Cảnh giác nhưng không run sợ

Trao đổi cùng phóng viên Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS Trần Đắc Phu (trong ảnh), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, bày tỏ quan ngại về những “lỗ hổng” trong công tác cách ly sẽ khiến nguy cơ ổ dịch này chưa dập xong, ổ dịch khác lại xuất hiện trở nên hiện hữu.

Cảnh giác nhưng không run sợ

- Ông nhìn nhận thế nào về nguy cơ lây lan chủng biến thể mới của SARS-CoV-2 tại các địa phương? Làm sao để phát hiện sớm các ổ dịch, thưa ông?

- Không riêng gì Việt Nam mà hiện nhiều nước trên thế giới đã có động thái rất mạnh để ngăn chặn sự lây lan của chủng mới của SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Với tốc độ lây lan nhanh hơn tới 70% so với chủng cũ; nếu không được phát hiện sớm và có những biện pháp cách ly kịp thời, để ca bệnh lây lan trong cộng đồng sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt, là những khu vực nhạy cảm như bệnh viện và đối với những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền.

Thực tế cho thấy biến thể SARS-CoV-2 không chỉ có ở tâm dịch Hải Dương, mà các tỉnh đều có nguy cơ. Công tác chống dịch thời gian qua cho thấy, quy trình giao - nhận người sau khi trở về từ khu cách ly, theo dõi y tế tại địa phương vẫn còn kẽ hở khi một số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm chính thức nhưng đã bàn giao về các địa phương. Chưa kể, chủng vi-rút mới có thể xâm nhập từ bên ngoài. Do đó, cách tốt nhất vẫn là kiểm soát tốt đường mòn, lối mở, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt công tác nhập cảnh, cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, tránh xảy ra các “lỗ hổng” trong công tác cách ly như thời gian qua. Về phía người dân, cần phải cảnh giác, trở thành một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế, khai báo y tế chính xác, không nhập cảnh trái phép.

- Liệu trong thời gian tới, công tác xét nghiệm phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng có cần phải đổi mới phương thức tiến hành?

- Để phát hiện các ổ dịch cộng đồng, xét nghiệm tầm soát là giải pháp. Điều đó bao gồm xét nghiệm các ca chỉ điểm như người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; xét nghiệm ngẫu nhiên; xét nghiệm người theo truy vết từ các ổ dịch trên cả nước. Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát sự lây lan của các ổ dịch, cần triển khai xét nghiệm Covid-19 diện rộng với trường hợp nghi ngờ và xét nghiệm theo hộ gia đình tại khu dân cư có ca nhiễm mới, như cách đã kiểm soát tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh hay Đà Nẵng trước đây. Theo đó, người được xét nghiệm là cá nhân đại diện cho từng hộ gia đình chưa được xét nghiệm tại các khu dân cư, là chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình, là người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất trong hộ gia đình (người có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây; người có tiếp xúc với nhiều người trong xã hội; hộ có công nhân, sinh viên thuê trọ; hộ có đông nhân khẩu...).

Đối với người có biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi trong 14 ngày ở khu dân cư có ca bệnh từng phát hiện nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm... sẽ không lấy mẫu tại điểm tập trung mà phải được đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh để lấy mẫu xét nghiệm ngay.

- Vắc-xin Covid-19 vẫn là giải pháp bền vững nhất, song trong bối cảnh chưa cung ứng đủ nguồn, sẽ phải tiếp tục kiểm soát dịch bệnh bằng cách nào, thưa ông?

- Trước hết vẫn phải làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch. Về phía người dân, kể cả trường hợp đã được tiêm vắc-xin vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế bởi kháng thể chống lại vi-rút chỉ sản sinh khi tiêm mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai, phải coi người dân như chưa được tiêm vắc-xin.

- Ông có thể đưa ra dự báo về dịch Covid-19 trong thời gian tới? Phải làm sao để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa bảo đảm cuộc sống người dân và phát triển kinh tế? 

- Dịch bệnh có thể còn kéo dài, không thể khẳng định chắc chắn thời điểm Việt Nam hết ca bệnh. Tuy vậy, cảnh giác không có nghĩa run sợ, bởi chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Hà Nội) tới Đà Nẵng và giờ là Hải Phòng, Quảng Ninh.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bùng phát, chiến lược xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng được áp dụng tùy theo dịch tễ vẫn cần được duy trì. Bên cạnh đó, khi có ca bệnh tại cộng đồng, chúng ta không thể phong tỏa nơi nguy cơ suốt thời gian dài như trước nữa mà cần linh hoạt. Nơi nào loại trừ nguy cơ thì gỡ phong tỏa, nới lỏng giãn cách. Quan trọng nhất là đáp ứng mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định cuộc sống người dân, phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rằng việc thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng và 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) là nhiệm vụ của mỗi người nhằm chiến thắng đại dịch, ổn định sản xuất, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

- Xin cảm ơn ông!