Ðồng bằng sông Cửu Long

Chuyển đổi để thích nghi với hạn - mặn

Mùa lũ năm nay đến chậm ở đồng bằng sông Cửu Long. Ðã sang tháng 9, mực nước sông Mê Công vẫn thấp so trung bình nhiều năm, gây ra nhiều khó khăn trong công cuộc mưu sinh của người dân và kéo theo nguy cơ hạn - mặn vào đầu năm 2020. Thực tế này đặt ra đòi hỏi cần có những giải pháp cấp bách trước mắt cho riêng những năm cực đoan như năm 2019 và giải pháp toàn diện, tổng thể về lâu dài cho khu vực này.

Mùa lũ về muộn làm suy giảm nguồn thủy sản tự nhiên, khiến cuộc mưu sinh của nhiều người dân gặp khó. Ảnh: BÙI GIANG (TTXVN)
Mùa lũ về muộn làm suy giảm nguồn thủy sản tự nhiên, khiến cuộc mưu sinh của nhiều người dân gặp khó. Ảnh: BÙI GIANG (TTXVN)

"Mùa nước nổi" 2019 khác thường, vì sao?

Nguyên nhân của hiện tượng trên là do lưu vực sông Mê Công có thể chia làm hai đoạn gồm: thượng lưu vực chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực từ Lào xuống bờ biển đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Ở đoạn thượng lưu vực, sông Mê Công được gọi là Lan Thương Giang. Phần thượng lưu vực, dù rất dài nhưng lại hẹp, nên đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16%, và Mi-an-ma đóng góp 2%. Phần hạ lưu vực, phía tả ngạn ở Lào đóng góp đến 35%, phần Thái-lan và Cam-pu-chia phía hữu ngạn đóng góp 18% mỗi nơi, còn lại 11% là lượng mưa từ Tây Nguyên đổ xuống và tại chỗ ở ÐBSCL. Có thể nói, lượng mưa ở hạ lưu vực từ Lào trở xuống quyết định rất lớn đến lượng nước ở ÐBSCL (chiếm đến 82% tổng lượng trung bình 475 tỷ m3/năm). Lượng nước mưa này lại phụ thuộc lớn vào thời tiết, khí hậu trong đó quan trọng là El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2-7 năm. Từ đầu năm đến nay, do El Nino diễn ra nên lượng mưa ở Lào và đông bắc Thái-lan rất thấp dẫn đến tình trạng mực nước sông Mê Công thấp kỷ lục như vậy. Do đó, nguyên nhân số một của mực nước thấp là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay.

Về ảnh hưởng của thủy điện đối với lượng nước về hạ lưu thì thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích và xả ra phát điện, do đó tổng lượng nước không thay đổi nhưng việc tích, xả làm thay đổi thời gian lưu lượng của dòng chảy. Ðối với những năm khô hạn, các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy tua-bin. Trong một chuỗi đập thì đập bên dưới phải chờ đập trên xả, tích cho đủ cột nước rồi mới xả cho đập bên dưới nữa, nên nước chậm về hạ lưu hơn so với bình thường. Hiện nay chúng ta đang trong loại năm khô hạn, do đó các đập thủy điện tích nước đang làm cho tình hình tồi tệ thêm. Thủy điện là nguyên nhân thứ hai làm cho tình trạng khô hạn càng nghiêm trọng hơn khi gặp điều kiện thời tiết bất thường. Cần nói thêm, tác động chính của thủy điện Mê Công là làm giảm lượng phù sa và cát, gây ra sạt lở nghiêm trọng ở ÐBSCL và nhiều hệ lụy khác.

Chuyển đổi để thích nghi với hạn - mặn ảnh 1

An Giang đang triển khai dự án "Nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu". Ảnh: VŨ SINH

Khi nước lũ về muộn

Trước mắt, do mùa nước nổi năm nay về chậm, bà con nông dân nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm càng xanh, cá lóc đang gặp khó khăn vì nước không tràn đồng. Nhiều người đã bỏ vốn đầu tư nuôi con giống trong ao, chuẩn bị thả ra đồng khi nước lên, nhưng nếu nước không ngập đồng thì không thả ra được. Hoặc nếu thả thì phải bơm nước, nhưng nước bơm lên không phải là nước lũ và không có thức ăn tự nhiên trong đó, nên chi phí thức ăn tăng cao.

