Bảo hiểm xã hội cho lao động di cư

Lao động di cư là lực lượng lao động có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, phần đông trong số họ chưa quan tâm chuyện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), hoặc khó tiếp cận với BHXH. Ðiều này dẫn đến rất nhiều thiệt thòi cho bản thân họ và hệ lụy xã hội. Do đó, rất cần những chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ nhóm lao động này tiếp cận và tham gia các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế...

Do hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện không cao, nên tỷ lệ lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện rất thấp. Trong ảnh: Nhiều lao động di cư đang làm việc tại các công trình xây dựng
Do hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện không cao, nên tỷ lệ lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện rất thấp. Trong ảnh: Nhiều lao động di cư đang làm việc tại các công trình xây dựng

Lao động di cư - sự dịch chuyển tất yếu

Lao động di cư (LÐDC) là những lao động chuyển từ vùng này đến vùng khác trong phạm vi biên giới của một quốc gia và từ quốc gia này đến quốc gia khác. Ở Việt Nam, những lao động từ vùng nông thôn ra đô thị hiện chiếm số lượng lớn, tình trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Hầu hết những người lao động di cư đều cần mẫn với công việc của mình, vượt qua nỗi khổ, nỗi khó để mưu sinh. Tiếp xúc với họ, ai cũng cảm nhận được hầu hết đó là những người có ý chí mạnh mẽ, luôn có khát vọng vươn lên, mong muốn và dám thay đổi cuộc sống. Tất nhiên ở họ không phải không có những mặt trái như làm mất an ninh trật tự, hay tiếp tay cho những sự bất ổn, gây quá tải nơi đô thị.

Lâu nay nguồn lực và dòng tiền đầu tư từ Nhà nước, từ nước ngoài và xã hội chủ yếu đổ vào các thành phố lớn kèm theo đó là tăng việc làm, tăng tiện ích đô thị cùng cơ hội làm giàu cho mọi người. Trong nền kinh tế thị trường ở đâu dễ kiếm việc làm thì dòng chảy di dân sẽ đến đó và không lạ khi dòng LÐDC luôn tăng theo nguồn lực đầu tư. Dạo qua các trang web tìm kiếm việc làm trên internet có thể thấy công việc dành cho LÐDC thường theo thời vụ, không cố định và chủ yếu là những việc cần cơ bắp. Phụ nữ thì thích hợp với nhiều nghề hơn, như: dọn dẹp nhà cửa theo giờ, chăm sóc đón trẻ con theo giờ, bán hàng rong, thu mua ve chai… Thu nhập bình quân của lao động nữ tự do ở đô thị xấp xỉ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thực tế những năm qua, di cư trong nước hay sang nước khác đã và đang trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân nhằm cải thiện sinh kế. Di cư là một yếu tố không thể thiếu để phát triển kinh tế bởi di cư sẽ giúp phân bổ lại nguồn lực lao động từ những nơi thừa lao động sang những nơi cần lao động. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay là phần lớn LÐDC ở các đô thị lớn của nước ta đều trong tình trạng thiếu hụt các dịch vụ an sinh xã hội (ASXH) như: bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở…

Bảo hiểm xã hội cho lao động di cư ảnh 1

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn

Cần giải pháp đồng bộ

Ðể giải quyết những dịch vụ ASXH thiết yếu cho LÐDC (thường là lao động phi chính thức), những năm vừa qua, Chính phủ đã đưa nhóm lao động này vào đối tượng điều chỉnh của một số bộ luật như Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Lao động. Trên thế giới nhiều nước cũng đã thực hiện chính sách BHXH đối với LÐDC. Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra một số luật và chính sách khác nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của người di cư như Luật Bảo hiểm y tế 2014 với các quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua sổ tạm trú. Mặt khác, chiến lược ASXH 2012-2020 cũng xác định LÐDC là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ như là một nhóm đối tượng khó khăn thuộc diện nghèo đa chiều.

Dù vậy, theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội ( LÐ-TB&XH) Ðào Ngọc Dung: Tính đến hết năm 2018 cả nước mới có khoảng 270.000 người tham gia bảo BHXH tự nguyện trong tổng số khoảng 34 triệu lao động chưa tham gia BHXH, tức chiếm tỷ lệ khoảng 0,8%.

Còn đối với lao động Việt Nam di cư sang nước khác làm việc, theo ông Ðinh Duy Hùng, Phó Trưởng ban Thu - BHXH Việt Nam, thì hiện chúng ta có khoảng 500.000 người và mỗi năm tăng khoảng hơn 100 nghìn người, họ thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng cũng mới chỉ có khoảng 6.000 người tham gia BHXH. Ðối với LÐDC từ nước khác đến Việt Nam, thì kể từ ngày 1-12-2018 thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ðây là lần đầu pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần như quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 28-2-2019, tổng số tiền đóng BHXH của lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 100,792 tỷ đồng.

Với hệ thống các chính sách ASXH hướng tới quyền lợi của LÐDC như vậy nhưng tại sao tỷ lệ tham gia vẫn thấp? Lý giải điều này, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng BHXH (Bộ LÐ - TB & XH) cho rằng là do hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện không cao, cần phải thay đổi phương pháp tuyên truyền để đưa chính sách tới đúng đối tượng tức là chúng ta phải phân nhóm đối tượng. Thí dụ, với LÐDC thì không thể nào chúng ta tuyên truyền trên TV hay thông tin trên báo đài. Thông tin như vậy rất khó để cho các đối tượng này tiếp cận được vì rất nhiều người trong số họ là những người đi từ sáng sớm và trở về rất muộn.

Ngoài nguyên nhân trên, Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm các nguyên nhân khác, đó là họ thường có mặt bằng thu nhập bình quân thấp, không ổn định, điều kiện kinh tế còn hạn chế dẫn tới những khó khăn trong việc tham gia BHXH; rào cản về thủ tục hồ sơ làm người lao động khó tiếp cận với cơ quan BHXH; Chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, đây là hai chế độ dài hạn với điều kiện về thời gian đóng góp kéo dài, phải cần tới 20 năm đóng để được hưởng lương hưu hằng tháng nên tạo tâm lý không muốn tham gia khi không thấy được những lợi ích trước mắt...

Ðể làm tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện nói riêng và tham gia BHXH nói chung thì cần đưa ra các giải pháp đồng bộ hóa giải các nguyên nhân trên. Cụ thể, Nhà nước đã đưa ra chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên mức hỗ trợ cần phải tính toán theo chiều hướng tăng dần. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các hình thức, các kênh truyền thông để tăng khả năng tiếp cận thông tin của LÐDC, nhất là trong khu vực phi chính thức. Hiện nay BHXH Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ công tác này như tuyên truyền vận động thông qua vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… Gắn trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền với việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 bằng cách đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH vào tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định tiền lương và thu nhập của người lao động; tạo sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức… Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ bảo đảm việc giải quyết các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật... Ðối với LÐDC ra nước ngoài chúng ta cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về ASXH giúp họ tiếp cận dần với các chính sách ASXH của quốc gia tiếp nhận lao động.