Chuyện cơ sở

"Trả ơn thế hệ"

Mới rồi, tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khi thảo luận về công tác cán bộ, có đồng chí nêu hiện tượng, ở một số nơi có tình trạng lấy việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ để "trả ơn thế hệ".

 Cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Nam tham dự Hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: Nguyễn Đoan
Cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Nam tham dự Hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: Nguyễn Đoan

Vậy là không chỉ có tình trạng "đề bạt thần tốc" con cái, người nhà mà còn có chuyện trả ơn nữa. Đồng chí ấy dẫn chứng ở địa phương nọ, người đứng đầu đã tìm mọi cách đưa vào quy hoạch hoặc thăng chức con cái mấy vị lãnh đạo tiền nhiệm còn quá non lép, mặc dù chả thấy sai chỗ nào trong quy trình. Rằng tuy mới hơn 30 tuổi nhưng đồng chí ấy đã học hành lớp nọ trường kia xong xuôi cả, đã luân chuyển qua vài ba đơn vị; phiếu tín nhiệm qua các vòng đều quá bán…Nhưng khi các cán bộ trẻ này ngồi vào ghế nóng thì bộc lộ vô số khuyết điểm. Có anh trưởng phòng, bí thư chi bộ ở một sở không phân biệt được Ban chấp hành với Đảng ủy, Đảng bộ; khi kết luận cuộc họp thì rối như gà mắc tóc, trước những ý kiến khác nhau anh trưởng phòng chỉ còn nước dừng họp để phiên sau bàn tiếp. Chuyện thật như đùa rằng, có anh Phó Chủ tịch UBND huyện hỏi anh em ngay trong cuộc họp: "Vấn đề vĩ mô, vi mô là như thế, còn vấn đề trung mô thì sao (?!)".

Biết ơn những bác, những chú thế hệ trước quan tâm đào tạo, dìu dắt là điều phù hợp với văn hóa, phép ứng xử của người dân Việt. Nhưng biết ơn không phải để tìm cách trả ơn bằng... "cái ghế" đối với con cháu, người thân các đồng chí đó. Vì quả thật hầu hết các đồng chí lãnh đạo đi trước rất gương mẫu. Một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy từng tâm sự: "Mình chỉ muốn cậu con trai theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Vì mình biết sở trường của cháu. Đùng một cái cháu được cử đi học hết dài hạn đến ngắn hạn, rồi được quy hoạch, được bổ nhiệm. Thú thật mình rất lo. Lãnh đạo, quản lí là một nghề, đòi hỏi phải tự học, phải rèn luyện công phu lắm. Cái sở đoản nay biến nó thành sở trường thì sẽ như người phải gánh quá sức, quanh năm phải gồng mình lên mà chưa chắc nên cơm nên cháo gì".

Ngược lại với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nọ, ở một số nơi, có vị lãnh đạo chưa bố trí xong "chỗ ngồi" cho người thân thì "hạ cánh" không yên. Bố trí xong rồi vẫn không quên có lời gửi gắm mấy cô, mấy chú để mắt đến cháu. Thôi thì mạ nhờ nước, nước nhờ đất, đất nhờ… trời. Mai sau cháu nó có danh có phận, các cô, các chú lại gửi gắm nó. Chao ôi, lo xa đến thế thì còn đâu sự dân chủ, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ! Về nghỉ cả chục năm rồi mà mỗi khi cơ quan sắp có cuộc họp bàn về cán bộ là "cụ" điện thoại đến cho ý kiến. Rằng tớ thấy trường hợp này phải chú ý cất nhắc, trường hợp kia nên lùi vì cậu này có dư luận chuyên gây rối nội bộ, còn con trai mình thì tùy các đồng chí, mình nói e thiếu khách quan. "Cụ" nói "tùy" thế thôi. Thử không đưa con cụ vào vòng ngắm xem, sẽ có vài vị cán bộ đương chức "hỏi thăm sức khỏe", rằng vì sao anh nỡ đối xử với "cụ" như thế? Nặng hơn nữa anh bỗng nhiên bị quy kết là kẻ "qua cầu rút ván".

Đương nhiên "trả ơn thế hệ" không chỉ có việc đề bạt "con cháu các cụ". Thật khách quan mà nói cũng có những "hổ phụ" không sinh ra "hổ tử". Và bản thân "hổ tử" cũng khiêm tốn, tự biết mình, biết người. Anh ta, chị ta luôn cố gắng lo tròn bổn phận của một cán bộ tốt. Trong trường hợp ấy, các vị lãnh đạo kế nhiệm chỉ phải lo duy nhất việc này: cùng lãnh đạo đơn vị xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, vì việc mà đặt người, lấy đức tài là tiêu chuẩn hàng đầu. Âu đó cũng là cách "trả ơn" nặng tình nghĩa, bền vững và chân thành nhất.