Bức tranh hai mặt

Gần đây, việc xuất khẩu lao động (XKLÐ) không chính ngạch ở Nghệ An diễn ra khá rầm rộ, để lại nhiều hệ lụy phức tạp cho chính người dân vùng này.

Người dân Diễn Châu ngóng trông tin con, chồng mất tích ở nước ngoài.
Người dân Diễn Châu ngóng trông tin con, chồng mất tích ở nước ngoài.

Nông thôn đổi mới và hệ lụy

Mỗi năm Nghệ An có khoảng 13 - 14 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở các nước và khu vực: Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Trung Ðông, châu Âu... XKLÐ đã trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế ở nhiều địa phương; giúp nhiều gia đình đổi đời, trở thành giàu có hay chí ít cũng xóa được đói, giảm được nghèo. Có dịp về các vùng quê đầy khó khăn trước đây như Sơn Thành, Ðô Thành (Yên Thành), Diễn Tháp (Diễn Châu)… thì nhiều người sẽ ngỡ ngàng về sự thay đổi, khi những ngôi biệt thự mọc lên san sát với các tiện nghi, đồ dùng cao cấp và ô-tô. Phần lớn đều nhờ vào XKLÐ.

Phó Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An) Ðặng Thị Phương Thủy cho biết: Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLÐ, hiện có khoảng 61 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài. Hằng năm, số lao động này chuyển về cho thân nhân khoảng 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng, gần bằng số thu ngân sách tỉnh Nghệ An năm 2017). Qua đó, đã góp phần quan trọng, tích cực trong mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an ninh, chính trị trên địa bàn và thúc đẩy Nghệ An phát triển và hội nhập.

Nắm bắt được mong muốn của người lao động được đi xuất khẩu nhanh để đổi đời, nhất là lao động phổ thông, không có công ăn việc làm ổn định, ở những vùng khó khăn, các đối tượng môi giới XKLÐ đã đưa ra lời mời chào hấp dẫn, đánh đúng tâm lý, như: thủ tục đơn giản, nhanh gọn; nhiều việc làm, thu nhập cao; đóng phí vừa phải… Trong khi đó, người lao động lại thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và sự nhẹ dạ cả tin, muốn được đi XKLÐ, nhất là sang các nước phát triển bằng mọi giá, mọi cách. Hậu quả là không ít người dân ở nhiều vùng quê không những không thực hiện được giấc mơ “đổi đời”, mà còn mất trắng cả trăm triệu đồng.

Trường hợp anh N.M.H (37 tuổi) ở TP Vinh là một thí dụ. Qua giới thiệu, anh H. tìm đến đối tượng môi giới tên Hồ Thị Hằng, trú phường Trường Thi (TP Vinh) và đưa số tiền hơn 36 nghìn USD (hơn 800 triệu đồng) để làm các thủ tục sang Ô-xtrây-li-a. Suốt từ năm 2014 đến nay, anh H cứ đằng đẵng chờ tin xuất cảnh sang xứ người nhưng vẫn bặt âm vô tín. Anh N.M.H than thở: Tôi đã vay ngân hàng 300 triệu đồng, và vay mượn người thân, anh em bạn bè để có khoản tiền lớn đóng cho bà Hằng mong được sớm sang Ô-xtrây-li-a làm việc, có tiền gửi về trả nợ. Giờ đây gia đình tôi đã rơi vào cảnh nợ nần, cùng cực. Bà Hằng cùng hai đối tượng người Nghệ An nằm trong đường dây lừa đảo, môi giới do Lê Duy Anh, trú tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cầm đầu vừa bị công an Nghệ An khởi tố, bắt giam.

Theo điều tra viên, vì nhẹ dạ cả tin là được nhanh chóng xuất ngoại sang Ô-xtrây-li-a với thủ tục đơn giản, với mức lương cả trăm triệu đồng/tháng mà Lê Duy Anh và đám cò mồi tỉ tê, anh H cùng hơn 400 nạn nhân khác ở địa bàn Nghệ An và nhiều tỉnh, thành phố khác đã phải vay mượn, thế chấp, cầm cố nhà cửa để có hàng chục tỷ đồng nộp cho nhóm đối tượng lừa đảo này.

Hay trường hợp chị P.T.D ở phường Trung Ðô (TP Vinh), muốn cho em trai mình đi sang Ba Lan làm việc, gia đình đã vay mượn khắp nơi để đủ tiền nạp cho một môi giới ở Hà Nội. Nhưng hành trình đến miền đất hứa không như ý, khi em trai chị D bị “kẹt” lại ở Nga, và bị giữ hộ chiếu, nên phải làm việc ở nơi hẻo lánh, quần quật 13-14 giờ/ngày, ăn uống lại kham khổ… Phải dùng nhiều giải pháp, em trai chị D mới được trở về nhà.

Ðây là hai trong số hàng nghìn lao động “tiền mất…” khi đặt cược vào việc đi XKLÐ không chính ngạch ở nước ngoài. Biết rằng, đi XKLÐ trái phép là chịu rủi ro cao nhưng “phong trào” XKLÐ chui vẫn diễn ra ngoài tầm kiểm soát của địa phương và các ngành liên quan. Ðó là chưa kể đến không ít lao động Nghệ An đã chọn con đường tiểu ngạch qua các nước láng giềng (Lào, Trung Quốc, Thái-lan…) để làm ăn, có tính thời vụ. Theo con số thống kê, Nghệ An có hơn 12 nghìn lao động không hợp pháp ở nước ngoài.

Người dân phải thay đổi

Trung tá, Phó Trưởng phòng An ninh Ðiều tra (Công an tỉnh Nghệ An) Chu Văn Hương cho biết: Những năm qua, Công an Nghệ An đã phối hợp với Bộ Công an và các địa phương liên quan đã bắt và xử lý hàng chục vụ án lừa đảo đưa lao động đi nước ngoài trái phép, liên quan đến hàng chục đối tượng, và cả nghìn người bị hại. Mới đây nhất là vụ bắt bốn đối tượng lừa đảo đưa lao động sang Ô-xtrây-li-a do Lê Duy Anh (Hà Nội) cầm đầu. Qua điều tra, các đối tượng này đã lừa đảo hơn 400 lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng. Ðến nay, chưa một lao động nào được sang Ô-xtrây-li-a làm việc. Hay cuối tháng 10 vừa qua, Công an Nghệ An đã bắt đối tượng Hà Văn Thành (sinh năm 1982), trú tại xóm 7, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cầm đầu liên quan vụ án đưa 41 người vượt biển trái phép sang Niu Di-lân... Nhiều trường hợp XKLÐ chui đã bị Công an Nghệ An phát hiện và xử phạt.

Rất cần một giải pháp đồng bộ từ Chính phủ đến các địa phương, ban, ngành liên quan, trong việc chấn chỉnh công tác quản lý XKLÐ hay xử lý nghiêm những trường hợp môi giới lừa đảo đưa lao động ra nước ngoài trái phép. Ðặc biệt nhất, chính các lao động cần nâng cao về nhận thức, sự hiểu biết, nói không với XKLÐ chui và không nhẹ dạ cả tin, tìm cách ra nước ngoài lao động bằng mọi giá, mọi cách, có như vậy mới giảm dần tình trạng XKLÐ chui cùng những hệ lụy đau lòng.