Tạo bệ đỡ cho không gian sáng tạo

Định vị giá trị không gian sáng tạo

Trong khi nhiều ngành được xem là “trụ cột” của công nghiệp văn hóa đang khá èo uột thì các không gian sáng tạo lại nở rộ, đem lại nhiều giá trị. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện chưa được nhìn nhận đúng tầm mức, và rất cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả để có thể phát triển bền vững.

Triển lãm nghệ thuật của dự án Phố bên đồi năm 2017 làm ấm lại không gian biệt thự số 17 Lê Hồng Phong, Đà Lạt.
Triển lãm nghệ thuật của dự án Phố bên đồi năm 2017 làm ấm lại không gian biệt thự số 17 Lê Hồng Phong, Đà Lạt.

Nhận diện đúng giá trị

Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của các không gian sáng tạo. Hiện tại, cả nước có khoảng 200 không gian sáng tạo, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Trong đó, Hà Nội có khoảng 120 không gian sáng tạo lớn nhỏ. Theo định nghĩa của Hội đồng Anh, không gian sáng tạo là “một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”. Ở Việt Nam hiện nay, những hoạt động chủ yếu của các không gian sáng tạo là ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Những không gian này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là những tổ hợp ăn uống - dịch vụ văn hóa (thời trang, nhiếp ảnh, âm nhạc…), những quán cà-phê, hay những hội, nhóm, câu lạc bộ mà ở đó đề cao tính tương tác, sáng tạo, kinh doanh văn hoá. Ở Hà Nội, những không gian sáng tạo nổi tiếng nhất phải kể đến như: VICAS Art Studio - Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại, Ơ kìa Hà Nội, Complex 01, Đom Đóm, The Vuon… Tại TP Hồ Chí Minh, những không gian sáng tạo nổi bật như: Salon Saigon, A.Farm, Sàn Art Laboratory, The Factory Contemporary Arts Centre (hay The Factory), Salon văn hóa cà-phê thứ Bảy (thường gọi Cà-phê thứ Bảy), Saigon Outcast…

Có một thực tế là, mức độ hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân đô thị Việt Nam hiện còn khá thấp. Người dân không có điều kiện tiếp cận nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật. Trong khi, bản thân nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật lại “đói” công chúng. Sự năng động của các không gian sáng tạo đem lại cùng lúc hai giá trị: Tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế... thể hiện, tiếp cận công chúng - thị trường và tạo cơ hội tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật cho cộng đồng. Nếu như Trung tâm Nghệ thuật Đom Đóm ở Hà Nội giúp các nghệ sĩ theo dòng nhạc thể nghiệm có không gian thực hành và biểu diễn thường xuyên, thì Ơ kìa Hà Nội đã tạo ra rất nhiều buổi giao lưu, tọa đàm, biểu diễn âm nhạc, thơ văn… để mọi người có thể tiếp cận với một chi phí hết sức phải chăng. Đây chỉ là những điển hình trong vô vàn thí dụ. Ở những tổ hợp văn hóa - giải trí, các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn sôi nổi hơn. Không gian sáng tạo đang là “cái nôi” nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật, cũng là nơi “đào tạo” cả nghệ sĩ lẫn người thưởng thức. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế mà những không gian sáng tạo đem lại là rất lớn. Điển hình nhất là Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, sự ra đời của phố đi bộ đã thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ khu vực này phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù những không gian sáng tạo đều đang “làm kinh tế bằng văn hóa” và góp phần thúc đẩy văn hóa phát triển. Tuy nhiên, thực tế, khái niệm không gian sáng tạo lại chưa được nhắc tới trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng ta không những đang có khoảng trống về nhận thức, mà quan trọng hơn, là khoảng trống về thể chế để không gian sáng tạo phát triển.

Lấp đầy khoảng trống

Năm 2016, thời điểm chúng ta xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không gian sáng tạo ở Việt Nam chưa phát triển như hiện tại, khái niệm không gian sáng tạo cũng chưa hình thành rõ ràng. Nhưng đến thời điểm này, mặc dù phần lớn các mô hình vẫn phát triển tự phát, “sớm nở - tối tàn”, nhưng có thể nhận thấy, tiềm năng của không gian sáng tạo là rất lớn. Đóng góp của không gian sáng tạo cho phát triển văn hóa cộng đồng sẽ còn lớn hơn, nếu được khơi dòng đúng cách.
 
Sau hơn một năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, những chuyển động tích cực đối với những không gian sáng tạo hiện vẫn là rất ít. Chưa có những chính sách cụ thể mới được ban hành. Phần lớn các không gian sáng tạo vẫn được nhìn nhận như một loại hình doanh nghiệp đơn thuần. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận Thành phố sáng tạo là chuyện “của riêng” Hà Nội, mà đây là giải pháp hợp lý cho mọi đô thị trong phát triển bền vững trên cơ sở khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa. Điều này, phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta. Do đó, trước hết, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể (đến nay, hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về không gian sáng tạo chủ yếu do các cá nhân, các tổ chức xã hội thực hiện). Từ đó, thay vì chờ đợi các giải pháp “phân mảnh” của từng đô thị, chúng ta cần điều chỉnh Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và đưa không gian sáng tạo trở thành một nội dung của Chiến lược. Càng ở những đô thị nhỏ, hệ thống thiết chế văn hóa càng yếu về hạ tầng lẫn phương thức, tần suất hoạt động. Và không gian sáng tạo sẽ góp phần khỏa lấp những điểm yếu ấy. Định vị lại giá trị của không gian sáng tạo, để có những giải pháp mang tính tổng thể thúc đẩy sự phát triển trên phạm vi cả nước. Các hoạt động hỗ trợ có thể thực hiện như: Hỗ trợ mặt bằng, tạo điều kiện thuê đất, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xây dựng không gian sáng tạo về các loại thuế, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện để các không gian sáng tạo có thể tổ chức các cuộc tọa đàm, giao lưu, trình diễn... hay thử nghiệm các hoạt động mới mẻ. Nhìn từ góc độ kinh tế, không gian sáng tạo là một loại hình đầu tư mạo hiểm. Do đó, rất cần có quỹ hỗ trợ không gian sáng tạo làm bệ đỡ cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế.

Phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế tất yếu. Song, trong quá trình phát triển, cần lắng nghe sự vận động của xã hội, những thay đổi trong xu thế phát triển của thế giới, để từ đó điều chỉnh, chọn lĩnh vực phù hợp thực tế để có giải pháp phát triển, thay vì “dàn hàng ngang”. Một trong số đó chính là không gian sáng tạo.