hoạt động kinh doanh mới xuất hiện trong năm 2021, điều rất có thể xảy ra trong nền kinh tế số, thì nhà đầu tư nước ngoài có thể được đầu tư, kinh doanh hay không”, các nhà đầu tư đặt vấn đề.

Ngay như quy định về việc đăng ký trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN của Luật Doanh nghiệp, còn chưa rõ là hồ sơ này có cùng hiệu lực như đăng ký trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hay không. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ hướng dẫn cụ thể về đăng ký trực tuyến và không phải nộp bổ sung hồ sơ giấy”, Nhóm công tác đầu tư và thương mại đề nghị.

Đặc biệt, luật sư Trần Thị Thanh Huyền, đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự cho biết, vẫn đang chờ đợi quy định hướng dẫn cụ thể về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Theo bà Huyền, nội dung này cần phải có hướng dẫn sớm để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội…

Có rất nhiều dự báo lạc quan cho rằng, hai dự luật quan trọng với đời sống kinh doanh có hiệu lực, sẽ tạo nên kênh dẫn vốn, góp phần khơi thông tiềm lực đầu tư còn trong cộng đồng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, tinh thần cải cách của Luật muốn đi vào đời sống sẽ phải trông đợi vào hệ thống văn bản dưới luật. Làm sao để tinh thần cải cách thẩm thấu đến đội ngũ xây dựng luật và thực thi luật, đó là điều mà cộng đồng DN mong mỏi hơn cả. Đó cũng là đòi hỏi mà Chính phủ đặt ra trong suốt quá trình sửa đổi, xây dựng hai dự luật nói trên.

Tổ chức chuyên đề: 

Lưu Hương, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Hà.