Bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới

Năm học mới 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu. Ngay trước thềm năm học mới, vấn đề cơ sở vật chất (CSVC) tiếp tục là nỗi lo của các nhà trường. Hơn thế, năm học này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa bản lề cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới của những năm tiếp theo, trong đó, việc chuẩn bị tốt cSVC có vai trò quan trọng, tác động lớn đến chất lượng dạy và học.
Trong các văn bản pháp quy cần quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo đảm đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trong các văn bản pháp quy cần quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo đảm đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Thiếu và chưa đạt chuẩn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), để thực hiện Chương trình GDPT mới, cả nước hiện mới có gần 75% trong tổng số hơn 567.000 phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố. Bậc học mầm non có tỷ lệ phòng kiên cố thấp nhất, chỉ gần 65%; Tây Nguyên chỉ 44%. Theo yêu cầu của Chương trình mới, chỉ riêng cấp tiểu học phải bảo đảm mỗi lớp có một phòng học để học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, số phòng học cần có trên cả nước mới chỉ đạt 90%. Cấp THCS, THPT thiếu 24-30% phòng học bộ môn. Về các trang thiết bị dạy học tối thiểu của các cấp học cũng chỉ đạt 48-59%.

Trước thực tế đó, đề cập riêng tiêu chuẩn sĩ số học sinh/lớp, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho rằng: Một yêu cầu quan trọng để triển khai Chương trình mới là CSVC. Điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học; lớp học phải bảo đảm điều kiện kê bàn ghế theo nhóm... Quy định này tưởng chừng chỉ các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn, nhưng thực tế cho thấy ngay tại Hà Nội, đây cũng là thách thức lớn.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trong số những địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, hệ quả là muốn bảo đảm 100% số học sinh có nơi học đồng nghĩa với việc buộc phải tăng sĩ số học sinh trên lớp. Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới, Hà Nội đã xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường. Nhưng do dân số tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tiếp tục xây mới lại gây tình trạng thiếu trường, lớp học. Cùng với khó khăn về trường, lớp học thì trang thiết bị phục vụ dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Việc thiếu phòng học đang đặt ra khó khăn lớn cho các nhà trường, nhất là khi một số địa phương đang thực hiện tinh giản biên chế bộ máy hành chính, trong đó có giáo dục. Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp học, ngành giáo dục một số địa phương đã phải thực hiện tăng sĩ số học sinh trên lớp hoặc tổ chức nghỉ học luân phiên để bảo đảm 100% số học sinh trên địa bàn đều có chỗ học. Một số lãnh đạo ngành giáo dục địa phương không ngần ngại bày tỏ, mặc dù biết việc tăng sĩ số là không đúng với quy định, nhưng đây là việc “cực chẳng đã” nên buộc phải làm.

Vẫn là bài toán khó

Năm học mới 2019 - 2020 cũng là năm học bản lề để bước vào lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới vào năm 2020-2021. Cho dù Quốc hội đã đồng ý lùi thời điểm năm thực hiện, nhưng để bắt kịp lộ trình từ năm 2020 cũng còn rất nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc chuẩn bị CSVC là nhiệm vụ chính của ngành trong năm 2019 để triển khai chương trình mới. Tuy nhiên, thực hiện việc này là bài toán khó của nhiều địa phương vì thiếu vốn, tình trạng lớp học quá đông chưa được giải quyết, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên đang khá phổ biến.

Bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới ảnh 1

Các phòng học chức năng, phòng thí nghiệm đóng vai trò quan trọng trong chương trình GDPT mới.

Chương trình mới sẽ tăng số lượng thiết bị dạy học để học sinh được thực hành thí nghiệm nhiều, có trải nghiệm học tập tốt. Các môn học trong Chương trình mới không thay đổi nội dung khoa học so với hiện nay nên không cần thay mới trang thiết bị dạy học.

Một trong những giải pháp được cho khả quan nhất là, xã hội hóa việc chuẩn bị CSVC. Theo tính toán, bước vào năm học này, cả nước sẽ có hơn 43 nghìn cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Với giáo dục phổ thông, để chuẩn bị CSVC cho năm học mới, các địa phương đã tích cực xây dựng, sửa chữa các phòng học bằng nhiều nguồn vốn khác nhau: từ chương trình, đề án hỗ trợ CSVC, đến việc huy động xã hội hóa, rồi các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ... Kết quả từ việc kết hợp các nguồn vốn trên, các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung được hơn 14.000 phòng học.

Nhắc đến trách nhiệm của các địa phương, chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị: Cần quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo đảm đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong các văn bản pháp quy. Có như vậy, ngân sách đầu tư cho việc tu sửa, xây trường học mới được các địa phương ưu tiên, học sinh và giáo viên sẽ yên tâm học tập và sáng tạo.

Thực tế cho thấy, chính lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương cũng đang cảm thấy “sốt ruột” về tiến độ triển khai Chương trình mới. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành danh mục thiết bị dạy học (TBDH) để địa phương có kế hoạch dự chi ngân sách mua sắm bổ sung.

Như vậy, bên cạnh việc xây dựng thêm phòng học, kiên cố hóa trường lớp, không ít chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu các địa phương cần bổ sung phòng học bộ môn và phòng học chức năng. Bởi theo yêu cầu của Chương trình mới, các cấp học đều cần các phòng học đặc thù như: phòng học bộ môn nghệ thuật, phòng học khoa học - công nghệ, phòng học tin học, phòng học ngoại ngữ, v.v. Cụ thể, cấp THCS cần thêm phòng học bộ môn khoa học tự nhiên; cấp THPT cần thêm phòng học bộ môn vật lý, phòng học bộ môn hóa học, phòng học bộ môn sinh học. Và, đương nhiên, phải tính tới cả các phòng chức năng dành cho các bộ môn tích hợp. Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ lo ngại, cùng với việc chuẩn bị, mua sắm TBDH mới, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí và thất thoát.

Bàn về giải pháp tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhiều chuyên gia đề xuất: Đối với phòng học, phòng chức năng, ngành giáo dục cần bổ sung số còn thiếu. Ở những địa phương khó khăn về diện tích đất xây trường, mở rộng phòng học như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT cho phép nâng tầng trường học khi đủ điều kiện. Hệ thống phòng chức năng, hiệu bộ, hành chính được chuyển lên tầng cao, dành các tầng thấp làm phòng học cho học sinh. Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét bỏ quy định cứng về diện tích phòng học, có thể đưa ra một vài phương án, linh động với tình hình thực tế địa phương.

Thực tế cho thấy, để đồng bộ trong áp dụng Chương trình GDPT mới đạt hiệu quả cao trên toàn quốc, đòi hỏi phát huy trách nhiệm liên ngành, thống nhất từ Trung ương xuống mỗi địa phương. Theo đó, ngoài việc bảo đảm CSVC về trường lớp, trang thiết bị dạy học, còn phải bảo đảm các điều kiện hạ tầng về giao thông, những không gian trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường (như bảo tàng, thư viện…) hỗ trợ việc học tập của học sinh.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Phương Thảo, Khúc Hồng Thiện