Tạo nguồn phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sau khi xóa thôn, bản “trắng” đảng viên, chi bộ, công tác phát triển đảng viên (PTĐV) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nhiều địa phương quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, số đảng viên mới được kết nạp ở các thôn, bản còn hạn chế (trong đó có các trưởng thôn, bản, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội) bởi những vướng mắc phát sinh từ thực tế.
Một buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Cốc Peng, xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang.
Một buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Cốc Peng, xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang.

Những chuyển biến bước đầu

Trước đây, hầu hết các thôn, bản ở Sính Lủng, Đồng Văn (Hà Giang) - một xã có gần 100% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số - chưa thành lập chi bộ nên chỉ đạo phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Từ khi Đảng bộ xã Sính Lủng phân công bốn đảng viên là cán bộ xã, giáo viên về sinh hoạt, đồng thời thành lập chi bộ thôn Phìn Sả nên công việc triển khai thuận lợi hơn. Bí thư Chi bộ Vàng Mí Già hồ hởi cho biết, giờ cả tám đảng viên đều là người dân trong thôn, là hạt nhân đi đầu trong lao động, sản xuất. Sự chuyển mình trong đời sống của bà con thôn Chín Chu Lìn, Cao Mã Pờ (Quản Bạ) không thể thiếu vai trò chỉ đạo quan trọng của chi bộ. Hơn 60 ha cây thảo quả, hàng chục ha cây ấu tẩu giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo; nhiều hộ trồng dược liệu, buôn bán đã thành hộ khá. Khác hẳn hồi trước, thôn “trắng” đảng viên, không có chi bộ, nên việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên gặp rất nhiều hạn chế, các hộ đều thuộc diện nghèo đói, tình hình an ninh trật tự phức tạp. Vi Văn Đoàn, người con ưu tú đầu tiên của bản được kết nạp vào Đảng rồi được xã vận động đi học phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, sơ cấp chính trị để tạo nguồn, nay đã giữ cương vị Bí thư chi bộ. Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Trung Tài, các cán bộ biên phòng dự sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản giáp biên theo chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đảng bộ các huyện biên giới không chỉ giúp chi bộ bảo đảm số lượng đảng viên sinh hoạt mà còn “tiếp sức” thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Họ là những người có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng vận động quần chúng nên hướng dẫn, giúp đỡ cấp ủy nâng cao chất lượng sinh hoạt, hỗ trợ kỹ năng tổ chức, điều hành cho bí thư chi bộ. Sau khi xóa được thôn, bản “trắng” đảng viên, Đảng bộ tỉnh Hà Giang quan tâm đẩy mạnh công tác PTĐV, số đảng viên mới được kết nạp ngày càng tăng (hiện toàn tỉnh có 868 tổ chức cơ sở đảng và hơn 66.900 đảng viên).

Thêm 47 đảng viên là kết quả sau hơn hai năm thực hiện đề án PTĐV đối với các chức danh Trưởng thôn, bản, khu phố; Trưởng ban công tác mặt trận; Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội ở khu dân cư trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) giai đoạn 2016 - 2020. Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết chuyên đề, giao chỉ tiêu cho từng chi bộ triển khai từng bước theo lộ trình, không chạy theo số lượng. Việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo cơ hội tích cực phấn đấu để được vào Đảng; phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ, cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đối với các chức danh trong đề án được tiến hành thường xuyên, bài bản.

Có đông đảng viên, chi bộ phát huy được trí tuệ tập thể, thêm nhiều ý kiến đóng góp, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện kịp thời, sâu sát thực tế. Các đảng viên mới hăng hái phát biểu trên tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, góp phần xây dựng chi bộ vững mạnh. Các tổ chức, đoàn thể ở thôn, bản mạnh lên, người đứng đầu tích cực chỉ đạo, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư tình cảm, tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, củng cố quốc phòng an ninh. Trần Văn Thủ, dân tộc Sán Chỉ, ở thôn Nà Ếch, xã Húc Đồng chia sẻ, vào Đảng là vinh dự lớn trong đời và luôn thầm nhủ không ngừng cố gắng, chịu khó nghiên cứu, học hỏi và tham gia phát biểu ý kiến tâm huyết cho chi bộ. Nhiều đảng viên tuy mới được kết nạp nhưng đã thể hiện vai trò xung kích, tiên phong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hăng say lao động sản xuất và sáng tạo, tăng năng suất, sản lượng.

