Chậm trễ sẽ phải trả giá!

Quy hoạch khảo cổ là câu chuyện đã được giới khảo cổ xới lên từ… 10 năm trước, và đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, năm 2010). Càng chậm trễ, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho những mất mát không thể phục hồi. Trong khi, việc xây dựng quy hoạch không thể là việc của ngày một, ngày hai…- PGS, TS Bùi Văn Liêm (ảnh bên), Phó Viện trưởng Khảo cổ học, chia sẻ trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Nhà dân được xây trên khu vực thành trung ở Cổ Loa.
Nhà dân được xây trên khu vực thành trung ở Cổ Loa.

- Thưa ông, số phận khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội. Là trưởng đoàn khai quật khẩn cấp, ông có thể cho biết những kết quả bước đầu, và dự kiến đề xuất ứng xử với khu di chỉ này?

- Có được Quyết định khai quật Vườn Chuối là sự nỗ lực lớn của TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT - DL), các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhân dân và công luận... Hiện chúng tôi đã khai quật được 350m2/500m2 cho phép trong đợt này (đây là diện tích lớn nhất trong tất cả các lần khai quật ở Vườn Chuối). Bước đầu, qua một số hố khai quật và thám sát, chúng tôi đã biết được diễn biến của địa tầng Vườn Chuối phát triển liên tục từ Đồng Đậu, đến Gò Mun, đến Đông Sơn và cả giai đoạn muộn hơn, sau Công nguyên. Chúng tôi cũng đã phát hiện một số mộ táng Đông Sơn, tư liệu quý về đồ đồng, đồ đá và đặc biệt là đồ gốm. Kết hợp với các nhà địa chất, khảo cổ học môi trường, chúng tôi sẽ lấy các mẫu bào tử phấn hoa để phân tích, tìm hiểu môi trường thời đó và trước đó. Môi trường bao giờ cũng là yếu tố rất quan trọng, vì môi trường tạo nên quần thể động, thực vật, và sự tương tác của con người vào môi trường ấy thì tạo nên văn hóa.

Chậm trễ sẽ phải trả giá! ảnh 1

Mũi tên đồng và lẫy nỏ Cổ Loa. Ảnh: VƯƠNG ANH


Việc nữa chúng tôi cũng cần phải quan tâm làm rõ là tìm xem vùng lõi, vùng đệm và vùng phụ cận của di chỉ Vườn Chuối ở đâu, để xây dựng nên hồ sơ trọn vẹn sau chín lần khai quật, và sẽ có những hội thảo khoa học, quảng bá và xuất bản các nghiên cứu về Vườn Chuối. Tổng hợp tất cả các tư liệu khoa học đó, chúng tôi sẽ kiến nghị lên thành phố Hà Nội và Bộ VH - TT - DL, để phần nào đó của di chỉ Vườn Chuối phải được bảo tồn tại chỗ, để tạo nên chứng tích sống về một giai đoạn lịch sử của vùng đất này. Đó là nguyện vọng của các nhà khoa học cũng như của nhân dân địa phương.

- Vườn Chuối là địa danh khảo cổ vốn đã nổi tiếng từ rất lâu rồi, nhưng vì sao lại để chồng quy hoạch khu đô thị lên trên di tích, để đến mức phải tiến hành khai quật “chữa cháy”?

- Nguyên nhân căn bản là do chúng ta chưa có quy hoạch khảo cổ học nên chúng ta không có tầm nhìn. Và thực tế, vì nó nổi tiếng như vậy nên tất cả các nhà khoa học không ai nghĩ là Vườn Chuối sẽ mất. Chúng tôi đều nghĩ, Vườn Chuối vẫn còn đấy, còn tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đề xuất để có những đối xử hợp lý với một di chỉ khảo cổ quan trọng như vậy. Chỉ đến khi cách nay khoảng gần chục năm, thì dự án Kim Chung - Di Trạch xuất hiện, dư luận bắt đầu lên tiếng, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và nhân dân mới bắt đầu vào cuộc. Nhưng thực tế là sự vào cuộc của tất cả chúng ta một cách quyết liệt với Vườn Chuối thì thật sự là chưa có. Theo nhận thức của tôi, thì các nhà khoa học, nhà quản lý các cấp có liên quan cần phải nhận khuyết điểm về cách đối xử với Vườn Chuối. Các nhà khoa học cũng không thể vô can được. Cần phải nhìn nhận quyền lợi khoa học với Vườn Chuối là như thế nào? Di chỉ này hàm chứa các tư liệu vật chất để chứng minh quá trình hình thành dân tộc Việt Nam cũng như nhà nước sơ khai ở bắc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

Chậm trễ sẽ phải trả giá! ảnh 2


Cần nhìn nhận một thực tế là những di tích khảo cổ học như Vườn Chuối ở Hà Nội hiện còn không nhiều. Chúng ta từng có Đình Tràng - nơi phát hiện các tầng văn hóa từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu cho đến Đông Sơn - nay đã thành một con đường, không còn dấu vết di tích nữa. Ngay cạnh Vườn Chuối có di chỉ Vinh Quang - một di chỉ Đông Sơn rất điển hình cũng đã không còn, bởi sự xâm hại của cư dân hiện đại.

Ở giai đoạn muộn hơn nữa, Hà Nội còn nhiều di chỉ khác. Như Cổ Loa, dù đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, có sự phát triển liên tục từ Bãi Mèn, lên đến Đông Sơn, nhưng cách đối xử với di tích này cũng chưa thật sự thích hợp. Ngay trong khu vực ba vòng thành vẫn có người dân sinh sống, các hoạt động như trồng cây lâu năm, xây dựng nhà kiên cố trong khu vực bảo vệ đặc biệt vẫn có thể diễn ra mà không có sự kiểm soát, hạn chế.

- Rõ ràng, Vườn Chuối đã có được số phận may mắn hơn nhiều di chỉ khảo cổ khác. Vậy theo ông, cần phải làm gì để không còn tái diễn những cuộc khai quật khẩn cấp như thực trạng suốt nhiều năm nay?

- Điều quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là phải xây dựng được quy hoạch khảo cổ. Khi đó, mọi ứng xử được căn cứ theo quy định của pháp luật. Việc chậm trễ trong xây dựng quy hoạch khảo cổ dẫn đến những hệ lụy trong tầm nhìn và nhận thức. Xây dựng Quy hoạch khảo cổ sẽ tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo tồn được giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.

Tất nhiên, việc xây dựng quy hoạch thì phải tốn một khoảng thời gian, và đòi hỏi phải có nguồn lực: bao gồm nhân lực, vật lực và sự đồng thuận. Vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với Hà Nội cho chúng tôi thống kê các di tích khảo cổ học trước đã. Chỉ cần nhìn vào bản đồ khảo cổ học là có thể hình dung cơ bản rồi.

Phải bắt đầu từ nhận thức. Tư duy như thế nào thì ra sản phẩm như thế. Hiện nay, sự ứng xử với các di chỉ khảo cổ luôn luôn chậm, và luôn luôn lạc hậu.

Nếu không có tầm nhìn thì sẽ phải trả giá rất đắt khi có những thay đổi. Bởi như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Sẽ đến lúc chúng ta có hàng trăm nhà máy xi-măng, nhưng di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh thì chỉ có một thôi. Thực tế hiện nay đã chứng minh điều đó.