Mùa lũ về muộn cũng sẽ làm cho nguồn thủy sản tự nhiên suy giảm, cuộc mưu sinh của nhiều người dân trông chờ vào đánh bắt thủy sản tự nhiên gặp khó. Ngoài ra, các làng nghề làm ngư cụ đánh bắt thủy sản mùa lũ như làng làm lưới, làm lọp để bán mùa nước nổi cũng bị ảnh hưởng theo. Nhiều người đã phải bỏ làng lên thành phố tìm việc làm.

Ðáng lo nhất, nếu tình hình mưa ít vẫn kéo dài thì sang khoảng tháng 3-2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ tiến sâu vào đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Một ảnh hưởng nữa đó là khi dòng chảy sông Mê Công yếu thì lượng bùn cát về năm nay sẽ rất ít, đồng bằng sẽ càng thiếu hụt phù sa, bùn cát và gia tăng sạt lở trong những năm sau.

Chủ động, "thuận thiên" để giảm thiệt hại

Ðể chủ động ứng phó với những năm thời tiết cực đoan như năm nay và có kế hoạch toàn diện, tổng thể cho ÐBSCL, nhằm giảm tác động tiêu cực của tình trạng hạn - mặn, cần cấp thiết xây dựng và triển khai một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Nếu tình hình hạn - mặn cực đoan diễn ra vào đầu năm 2020, giải pháp tốt nhất là cảnh báo sớm để người dân "né" ảnh hưởng bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ để tránh thiệt hại. Kinh nghiệm từ năm 2016 cho thấy, hiện vẫn chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả để đối phó những năm khô hạn cực đoan. Các công trình cống đập ngăn mặn cũng không có tác dụng ngăn mặn,khi bên trong không đủ nước thì mặn vẫn ngấm vào đất gây nhiễm mặn. Ðối với nước sinh hoạt vùng ven biển, nếu được cảnh báo sớm, người dân hoàn toàn có thể chủ động tích trữ nước sinh hoạt theo kinh nghiệm nhiều thế hệ ở vùng này, cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Về lâu dài, trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó đoán về thời tiết, khí hậu, để ÐBSCL phát triển bền vững thì cần đặt ra hai mục tiêu. Thứ nhất, phục hồi sức khỏe nội tại của hệ thống tự nhiên của ÐBSCL và thứ hai là điều chỉnh loại bỏ những loại hình canh tác nhiều rủi ro. Cả hai mục tiêu này đều đã được đề cập trong nội dung Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Liên quan vấn đề phục hồi sức khỏe ÐBSCL bằng cách khôi phục không gian cho dòng sông, cần nhìn nhận thực tế từ gần 20 năm trước, khi phần lớn diện tích ÐBSCL từ vùng lúa ba vụ ở các tỉnh thượng nguồn cho đến vườn cây ăn trái ở miệt vườn vùng giữa đồng bằng được đắp đê bao khép kín không cho lũ vào. Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông, không vào được ruộng vườn, rồi chảy tuột ra biển. Các thành phố và lộ giao thông ở vùng giữa đồng bằng, từ khoảng quốc lộ 1 trở ra biển bị ngập nặng vì đó là những nơi không có đê bao. Ðến mùa khô, khi mực nước sông Mê Công hạ thấp thì đồng bằng cũng chẳng còn nước, do nước đã bị tống ra biển hết vào mùa nước.

Chính vì vậy, việc khôi phục không gian của dòng sông để nước có thể vào lại ruộng đồng nên bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười. Lũ vào được hai vùng này thì các địa phương cuối nguồn sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược, như vậy sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn lấn sâu.

Theo tinh thần "thuận thiên" của Nghị quyết 120, cần chọn lọc, loại bỏ những kiểu và những nơi canh tác nhiều rủi ro, phát triển những kiểu canh tác bền vững. Không nên cố ngọt hóa những vùng mặn để canh tác ngọt, vì sẽ tiềm ẩn rủi ro cao. Ðó là vì những vùng nhiễm mặn ở ÐBSCL như ở bán đảo Cà Mau, mặn đã nhiễm từ trong đất. Vùng này có được sáu tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống, đất bên dưới vẫn là đất nhiễm mặn. Trong những năm khô hạn, lượng mưa ít và dòng chảy sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn, vùng đất bên trong vẫn mặn vì không đủ lượng nước ngọt bên trên. Riêng đối với nước sinh hoạt thì cần giải quyết bằng biện pháp khác như xây dựng hệ thống cấp nước từ xa và các công trình dự trữ nước cho sinh hoạt.

THS NGUYỄN HỮU THIỆN

THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ: VŨ MAI HOÀNG, PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGHĨA NAM