Tìm nguồn kế cận

Thẳng thắn nhìn nhận, công tác PTĐV vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trưởng thôn, bản, Trưởng ban công tác mặt trận và Trưởng các đoàn thể ở thôn, bản không phải là đảng viên nên không được dự họp chi bộ, chưa phát huy được hết vai trò lãnh đạo; trong khi Bí thư chi bộ công việc bận rộn, mong muốn các chức danh này sớm được kết nạp Đảng để phân công, giao việc, chi bộ phát huy thêm sức mạnh. Từ đó, khắc phục được tình trạng nghị quyết triển khai trên giấy hay phải qua khâu trung gian là đảng viên truyền đạt lại nên chậm, không hết ý; Bí thư chi bộ rơi vào thế bí khi trưởng đoàn thể thắc mắc “nếu không có chúng tôi thì các anh ra nghị quyết, lấy ai để triển khai?”.

Thực tế việc tạo nguồn để bồi dưỡng kết nạp Đảng ở nhiều thôn, bản còn lắm gian nan bởi một số người dân mù chữ, bỏ học sớm, đi lao động xa, xác minh lý lịch vướng mắc do người thân sinh sống ở bên kia biên giới, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Chị Loan Thị Công, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bình Liêu chia sẻ, có người chưa mặn mà bởi suy nghĩ hồn nhiên là vào Đảng gò bó, trách nhiệm nặng nề, đi làm ăn xa tháng nào cũng phải về sinh hoạt chi bộ, đi họp mất buổi vào rừng làm nương, chăn trâu, nếu không được làm quan... thì không vào Đảng. Cán bộ lại kiên trì đả thông tư tưởng để họ hiểu cách nghĩ đó thiển cận, vào Đảng mình phấn đấu trở thành người tốt, làm gương để con cháu noi theo. Với những người tuổi cao, tâm lý càng e ngại vì tóc đã hoa râm mà đi học lớp cảm tình Đảng toàn với các cháu trẻ, lãnh đạo Đảng bộ xã Tình Húc dày công thuyết phục, vận động rằng các bác có uy tín, còn sức còn cống hiến, trở thành đảng viên sớm được nắm bắt đường lối, chính sách, chỉ đạo của cấp trên, được dân chủ bàn bạc, quyết sách những vấn đề lớn ở trong thôn. Phát triển đảng viên nữ còn khó hơn bởi rào cản về trình độ, hay vướng bận chuyện gia đình, chưa kể có chi bộ còn quan niệm kết nạp Đảng xong, nữ thanh niên đi lấy chồng chẳng khác nào tạo nguồn hộ nơi khác.

Linh động tiêu chuẩn về học vấn, trình độ, lựa chọn những quần chúng ưu tú, biết đọc, biết viết để kết nạp Đảng, sau đó vận động đi học xóa mù, phổ cập là phương án tháo gỡ được nhiều nơi áp dụng. Nhiều trường hợp quần chúng rất tâm huyết, khát khao vào Đảng, nhưng vướng những quy định cứng, cấp ủy đành phải loại trừ. Sau khi học lớp cảm tình Đảng, nhận thức của nhiều người dần vỡ vạc rằng Đảng đem lại cơm ăn áo mặc, hạnh phúc cho người dân, vào Đảng sẽ góp phần xây đắp thôn, bản mình giàu đẹp. Đến giờ, chị Công vẫn không thể quên hình ảnh ấn tượng một người mẹ trẻ ở xã Húc Động trời rét căm căm vượt hàng chục cây số về huyện học cảm tình Đảng, lúc giải lao chồng bế con đợi sẵn ở hành lang để vợ tranh thủ cho con bú, vậy mà không xin nghỉ buổi nào.

Tăng cả về lượng và chất là định hướng bồi dưỡng, tạo nguồn PTĐV trong thời gian tới ở nhiều địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng tìm nguồn kế cận để đào tạo, bồi dưỡng, dần thay thế những người đảm nhiệm các chức danh ở thôn, bản tuổi cao, năng lực hạn chế; ưu tiên những hội viên tâm huyết, có phẩm chất đạo đức, uy tín trong cộng đồng, thanh niên ưu tú tích cực tham gia hoạt động phong trào, có trình độ để tiếp nhận, chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng trong tình hình mới.