Công cụ mới phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trên thị trường trái phiếu

NDO -

NDĐT - Việc ra mắt sản phẩm Hợp đồng tương lai (HĐTL) Trái phiếu Chính phủ (TPCP) cung cấp cho nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư và công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức.

Đúng 9 giờ ngày 4-7, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cùng các đồng chí lãnh đạo đã nhấn nút khai trương giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP trước sự chứng kiến của các lãnh đạo các bộ ngành, quan khách và các thà
Đúng 9 giờ ngày 4-7, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cùng các đồng chí lãnh đạo đã nhấn nút khai trương giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP trước sự chứng kiến của các lãnh đạo các bộ ngành, quan khách và các thà

Ngày 4-7, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Tài chính đã tổ chức lễ khai trương giao dịch HĐTL TPCP. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối tượng tham gia HĐTL TPCP trong thời gian đầu chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà đầu tư tổ chức nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ.

Tiếp cận dần với các thông lệ quốc tế

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Tài chính Huỳnh Quang Hải khẳng định, sự kiện khai trương sản phẩm HĐTL TPCP được tổ chức đúng vào dịp Sở GDCK Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập, đồng thời với kỷ niệm 10 năm ra đời thị trường cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM) và chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt như một minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của HNX với những bước tiến dài, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả cho cả doanh nghiệp và Chính phủ.

Thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), ngân hàng thanh toán, các thành viên thị trường, các cơ quan truyền thông trong suốt thời gian qua đã tâm huyết chung tay xây dựng và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ cho việc triển khai HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm đi vào hoạt động.

Thứ trưởng chỉ đạo UBCKNN tiếp tục chỉ đạo hai Sở GDCK và VSD vận hành an toàn các thị trường chứng khoán, nhất là với hai sản phẩm mới là Chứng quyền có bảo đảm (CW) và sản phẩm HĐTL TPCP; đồng thời tập trung nghiên cứu để tiếp tục đưa các sản phẩm mới vào giao dịch trên Thị trường chứng khoán (TTCK) theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11-3-2014 về xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam; bảo đảm thị trường hoạt động thông suốt, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từng bước nâng cao kinh nghiệm, trình độ nhận thức của các nhà đầu tư và thành viên thị trường, đồng thời tiếp cận dần với các thông lệ quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cam kết sẽ cùng với các Sở GDCK, đơn vị liên quan và thành viên thị trường tích cực triển khai các nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ tài chính để đưa TTCK phái sinh ngày càng phát triển.

Hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường TPCP

Đánh giá hoạt động của TTCK phái sinh qua hai năm, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành HNX Nguyễn Như Quỳnh cho biết, tính đến tháng 6-2019, khối lượng giao dịch bình quân/phiên HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30 đạt 105.000 hợp đồng/phiên, tăng gần 10 lần so với năm 2017 (mức 10.900 hợp đồng/phiên). Khối lượng hợp đồng mở (OI) đã tăng 2,7 lần từ 8.077 hợp đồng cuối năm 2017 lên 21.718 hợp đồng.

Công cụ mới phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trên thị trường trái phiếu ảnh 1

Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành HNX Nguyễn Như Quỳnh phát biểu tại Lễ khai trương giao dịch HĐTL TPCP sáng 4-7. (Ảnh: HNX)

Đặc biệt, ngày 14-4, khối lượng mở OI đã ghi nhận mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm ra mắt, đạt 29.474 hợp đồng (gấp 3,6 lần so với cuối năm 2017). Sự phát triển này được các chuyên gia phái sinh của Sở Giao dịch Hợp đồng tương lai Đài Loan TAIFEX đánh giá cao bởi TAIFEX phải mất sáu năm kể từ khi ra mắt mới có thể đạt được số lượng hợp đồng giao dịch như Sở GDCK Hà Nội chỉ sau hơn một năm triển khai.

Ông Nguyễn Như Quỳnh cũng cho biết, việc xây dựng sản phẩm HĐTL TPCP nằm trong đề án phát triển TTCK phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường.

Sản phẩm phái sinh được lựa chọn ra mắt thị trường lần này là HĐTL TPCP có tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm. Sản phẩm này được triển khai sau khi các cơ quan quản lý thị trường đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường trái phiếu, trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm quốc tế tại các TTCK phái sinh phát triển trên thế giới, kinh nghiệm từ việc triển khai sản phẩm phái sinh đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời lắng nghe ý kiến tham vấn của các thành viên thị trường.

Năm năm qua, thị trường TPCP Việt Nam tăng trưởng về quy mô bình quân 15%/năm, tương đương khoảng 20% GDP. Thanh khoản thị trường đạt trung bình 8.720 tỷ đồng mỗi phiên trong năm 2018. Tỷ trọng giao dịch mua lại (repo) tăng cao, chiếm 53,6% giá trị giao dịch toàn thị trường.

"Vì vậy, việc ra mắt sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm là bước phát triển tiếp theo nhằm hoàn thiện cơ cấu sản phẩm cho TTCK phái sinh, hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường TPCP tại Việt Nam và được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế", Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành HNX cho biết.

HĐTL TPCP sẽ có tài sản cơ sở là TPCP giả đinh với kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 5% và trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn, do đây là kỳ hạn được Kho bạc Nhà nước phát hành nhiều nhất trên thị trường sơ cấp và có thanh khoản tốt trên thị trường thứ cấp.

Sẽ có ba loại HĐTL TPCP tương ứng với ba tháng cuối của ba quý gần nhất. Thí dụ vào tháng 2, Sở giao dịch Chứng khoán niêm yết HĐTL TPCP đáo hạn vào các tháng 3, 6, 9. Quy mô danh nghĩa mỗi HĐTL là 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ không cần chi số tiền tương đương để có thể sở hữu và giao dịch. Như HĐTL chỉ số VN30, HĐTL TPCP cũng là một công cụ sử dụng đòn bẩy tài chính. Khi tham gia HĐTL TPCP trong thời gian chưa đến hạn, nhà đầu tư sẽ giao dịch trên giá trị ký quỹ của VSD là 2,5% cho khoản ký quỹ ban đầu, và nếu nhà đầu tư duy trì vị thế đến thời gian đáo hạn thì ngoài nghĩa vụ chuyển giao vật chất, VSD sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải bảo đảm mức ký quỹ chuyển giao 5%.

>> Hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư TPCP trong tháng 6

>> Khai trương giao dịch Chứng quyền có bảo đảm

>> Sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ: Hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp