Đã không còn là “vô ý”!

Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích không làm chủ được tay lái. Đã đến lúc không thể xử lý những vụ việc này theo khung “vô ý làm chết người”, bởi đây thực chất là một loại tội phạm cần phải xử lý nghiêm minh.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 3, đoạn qua huyện Bạch Thông (Bắc Cạn). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 3, đoạn qua huyện Bạch Thông (Bắc Cạn). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

“Say xỉn lái xe là tội ác!”

Sự bức xúc của dư luận đối với tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích đã lên đến cao trào sau sự ra đi thương tâm của những nạn nhân trong các vụ tai nạn thảm khốc gần đây. Đó là chị công nhân đang phiên làm việc, là hai người phụ nữ vừa rời một cuộc họp lớp trở về, là em bé đang đứng chơi ngay cửa nhà của mình… Chỉ trong nháy mắt, người cầm lái đã tước đi sinh mạng của những trụ cột trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tước đi mầm non hy vọng của cả một gia đình. Đã có hàng chục nghìn người đưa tiễn các nạn nhân xấu số với những dòng chữ được in thành lô-gô trên ngực áo - “Say xỉn lái xe là tội ác!”. Thông điệp này còn được lan truyền mạnh mẽ trên cộng đồng mạng. Đại úy Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Tuyên truyền (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội), nhìn nhận: “Cách bày tỏ quan điểm như vậy có tác động trực quan đến người đọc, mang lại hiệu quả tuyên truyền tốt. Toàn xã hội cần lên án mạnh mẽ hơn hành vi uống rượu, sử dụng ma túy khi lái xe”.

Khi chúng tôi làm việc với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT- Bộ Công an), ông rất bức xúc khi dẫn ra con số cụ thể. Trong quý I-2019, CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 901.370 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (trong đó có 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).

Song, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Thảm họa không chỉ đến từ những người sử dụng rượu bia, mà còn từ những người sử dụng ma túy, chất kích thích, nhưng chính lực lượng chức năng cũng thừa nhận là chưa thể kiểm soát hết. Thật lạnh người với con số, chỉ tính riêng trong hơn 20 ngày triển khai thực hiện tổng kiểm soát xe ô-tô từ tám chỗ ngồi trở lên (đợt 1 từ ngày 21-1 đến ngày 30-1, đợt 2 từ ngày 11-2 đến ngày 20-2), lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 182 lái xe dương tính với ma túy.

Chế tài phải bảo đảm tính nghiêm minh

Trước mối nguy hiểm từ TNGT, sự bất an của người dân, các cơ quan chức năng đưa ra cam kết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát, xử lý các trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, ma túy. Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, cũng cho biết đang có rất nhiều vướng mắc làm khó lực lượng chức năng thực thi công vụ. Chẳng hạn, Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp gây TNGT nghiêm trọng. “Chúng tôi kiến nghị sửa đổi, làm rõ hơn để có thể xử lý răn đe. Ở nhiều nước người ta quy định rất chi tiết, cụ thể, còn ở ta vẫn xử lý theo lỗi “vô ý làm chết người””, Thượng tá Nhật nhấn mạnh.

Hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ, nhóm hành vi vi phạm liên quan nồng độ cồn còn thấp, không đủ sức răn đe. Luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Công ty Luật 360), cho rằng, mức xử phạt cao nhất hiện hành là phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng là chưa đủ. Dù mỗi quốc gia trên thế giới có một biện pháp chế tài riêng nhưng nhìn chung đều là phải bảo đảm tính nghiêm minh, theo các mức từ phạt tiền, truy tố, phạt tù, cho đến tước bằng lái suốt đời. Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ, dẫn ra thực tế, tại các nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù. Điều đó giúp ý thức tham gia giao thông được nâng lên.

Ở góc độ quản lý ngành dọc, Bộ Giao thông vận tải đang xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi Nghị định 46, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn Giao thông, cho biết: Nhóm hành vi liên quan nồng độ cồn, chúng tôi đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20 đến 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Một số ý kiến khác, cho rằng: “Sau hai lần tước có thời hạn thì nên tước quyền vĩnh viễn, không được lái xe”.

Tăng mức chế tài thế nào, chắc chắn sẽ phải được các nhà lập pháp nghiên cứu cụ thể bởi độ tác động của nó đối với xã hội rất lớn. Nhưng luật pháp cần phải bám sát thực tế, phải làm sao tạo được khuôn khổ để nâng cao ý thức tuân thủ giao thông của người dân cũng như bảo đảm tính nghiêm minh trong hành pháp của các lực lượng chức năng.

Trước mỗi tai nạn, chúng ta đều day dứt, nhưng day dứt thôi chưa đủ, mà cần phải chung sức hành động để tai nạn giao thông không trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông và hệ lụy đối với xã hội.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình TNGT, Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng công an và địa phương phối hợp thực hiện từ ngày 20-4 cho đến hết ngày 20-12-2019 trên tất cả các tuyến giao thông.