30 năm công tác trường chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

30 năm là cơ hội quý để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết công tác trường chính trị; tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Học viện trong quản lý, chỉ đạo chuyên môn đối với các trường chính trị cấp tỉnh, đẩy mạnh kết nối hệ thống, viết tiếp những trang sử mới trong chặng đường tiếp theo.

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2019).Ảnh: MẠNH THẮNG
Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2019).Ảnh: MẠNH THẮNG

Thành tích vẻ vang

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị tham mưu và các trường chính trị cấp tỉnh, trường bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Học viện đã chủ trì hoặc phối hợp với các ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành từng bước hoàn thiện thể chế về công tác trường chính trị, bao gồm các văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Học viện đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Những đóng góp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng thể chế một mặt giúp hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và những nhiệm vụ khác một cách thuận lợi, đúng chủ trương, quy định; mặt khác, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Phạm vi thẩm quyền của trường chính trị cấp tỉnh không ngừng được mở rộng; nhiều nhiệm vụ mới và khó được giao cho trường chính trị đảm nhiệm, tương xứng với vị trí là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh.

Trong 30 năm thực hiện công tác trường chính trị, Học viện đã xây dựng, biên soạn nhiều chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau, trong đó trọng tâm là tám chương trình, giáo trình: Trung học chính trị (1996); Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị, 2002); Đào tạo cán bộ chính trị cấp cơ sở các tỉnh Tây Nguyên (2005); Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía bắc (2007); Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 2009); Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (2014, chỉnh sửa, bổ sung năm 2016, 2018); Bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4, 2014, chỉnh sửa, bổ sung 2017); Bồi dưỡng cấp ủy cơ sở (2020)… Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý; gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của cả người dạy và người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, giữ vững bản chất trường đảng của địa phương, đáp ứng chiến lược cán bộ của từng giai đoạn cách mạng.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành, Học viện đã tập huấn giáo trình, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho 18 nghìn lượt cán bộ, giảng viên của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Ngoài ra, hơn 500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành được Học viện tổ chức đi học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài. Học viện cũng đã tổ chức sáu kỳ hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành. Học viện đã giúp các trường chính trị cấp tỉnh, các cụm trường tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài cấp tỉnh, tổ chức các hội thảo khoa học, triển khai các vấn đề tổng kết thực tiễn của địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị ngày càng có nhiều đổi mới.

Học viện chủ động kết nối với các tỉnh ủy, thành ủy về công tác trường chính trị. Học viện thường xuyên trao đổi, làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố, lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương về công tác trường chính trị, trường bộ, ngành. Điều này thể hiện rõ nét sự chỉ đạo, quản lý hệ thống của Học viện đối với các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Nội dung các cuộc làm việc đã tháo gỡ cho các địa phương và các trường nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất - kỹ thuật… Từ đó nhiều vấn đề cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn… đã được các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo sát sao, tích cực hơn, tạo ra chuyển biến rõ rệt. Học viện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan triển khai có hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành; bảo đảm phong trào thi đua thật sự có ý nghĩa thiết thực, lan tỏa, tạo động lực để các trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, gắn kết ngày một sâu sắc hơn với Học viện.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học

Thời gian tới, Học viện tập trung hoàn thiện quy chế, quy định về quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành thực hiện nghiêm túc bộ quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng, quy chế hoạt động khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các quy chế và hướng dẫn khác, tạo bước chuyển biến cơ bản kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường. Tập trung xây dựng, ban hành mới chương trình, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và một số chương trình bồi dưỡng chức danh, chương trình cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm tính khoa học, cập nhật, hiện đại, phù hợp các đối tượng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới.

Triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 587). Trong đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của các trường chính trị cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành; chỉ đạo có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các trường chính trị. Hoàn thành việc triển khai cầu truyền hình trực tuyến giữa Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh. Tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành lần thứ VII năm 2020, Đại hội thi đua yêu nước của Học viện và hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành lần thứ V năm 2020...

Pgs, ts Nguyễn Duy Bắc

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh