Công tác tư tưởng phải được triển khai toàn diện, thường xuyên, đi vào chiều sâu

Đọc bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi rất tâm đắc nhiều nội dung. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh rằng, những thành tựu 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ: Đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, nhất là dự báo trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Trong tình hình ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”. Chúng tôi nhận thức, đây là vấn đề thuộc về công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Làm tốt việc này chính là góp phần để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước những thời cơ và thách thức trong chặng đường sắp đến mà Đảng và nhân dân ta đang hướng đến.
 
 Gia Lai là một tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cho nên còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, lợi dụng sự hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân, các đối tượng phản cách mạng tuyên truyền xúi giục, dụ dỗ người dân vượt biên trái phép sang các nước Cam-pu-chia, Thái-lan; lôi kéo, kích động tụ tập, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây nên những xáo trộn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Gia Lai đặt mục tiêu chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ và người dân nhận rõ bản chất và âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, thù địch. Từ quan điểm này, công tác tư tưởng được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; công tác giáo dục, tuyên truyền tập trung có trọng tâm, trọng điểm, với hình thức phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, thiết thực phù hợp đặc điểm của địa phương. Công tác giáo dục tư tưởng đặc biệt chú trọng tuyên truyền về các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; các chính sách ưu tiên về kinh tế, nhất là ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo, nâng cao đời sống người dân. Đó được xem như là cách tuyên truyền phản bác lại một cách có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu và các thế lực phản động.
 
 TRẦN ĐÌNH HIỆP 
 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai