Thí điểm Mobile-Money

Cần bảo đảm an toàn, bảo mật

Hơn một tháng sau khi Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), mới đây, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cùng ký vào bản quy chế phối hợp về quản lý nhà nước đối với dịch vụ này. Tuy góp phần “bình dân hóa” dịch vụ tài chính số với nhiều tiện ích trong giao dịch, thanh toán, nhưng đây cũng là dịch vụ có thể mang đến những rủi ro khó lường.

Tính năng của Mobile-Money
Tính năng của Mobile-Money

Nhỏ nhưng “có võ”
 
 Mobile-Money (MM) là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, sử dụng sim chính chủ. Người dân không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng có thể đăng ký và dùng dịch vụ để thanh toán hóa đơn, dịch vụ, rút tiền mặt, chuyển tiền giữa các loại tài khoản với tổng giá trị lên đến 10 triệu đồng/tháng. Không chỉ để thanh toán, rút tiền mặt, người dùng MM có thể chuyển tiền giữa các tài khoản MM trong cùng hệ thống (của đơn vị cung cấp dịch vụ); chuyển tiền giữa tài khoản MM với tài khoản ngân hàng; giữa tài khoản MM với ví điện tử.
 
 Theo quy định mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản MM tại một doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ. Quy định cũng cho phép khách hàng không cần gặp trực tiếp khi mở tài khoản MM. Vì người sử dụng không cần thông qua tài khoản ngân hàng nên việc kiểm soát “dòng tiền” của MM không dễ dàng. Một trong những lo ngại lớn nhất của cơ quan quản lý là người sử dụng MM để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trong khi đó, việc kiểm soát dòng tiền của MM phụ thuộc vào khả năng của DN (cung cấp dịch vụ) trong việc xây dựng quy trình, thủ tục đăng ký mở và sử dụng MM; xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ cho các cơ quan quản lý khai thác giám sát mức độ tuân thủ của DN...
 
 Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, tinh thần triển khai MM là bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ. Về mặt quản lý phải bảo đảm ba yếu tố: Thứ nhất, DN thí điểm phải mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và số dư trên các tài khoản bảo đảm thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản MM của khách hàng tại cùng thời điểm. Thứ hai, DN thực hiện thí điểm phải có hệ thống đáp ứng yêu cầu bảo đảm toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 quốc gia theo quy định của pháp luật hiện hành. Thứ ba, dịch vụ MM phải bảo đảm triển khai đúng quy định.

Cần bảo đảm an toàn, bảo mật -0
 Mobile-Money có lợi thế cạnh tranh khi hướng đến thị trường ngách là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn. Ảnh: Thành Đạt

 Sau khi Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9-3-2021 về việc triển khai thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được ban hành, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã được NHNN Việt Nam cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trở thành DN thứ ba tại Việt Nam (sau Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội - Viettel) đủ điều kiện triển khai thí điểm MM.
 
 Hiện VNPT đã hoàn toàn sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng, mạng lưới kinh doanh để triển khai dịch vụ. DN này cũng sở hữu hơn 1.000 điểm giao dịch khắp cả nước, hơn 10 nghìn điểm giao dịch của DN đối tác và gần 200 nghìn điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân, hộ gia đình,… sẵn sàng chuyển đổi thành các điểm giao dịch MM, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cho dù là ở các khu vực như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
 
 Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho rằng, Viettel đặt mục tiêu ở đâu có sóng viễn thông, tại đó sẽ được triển khai các dịch vụ MM. Khách hàng có thể sử dụng MM của Viettel để thực hiện các giao dịch tài chính bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng.
 
 Từ góc độ của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết: Dịch vụ MM được triển khai trên toàn quốc, nhưng bộ sẽ yêu cầu các DN trước hết phải phủ kín nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy Bộ Công an đã có những quy định rất chặt chẽ, hơn cả quy định đối với dịch vụ ví điện tử, nhưng không loại trừ khả năng có người tìm khe hở để sử dụng MM vào các hoạt động pháp luật cấm. Do đó, khâu định danh khách hàng là quan trọng nhất.
 
 Tăng cường trách nhiệm, bảo đảm thống nhất
 
 MM là dịch vụ đầu tiên chịu sự quản lý “chặt” từ ba cơ quan đầu ngành về quản lý nhà nước. Bản quy chế được ký kết nhằm tăng cường trách nhiệm, bảo đảm sự thống nhất phối hợp hiệu quả giữa ba cơ quan trong công tác thẩm định, chấp thuận thực hiện thí điểm dịch vụ MM; theo dõi, báo cáo, kiểm tra, thanh tra đánh giá tình hình thực hiện thí điểm dịch vụ MM của các DN được triển khai.
 
 Theo Quy chế phối hợp, NHNN là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm của các DN viễn thông và thẩm định các nội dung được phân công. Khi thành phần hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, NHNN sẽ gửi lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ TT&TT. Mỗi cơ quan sẽ thẩm định những nội dung liên quan đến lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ và hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với nội dung thẩm định. NHNN tổng hợp ý kiến đánh giá của Bộ TT&TT, Bộ Công an để thẩm định hồ sơ. Đối với những vấn đề không thể thống nhất, vượt quá thẩm quyền, NHNN sẽ làm đầu mối tổng hợp ý kiến của các đơn vị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
 
 Mặt khác Bộ TT&TT sẽ chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra (tối thiểu một lần/năm) các DN thực hiện thí điểm, các điểm kinh doanh của DN; giám sát việc tuân thủ của DN đối với các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg… Trong khi đó trách nhiệm đầu tiên của NHNN trong công tác kiểm tra, thanh tra là giám sát số dư tài khoản bảo đảm thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ MM. Bộ Công an thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với DN thực hiện thí điểm; điều tra, xử lý các hành vi lợi dụng dịch vụ MM để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
 
 MM được cho là dịch vụ sẽ tạo bước đột phá trong mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tiện ích nhiều, nhưng rủi ro cũng không ít trong khi dịch vụ này chưa có trong quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, thanh toán, viễn thông. Do đó, cơ quan quản lý buộc phải thận trọng ngay từ khi xây dựng dự thảo Quyết định 316 đến Quy chế phối hợp triển khai trong thời gian tới.
 
 

Theo báo cáo mới nhất (ngày 24-3-2021) của Hiệp hội Kinh doanh di động toàn cầu (GSMA), số tài khoản đăng ký MM trên thế giới tăng 13% lên hơn 1,2 tỷ vào năm 2020, gấp đôi tốc độ tăng trưởng dự báo. Với tổng số 310 loại hình dịch vụ được cung cấp tại 96 quốc gia, tổng giá trị giao dịch đã tăng 22% đạt 767 tỷ USD. Trung bình hơn hai tỷ USD được xử lý mỗi ngày (nhiều gấp đôi năm 2017) và GSMA dự kiến con số này sẽ vượt mức ba tỷ USD vào cuối năm 2022.


  Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương, Lê Đức Nghĩa