Đơn giản, mà khó vô cùng

Đã dành nhiều tâm sức để đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo vệ các di chỉ khảo cổ học trên cả nước, PGS, TS Tống Trung Tín (trong ảnh), Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, chỉ cần thực thi  đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành đã đủ để bảo vệ được nhiều di chỉ khảo cổ học vô giá trên cả nước, để Hoàng thành Thăng Long không phải là di tích có số phận may mắn duy nhất.

Đơn giản, mà khó vô cùng

- Mười năm sau ngày Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn di sản đặc biệt này?

- Câu chuyện về công tác bảo tồn Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long là một câu chuyện rất dài và sẽ còn phải tiến hành rất lâu trong tương lai. Bởi di sản này chủ yếu là các di tích khảo cổ học, nghĩa là tổng thể các di tích ở đây đều đang được bảo tồn dưới lòng đất. Hơn thế nữa, quy mô di tích là rất lớn. Ở nước ta lại chưa bao giờ có các công trình bảo tồn di tích tại chỗ, ngoài trời. Kinh nghiệm là số 0, nguồn lực cũng coi như được bắt đầu từ con số 0. 

Kể từ ngày phát lộ năm 2002 đến nay, công việc bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long tại chỗ vẫn luôn thuộc về các nhà khảo cổ học. Bởi vì họ là người khai quật, là người hiểu di tích, cho nên họ phải tiến hành công việc cấp thiết đặt ra ngay từ đầu là bảo tồn ngay lập tức di tích để đo, vẽ, chụp ảnh, thống kê, miêu tả, so sánh, nhận diện, định niên đại, đánh giá giá trị ban đầu. Khi có chủ trương bảo tồn thì họ cứ như thế tiếp tục bảo tồn di tích. 

Nhìn chung, công tác bảo tồn cấp thiết đối với di sản Hoàng thành Thăng Long đã đạt được thắng lợi rất cơ bản là bảo tồn được những di tích từ những ngày khai quật năm 2002 đến bây giờ vẫn còn như lúc mới xuất lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, để hướng tới mục tiêu bảo tồn bền vững và hiện đại, hấp dẫn công chúng, vẫn rất cần một công trình bảo tồn cấp thiết các di tích tại chỗ cho di sản Hoàng thành Thăng Long. Điều này đã có trong quy hoạch của Chính phủ, trong ý tưởng của các nhà quản lý và các nhà khoa học, thậm chí đã có một công trình thi kiểu dáng cũng như cấu trúc phù hợp để bảo tồn và phát huy di tích rất công phu, có chấm giải hẳn hoi. Nhưng, do câu chuyện bảo tồn tại chỗ ở Việt Nam còn quá mới cho nên công việc xây dựng mái che bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu vẫn đang nằm trong kế hoạch dự kiến. Trong tương lai, tôi cho rằng đó là công việc nhất định phải làm được. 

- Hoàng thành Thăng Long có thể coi là di sản khảo cổ có số phận đặc biệt may mắn, trong khi, ở thời điểm hiện nay, sự nhìn nhận và ứng xử với các di sản khảo cổ khác vẫn bị coi là chưa phù hợp?

- Hoàng thành Thăng Long có số phận đặc biệt may mắn nhưng cũng phải nói rõ là may mắn đó đạt được trong một hành trình vô cùng gian truân và trắc trở của các nhà khoa học và các nhà văn hóa học cả nước. Sự sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào thời điểm năm 2003-2004 đã bảo tồn được di sản vô giá này. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Hội nghị Bảo vệ Di sản Văn hóa Việt Nam ngày 27-7-2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức: “Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng Di sản thì không tạo ra được”. Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì”. 

Điều đáng nói là những chỉ đạo sáng suốt như vậy, những công việc đã ghi trong thông tư, nghị định của Chính phủ nhưng tôi vẫn thấy không có cấp quản lý liên quan nào quan tâm, từ cấp độ cao cho đến cấp độ thấp: đó là công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học. Hàng chục năm qua điều này vẫn chỉ nằm trên giấy. Thế cho nên mới có câu chuyện Hội Khảo cổ học Việt Nam và cá nhân tôi đã nhiều lần lên tiếng với công luận: trên 90% di tích khảo cổ học thời Hùng Vương dựng nước ở vùng Đất Tổ đã bị xóa sổ. Nếu không có biện pháp cấp bách thì ít phần trăm còn lại kia chẳng bao lâu nữa sẽ bị xóa sạch. Khi đó, để nói về các chứng tích xác thực về thời kỳ oanh liệt của tổ tiên ta dựng nước, chúng ta chả còn di tích nào để làm chứng cứ cả. Hội Khảo cổ học Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền về công tác này, dẫu biết đây là công việc cực kỳ khó khăn. 

- Di sản khảo cổ vẫn bị xem là lép vế, và đang biến mất nhanh chóng trước sức ép phát triển. Theo ông, cần phải làm gì để bảo vệ và thay đổi cách ứng xử với những di sản rất mong manh này?

- Di sản khảo cổ học cực kỳ bị lép vế. UNESCO đã ban hành các hiến chương cũng như các công ước riêng về khảo cổ học bởi họ nhận thức các di sản này là quan trọng, liên quan đến lịch sử, văn hóa và đời sống nhân loại từ nguồn gốc và tiếp diễn cho đến đời sống đương đại nhưng số phận cực kỳ mong manh. Chỉ một hoạt động nhỏ của con người dù vô thức hay hữu thức, chỉ một biến động dù nhỏ của thiên nhiên, di tích sẽ bị biến đi vĩnh viễn không tái sinh được, trong khi số lượng các di tích còn lại vô cùng ít ỏi. Do vậy, để có thể bảo vệ được loại di tích khảo cổ nhạy cảm không còn cách nào khác là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống quản lý văn hóa từ trung ương tới địa phương trên cơ sở thực hiện nghiêm Luật Di sản Văn hóa, các nghị định và thông tư của các cơ quan quản lý, trong đó, biện pháp cấp bách là phải thực hiện ngay việc xây dựng quy hoạch khảo cổ học để từ đó có những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ, bảo tồn lâu dài loại di tích đó. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở các nước này, công tác bảo vệ di sản khảo cổ học được đặt trong những điều luật nghiêm ngặt và mọi người, mọi cơ quan đều thực hiện nghiêm chỉnh. Việc bảo đảm bảo tồn di sản khảo cổ học được kết hợp hết sức hài hòa với công việc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, cần cải thiện cũng như quan tâm đồng bộ và thích đáng hơn tới công tác khảo cổ học. Đó là những việc đơn giản mà khó vô cùng. Nhưng còn di tích nào chúng ta sẽ phải gắng bảo vệ lấy di tích đó vậy. 

- Xin cảm ơn ông.