Cần đến thước đo chất lượng

Nhấn mạnh đến việc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng TS Lưu Thu Thủy (ảnh nhỏ) - Nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục phổ thông (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) không quên đưa ra khuyến nghị: Cần sớm có quy chuẩn cho việc giáo dục nội dung quan trọng này!

Cần đến thước đo chất lượng

- Thưa bà, vì sao Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã có một văn bản yêu cầu triển khai giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, nhưng cho đến nay hệ thống giáo dục vẫn chưa có môn học dành riêng cho kỹ năng sống?

Việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh, trong hệ thống nhà trường đúng là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải đưa KNS trở thành một môn học riêng trong nhà trường. Theo UNICEF, tính đến năm 2010 đã có 155 quốc gia trên thế giới quan tâm việc đưa giáo dục KNS vào nhà trường. Song, chỉ có rất ít quốc gia có môn học riêng về KNS. Ðể tránh sự quá tải cho học sinh, phần lớn các nước lựa chọn hai phương thức: Thứ nhất, tích hợp KNS vào một vài môn học (chủ yếu là các môn khoa học xã hội và nhân văn như: Giáo dục công dân (GDCD), Giáo dục sức khỏe, Giáo dục quyền con người…) và hoạt động giáo dục có tiềm năng; Thứ hai là tích hợp vào nhiều hoặc tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Những năm vừa qua, một số nội dung KNS đã được tích hợp vào trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) các môn học: Ðạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Khoa học, GDCD,… Ðồng thời, thông qua việc sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, giáo viên (GV) dạy các môn học khác cũng có thể tạo cơ hội cho học sinh được rèn luyện các KNS cần thiết.

- Hiện nay, đội ngũ giáo viên đã quá tải với công tác chuyên môn, giờ dạy tích hợp cả nội dung KNS liệu có phải cách làm thuyết phục không, thưa bà?

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc giáo dục KNS cho HS rất được chú trọng. Dạy KNS cho HS không phải là việc "kiêm nhiệm", "phải tải thêm ngoài chuyên môn" đối với GV một số môn học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mà đó chính là nhiệm vụ chuyên môn của họ bởi KNS đã trở thành một bộ phận nội dung được quy định trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục này.

Tuy nhiên, để giáo dục trong nhà trường có chất lượng, ngoài việc quy định rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt trong chương trình hoạt động trải nghiệm/hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và các môn học có liên quan, Bộ GD&ÐT còn cần phải quản lý, chỉ đạo chặt chẽ việc biên soạn và thẩm định SGK; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho GV; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và các điều kiện cần thiết khác cho công tác này.

- Bà vừa đề cập đến các điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy KNS trong nhà trường. Ngoài ra, còn cần đến những quy định, hay chế tài gì để quản lý chất lượng đào tạo của các trung tâm, các khóa học đang mở ra tràn lan?

Hiện nay, các trung tâm giáo dục KNS, các khóa học KNS đang được mở tràn lan ngoài xã hội. Trong số đó, cũng có những trung tâm dạy tốt nhưng cũng có những trung tâm chưa bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, để quản lý chất lượng đào tạo của các trung tâm này, Bộ GD&ÐT cần quy định Chương trình khung về giáo dục kỹ năng sống cho từng lứa tuổi, cấp học. Ðồng thời cần có những quy định về tiêu chuẩn giáo viên dạy KNS ở các trung tâm; quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị; về khung học phí, đánh giá kết quả và phát chứng chỉ sau khóa học cho học sinh; quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục này. Và một điều quan trọng nữa là cần có chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm các quy định trên.

- Trong bối cảnh hiện nay, bà có lời khuyên như thế nào đối với các phụ huynh trong việc dạy KNS cho trẻ em?

Theo tôi, các bậc cha mẹ trước hết cần gương mẫu trong lời nói, hành động, cách ứng xử…; quan tâm, gần gũi với con cái; lắng nghe những suy nghĩ của con; tận tình hướng dẫn con cách suy nghĩ, sống và ứng xử phù hợp trong cuộc sống hằng ngày. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với các thầy, cô giáo để nắm bắt được những tâm tư, tình cảm, khó khăn… của con trẻ để có biện pháp động viên, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các em kịp thời.

Nếu muốn cho con tham gia các khóa học KNS, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về các trung tâm. Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các thầy, cô giáo; tham khảo ý kiến đánh giá các phụ huynh và HS đã từng học KNS ở đó. Nếu có điều kiện, các bậc phụ huynh nên tham gia dự thính một vài buổi học với trẻ em, như vậy sự đánh giá sẽ càng cụ thể, chính xác hơn.

- Xin cảm ơn bà!