Giải pháp khôi phục thị trường du lịch

Biến giải pháp tình thế thành bền vững

Bên cạnh bước đột phá trong ứng dụng công nghệ vào trải nghiệm, quản trị, quảng bá, khách hàng thật sự được đặt vào trung tâm khi các địa phương, doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để phục vụ khách tốt hơn, bắt đầu từ liên kết đổi mới sản phẩm, cho đến nâng cao chất lượng phục vụ. Nếu biến những giải pháp mang tính tình thế thành bền vững, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong cạnh tranh khi đón khách quốc tế trở lại.

Du khách sử dụng ứng dụng công nghệ để tìm hiểu về nghề gốm truyền thống ở Bát Tràng (Hà Nội). Ảnh: GIANG DŨNG
Du khách sử dụng ứng dụng công nghệ để tìm hiểu về nghề gốm truyền thống ở Bát Tràng (Hà Nội). Ảnh: GIANG DŨNG

Nỗ lực làm mới

Bay trên khinh khí cầu ở Hà Nội để ngắm hoa dã quỳ. Điều trước đây chỉ có trong tưởng tượng thì nay đã trở thành hiện thực. Chỉ mới khai trương dịch vụ ít ngày, nhưng khách hàng đã ùn ùn kéo đến Vườn quốc gia Ba Vì để trải nghiệm. Mùa hoa dã quỳ là dịp Vườn quốc gia Ba Vì luôn thu hút đông khách. Năm nay, lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì phối hợp cùng một đối tác tổ chức dịch vụ bay khinh khí cầu phục vụ khách tham quan. Du khách có thể vừa ngắm rừng hoa dã quỳ nở và toàn cảnh Vườn quốc gia Ba Vì từ trên cao. Mỗi lượt trải nghiệm kéo dài 10 phút, du khách sẽ được bay trên độ cao 700 m hoặc 900 m. Giá vé đồng hạng 300.000 đồng/người/lượt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến Vườn quốc gia Ba Vì giảm so với mọi năm, nhưng với dịch vụ bay khinh khí cầu, doanh thu từ khách du lịch lại tăng lên. Đồng thời, dịch vụ này tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Hà Nội. Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế cho biết, để xây dựng dịch vụ này, Vườn quốc gia Ba Vì đã cho mở rộng đường hoa, chăm sóc hoa để khung cảnh đẹp hơn. Trong thời gian tới, tại khu vực này sẽ còn có các loại hình du lịch mới khác.

Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động của ngành du lịch. Không thể đón khách quốc tế, các địa phương, các doanh nghiệp, các chủ sở hữu điểm tham quan buộc phải thay đổi để “tìm đường sống”. Ở giai đoạn kích cầu thứ hai, yếu tố then chốt không còn là giá cả, mà là sự hấp dẫn, trải nghiệm. Các tỉnh, thành phố liên tục trình làng những sản phẩm du lịch “độc, lạ”. Hà Nội, ngoài tua ngắm hoa dã quỳ bằng khinh khí cầu, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra đời hai tua trải nghiệm vào ban đêm, Hoàng thành Thăng Long đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Tỉnh Quảng Ninh có lợi thế du lịch vào mùa xuân - hè với sản phẩm du lịch tâm linh (Yên Tử) và du lịch biển, nhưng cũng vừa khai mạc chương trình “Yên Tử - về miền đất Phật mùa thu” vào đầu tháng 11 với nhiều hoạt động như: Lễ nhiễu tháp tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông; đêm hội hoa đăng; Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn… Quảng Ninh hy vọng đây là khởi đầu cho các chương trình đón khách quanh năm. Các tỉnh Tây Bắc, điển hình như Sơn La đã tổ chức chương trình kích cầu du lịch tại Hà Nội, qua đó, giới thiệu những sản phẩm mới như du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch các vùng cây ăn trái… Ở phía nam, các doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh chào hàng cả một “thực đơn” dài các trải nghiệm du lịch mới cho khách lựa chọn, như tua Theo dòng Sài Gòn - du ngoạn bằng buýt đường sông; Biệt động Sài Gòn - Đặc công rừng Sác; Nông trại Củ Chi - Công viên cá Koi; Du ngoạn trên sông Sài Gòn và thưởng thức ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ, tận hưởng không khí trong lành của biển cả và thưởng thức hải sản Cần Giờ...

Khắc phục những mắt xích yếu

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2020 (VITM, từ ngày 18 đến 21-11) diễn ra hàng loạt sự kiện đánh dấu sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp hoạt động du lịch. Nhưng trước đó, trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, các hoạt động liên kết du lịch đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai. Điển hình như các chương trình: Kết nối, hợp tác kích cầu du lịch Quảng Ninh - Bắc Ninh, Liên kết phát triển du lịch Bình Định - Nghệ An - Hải Phòng, Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch Hải Phòng - Điện Biên, Sắc mầu Sơn La - Tây Bắc tại Hà Nội... Từ những hoạt động liên kết này, nhiều sản phẩm du lịch cụ thể đã ra đời, hoặc đang từng bước hình thành. 

Nổi bật nhất trong đó là Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và tám tỉnh Tây Bắc mở rộng với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững” vừa được tổ chức tại Phú Thọ. Tám tỉnh Tây Bắc mở rộng có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là đô thị hiện đại, sôi động. Hai bên có nhiều cơ hội cùng phát triển, bổ trợ cho nhau để tạo ra nhiều chương trình du lịch đặc sắc. Hội nghị đã mở ra một xu hướng mới cho du lịch Việt Nam, thay vì liên kết giữa các tỉnh, những hoạt động liên kết mang tính vùng miền được triển khai. Một chương trình hợp tác vùng miền cũng được giới thiệu trong Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2020 là Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Diễn đàn này sẽ tạo ra cơ hội liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành phố có kinh tế du lịch phát triển nhất Việt Nam ở cả ba miền bắc, trung, nam.

Cuộc cạnh tranh để thu hút khách du lịch khiến việc đổi mới sản phẩm, nâng cao trải nghiệm, nâng cao chất lượng phục vụ, liên kết để giảm giá thành, tăng hiệu quả… trở thành những yếu tố sống còn. Nhiều địa phương, đơn vị phải bước vào cuộc lột xác mang tính bắt buộc. Nếu có thể biến những chuyển động mang tính tình thế thành giải pháp lâu dài thì sẽ góp phần khắc phục một số điểm yếu cố hữu của du lịch Việt Nam, đó là nhân lực chưa cao, các mắt xích liên kết yếu. Qua đó, giúp tăng sức cạnh tranh khi du lịch phục hồi hoàn toàn.