Cần sự chủ động từ các địa phương

Thời gian gấp, khối lượng công việc nhiều, sự khác biệt giữa các vùng miền là những trở ngại lớn trong quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC) đáp ứng yêu cầu đổi mới. Song, nhiều địa phương đã chủ động tháo gỡ dần khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động giáo dục.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Thượng Phùng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tổng duyệt lễ khai giảng. Ảnh: NGUYỄN CHIẾN (TTXVN)
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Thượng Phùng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tổng duyệt lễ khai giảng. Ảnh: NGUYỄN CHIẾN (TTXVN)

Huy động nguồn lực

Điện Biên, một trong những tỉnh thuộc miền núi phía tây bắc Tổ quốc, năm học mới này cũng phải đối mặt việc còn nhiều phòng học tạm, số lượng phòng học, trang thiết bị dạy học thiếu so với quy định hiện nay. Được biết, cho dù để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, xây mới, sửa sang trường lớp phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào năm 2020-2021, tỉnh này đã dùng nguồn vốn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hợp pháp khác; nhưng vẫn sẽ là rất khó khăn, bởi lẽ chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo giai đoạn, cũng như ngân sách địa phương còn hạn hẹp, trong khi nguồn xã hội hóa gần như không có. Đây là những khó khăn không chỉ riêng Điện Biên gặp phải.

Trong khi đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ninh được cho là khá chủ động trong chuẩn bị CSVC, song cũng vẫn gặp không ít lúng túng. NGƯT Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Các địa phương trong tỉnh đã rất tích cực chuẩn bị CSVC, thiết bị dạy học (TBDH), đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Như ở huyện Tiên Yên gần 10 cơ sở giáo dục được đầu tư sửa chữa, xây mới CSVC. Các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và thị xã Đông Triều, huyện Quảng Yên... đều tích cực chuẩn bị sẵn CSVC, TBDH cho năm học mới. “Quan điểm là thiếu đến đâu lo đến đó, huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo đảm CSVC cho năm học mới”, tuy thế bà Oanh cũng chia sẻ thêm: “Sẽ không khỏi khó khăn về việc thiếu phòng học và giáo viên do thực hiện tinh giản biên chế”.

Rõ ràng, huy động nguồn lực đầu tư vào CSVC, TBDH không chỉ là giải pháp tình thế mà nó sẽ luôn cần được phát huy trong cả quá trình đổi mới giáo dục, nhất là ở các địa phương, do địa phương chủ động. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô lại đang đòi hỏi một sự đồng bộ, thống nhất, hướng dẫn cụ thể cả về chuẩn bị CSVC, chương trình - sách giáo khoa, đồng thời với cơ chế tuyển dụng giáo viên.

Chủ động, linh hoạt

Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận là, cần tăng cường sự chủ động từ các địa phương, không chỉ trong xây dựng trường lớp mà cả trong mua sắm trang thiết bị, sao cho vừa đúng quy định vừa sát nhu cầu thực tế dạy và học, tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu gây lãng phí.

Để chuẩn bị cho năm học mới này, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng thêm hơn 1.400 phòng học mới, trong đó xây thay thế hơn 200 phòng học, chủ yếu vẫn là ở những địa bàn có số học sinh tăng cơ học cao như các quận 9, 12, Tân Bình, Thủ Đức,… Thống kê cho thấy, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng hơn 75.000 học sinh so năm học trước.

Tại tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, năm học mới 2019 - 2020 các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh có sĩ số học sinh ổn định, trường lớp được địa phương triển khai củng cố ngay trong thời gian học sinh được nghỉ hè. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã phối hợp Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Đồng Nai đưa hàng chục nghìn đầu sách giáo khoa, đồ dùng học tập được UBND tỉnh trợ giá về cung cấp cho các trường ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy có thể khẳng định đến thời điểm này tình hình trường lớp đã ổn định, sách vở cũng không thiếu cho năm học mới.

Tuy nhiều địa phương đã chủ động trang thiết bị phục vụ năm học mới, nhưng đấy mới chỉ là phục vụ cho năm học 2019-2020. Không ít lãnh đạo ngành giáo dục địa phương còn chưa yên tâm khi phải chờ hướng dẫn từ cấp trên, chờ Bộ GD&ĐT ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới. Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị, muốn chuẩn hóa trường học, Bộ GD&ĐT nên quy định rõ những điều kiện cần thiết, ví như tiêu chuẩn nhà đa năng, sân tập cụ thể như thế nào. Từ đó, các địa phương biết để tính toán, cần phải đầu tư cái gì trước, cái gì sau. “Chúng ta kế thừa thiết bị cũ là đúng nhưng khi áp dụng dạy học công nghệ, tích hợp phải có thiết bị mới, phù hợp. Năm 2020-2021 bắt đầu áp dụng đổi mới từ lớp 1 thì cần mua trước những gì, những năm sau đó tiếp tục đổi mới từ lớp 2, lớp 6 và những năm tiếp theo lộ trình mua sắm những gì phải có kế hoạch, danh mục rõ ràng”, ông Quý nói.

Từ thực tế trên có thể thấy, tuy còn nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị CSVC, TBDH, nhưng nếu mỗi địa phương chủ động đề xuất việc tạo cơ chế đặc thù, phát huy tinh thần sáng tạo dựa trên đặc điểm của chính địa phương ấy sẽ cho những kết quả khả quan, tích cực.