Cẩn trọng với bẫy "không kịp lớn"

Mấy năm gần đây chúng ta có thêm nhiều doanh nhân ghi tên mình vào danh sách những tỷ phú giàu của thế giới. Mặc dù đóng góp của khối kinh tế tư nhân (KTTN) đã vượt quá 43% GDP, nhưng số lượng DN lại chiếm hơn 70% trong tổng số 714.000 DN đang hoạt động.

 Biểu đồ: ĐÀO HƯNG. Nguồn Tổng cục Thống kê.
Biểu đồ: ĐÀO HƯNG. Nguồn Tổng cục Thống kê.

Ðiều đó cũng có nghĩa là phần lớn các DN tư nhân vẫn hết sức nhỏ bé, nguồn lực ít ỏi, giá trị thấp.

Rào cản vô hình

Sự khó khăn, yếu kém của các DN tư nhân được cho là nằm ở tư duy và cơ chế chính sách. Ðó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn KTTN hồi tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, tại một diễn đàn khác do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN Việt (nói chung) không phải nằm ở khung pháp lý, mà là vấn đề thực thi pháp luật và năng lực quản trị.

Nghị quyết số 10-NQ/TW "Về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã thực thi được hai năm. Luật Doanh nghiệp và các khung pháp lý liên quan kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam thuộc nhóm cởi mở nhất trên thế giới. Vấn đề khó khăn thật ra lại nằm ở cấp thực thi pháp luật và vận hành cơ chế, trực tiếp tạo ra những rào cản vô hình cho DN.

Sự bất cập đầu tiên là khả năng tiếp cận nguồn lực nhà nước. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư công… góp phần dẫn đến những đại án lớn, nguồn cơn của sự phân hóa lớn giữa các DN tư nhân.

Vấn đề thứ hai là sự máy móc và cứng nhắc trong các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các chính sách về đấu thầu, khiến lãng phí thời gian không nhỏ của các DN. Hậu quả của rào cản kỹ thuật trong chính sách đấu thầu là sự không minh bạch, tiêu cực bất đắc dĩ và tiêu tốn nguồn lực của tất cả các bên tham gia.

Một khó khăn khác nữa là năng lực vận dụng chính sách của cán bộ, công chức trong việc theo dõi và quản lý DN tư nhân. Vẫn tồn tại hiện tượng gây khó khăn đối với hoạt động của DN. Một phần nguyên nhân của thái độ này là thói quen lách luật của các DN, nhưng cũng một phần là do trình độ hiểu biết và vận dụng chính sách rất khác nhau giữa các cán bộ, công chức. Cùng một vấn đề nhưng cách giải quyết có thể khác nhau.

"Nội soi" điểm yếu của DN

Ðối với vấn đề quản trị, có lẽ đây chính là điểm yếu then chốt của hầu hết các DN tư nhân. Phần lớn các chủ DN đều là các nhà chuyên môn đi lên, chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh. Thói quen vận hành theo cơ chế gia đình, với một quy mô nhỏ, đã ăn sâu vào phong cách quản lý ngay cả khi DN đã lớn, quy mô nghìn tỷ và số lượng nhân viên lên đến cả nghìn người. Sự ôm đồm, giám sát từng chi tiết và thiếu vắng cơ chế phân quyền là nguyên nhân chính DN không thể lớn được. Tư duy đó cũng hạn chế chủ DN thuê được các nhà quản trị giỏi, có năng lực, được đào tạo bài bản.

Nhiều DN rơi vào cái bẫy "không kịp lớn" với quy mô tăng trưởng quá nóng. Cơ hội mở rộng thị trường và quy mô sản xuất khiến cho DN liên tục mở rộng, nhưng bộ máy quản trị không kịp phát triển theo. Lỗ hổng lớn của lớp quản trị cấp trung là điểm yếu của hầu hết các DN thuộc loại này. Trong một hội thảo nhỏ gần đây, bà Nguyễn Quỳnh Trang, Giám đốc Marketing của IBM Việt Nam cho biết, tập đoàn này áp dụng một chính sách chung trên toàn thế giới, gọi là kế hoạch kế nhiệm, theo đó, mỗi năm, bất cứ một nhà quản lý cấp trung nào cũng phải đề xuất một người có khả năng thay thế mình, với một kế hoạch đào tạo, chuyển giao cụ thể. Ðiều này chưa được coi trọng ở các công ty tư nhân Việt Nam.

Ðiểm yếu nghiêm trọng hơn có lẽ là vốn. DN càng lớn thì khả năng tiếp cận nguồn vốn càng dễ dàng. Nhưng đối với phần lớn các DN vừa và nhỏ, nguồn vốn luôn là bài toán đau đầu nhất. Vẫn còn rất thiếu các quỹ đầu tư tín chấp cho phép các DN có ý tưởng và kế hoạch kinh doanh hấp dẫn có thể tiếp cận.

Sự yếu kém về vốn đầu tư dẫn đến điểm yếu thứ ba, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Dòng chảy chất xám đổ về các DN lớn, có tiềm lực tài chính dồi dào, hoặc tràn ra khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí là ra khỏi biên giới. Hiện nay, nói rằng Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ thì không còn đúng nữa, ít nhất là đối với nhân sự tay nghề cao. Bà Tuệ Nguyễn, Giám đốc Công ty tư vấn và tìm kiếm nhân sự cấp cao RGF Research đưa ra thí dụ, nguồn cung nhân lực cho ngành marketing để đáp ứng các nhu cầu ngày một cao đang khan hiếm, mà mặt bằng lương lại thuộc loại nhỉnh hơn hầu hết các nước Ðông-Nam Á. Ðó sẽ còn là bài toán khó giải cho các DN tư nhân.

Không thể phủ nhận bức tranh KTTN đang khởi sắc, về cả số lượng lẫn chất lượng, nhưng những vấn đề nội tại của nó sẽ vẫn là những rào cản ước vọng cất cánh. Nếu không được hóa giải, có thể giấc mơ về sự kỳ diệu của KTTN sẽ phải rất lâu mới thành hiện thực.

LÊ QUỐC VINH

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Lê Đức Nghĩa