Báo động về sức cạnh tranh của nguồn nhân lực du lịch

Hơn hai năm rưỡi sau khi Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được Bộ Chính trị thông qua ngày 16-1-2017, nhiệm vụ “đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch” tiếc thay vẫn chưa có được sự chuyển biến cần thiết. Đội ngũ vừa thiếu vừa yếu đi kèm với chảy máu chất xám ở nhóm chuyên môn cao… đang là điệp khúc được dẫn đi dẫn lại nhằm lý giải cho tình trạng suy giảm năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.

Để khách du lịch quay trở lại khám phá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, cần đến đội ngũ những người làm du lịch chuyên nghiệp, có nhiệt huyết. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Để khách du lịch quay trở lại khám phá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, cần đến đội ngũ những người làm du lịch chuyên nghiệp, có nhiệt huyết. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Chảy máu chất xám

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động sâu rộng đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trên toàn thế giới. Ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khuyến cáo, CMCN 4.0 có thể tạo ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động du lịch, cũng như làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và sức lao động.

Câu hỏi đặt ra lúc này, du lịch của Việt Nam sẽ cạnh tranh ra sao khi mà tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ hiện chỉ khiêm tốn ở mức 43% tổng số lao động du lịch? Số lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 30% trong tổng số lao động, và hơn một phần hai lao động làm việc trong ngành du lịch không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động du lịch ở Việt Nam hiện bằng một phần mười lăm Xin-ga-po, một phần mười một Nhật Bản, một phần năm Ma-lai-xi-a, hai phần năm Thái-lan.

Tổ chức Du lịch thế giới nhận định, Việt Nam đứng trong top 20 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và đến năm 2025, ngành này dự kiến đóng góp hơn 10% GDP, mang lại thu nhập cho sáu triệu lao động. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch cần hơn 40.000 lao động mỗi năm, đặc biệt là lao động có tay nghề và chuyên môn. Nhưng điều mà ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam lấy làm lo ngại chính là sự bất cập trong đào tạo nhân lực du lịch dẫn đến không thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nóng của ngành.

Là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam sẽ thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khối về tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ mang lại cơ hội, nhưng đồng thời cũng khiến Việt Nam phải đối diện nguy cơ dòng lao động chất lượng cao dịch chuyển ra các nước ASEAN. Và ngược lại, từ các nước bạn vào thị trường Việt Nam… Điều đó, khiến cho người lao động của chúng ta khó chen chân ngay chính ở sân nhà.

Thầy và trò cùng khó

Mỗi năm, 195 cơ sở đào tạo du lịch của chúng ta cung ứng ra thị trường lao động khoảng 20.000 sinh viên, học viên. Nhưng cũng bởi phần lớn các cơ sở đào tạo chưa đưa ra được tiêu chuẩn của đầu ra, nên không ai trả lời được câu hỏi: Có bao nhiêu phần trăm số người tốt nghiệp có thể sẵn sàng gia nhập thị trường lao động?

Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam thực hiện tại các cơ sở đào tạo du lịch cho thấy, quá trình đào tạo đang gặp những thách thức từ phía chương trình đào tạo, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy… Đơn cử như, cho đến nay chương trình đào tạo vẫn chưa được thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cũng chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình. Thậm chí, cho đến nay vẫn chưa có chính sách ngăn chặn tình trạng mở tràn lan mã ngành đào tạo du lịch…

Trong cả hệ thống đào tạo có khoảng hơn 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp và 2.579 đào tạo viên du lịch. Thế nhưng, chất lượng giảng dạy vẫn bất cập bởi phần lớn số lượng giáo viên, giảng viên ở các trường có đào tạo về du lịch được đào tạo từ các ngành khác, giảng dạy chủ yếu bằng vốn kiến thức tự có, tổng hợp từ nhiều nguồn... Lĩnh vực du lịch đòi hỏi giảng viên thực hành phải có trình độ ngoại ngữ, có tay nghề cao và toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy… Tuy nhiên, số này hiện còn rất hạn chế.

Những cơ sở giảng dạy nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật mà vẫn duy trì giảng dạy, vẫn chạy theo số lượng học viên đã tạo nên môi trường đào tạo không vì quyền lợi của người học. Gánh chịu hậu quả của chất lượng đào tạo kém là số người thất nghiệp tăng và các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại.

Cơ hội cho hợp tác công - tư

Để thực thi được những nhóm mục tiêu và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 08, sẽ cần tập trung vào cải cách trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch, ông Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh. Trước hết, cần phải xác định rõ phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời CMCN 4.0 là nhu cầu cấp thiết, tuân thủ quy luật thị trường, do đó phải có thể chế, chính sách phù hợp. Cần phải thiết kế mô hình phát triển chung thống nhất, định hướng các hoạt động du lịch, trong đó có hoạt động phát triển nguồn nhân lực du lịch, trên cơ sở hợp tác công - tư để thích ứng với CMCN 4.0.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, hợp tác công - tư ở đây được hiểu là đẩy mạnh liên kết Nhà nước - nhà trường - nhà DN trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong tam giác phát triển đó, Nhà nước cần tăng cường năng lực hoạch định chính sách, hình thành khung pháp lý và cơ chế cho phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý… Nhà trường tập trung vào phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch bảo đảm liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo. Cần có cơ chế khuyến khích hợp tác với DN mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ giúp xóa bỏ tình trạng mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành… Đối với nhà DN, cần làm sao để thu hút được họ tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo du lịch; tạo cơ sở thực tập cho học sinh, sinh viên. Khuyến khích và chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch ngay trong DN…

Muốn hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không thể không chú trọng đúng mức đến chính sách đối với phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta phải cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, thay vì việc chỉ chạy đua tuyển sinh đào tạo cho có. Bởi, tài nguyên du lịch không chỉ là ưu đãi về cảnh quan từ thiên nhiên, mà còn phải xét đến vai trò không thể thiếu của chất lượng nguồn nhân lực!

Báo động về sức cạnh tranh của nguồn nhân lực du lịch ảnh 1

Cần có cơ chế khuyến khích hợp tác giữa nhà trường với DN để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ giúp xóa bỏ tình trạng “học chay”…

Tính đến nay, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường chuyên đào tạo du lịch); 71 trường trung cấp và bốn trung tâm đào tạo nghề. Số lượng các chương trình đào tạo gồm 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch.