Quy chế dịch vụ công

"Thu phí" BOT hay "thu giá" BOT? Công chúng bảo là "thu phí"; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bảo là "thu giá". Và chúng ta đã bỏ ra gần cả tháng trời để tranh luận với nhau nên gọi các trạm BOT là trạm thu phí hay trạm thu giá. Cuộc tranh luận có vẻ đã đến hồi kết, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GTVT không được gọi các trạm BOT là "trạm thu giá", mà phải tìm một cụm từ khác phù hợp hơn để thay thế. Tuy nhiên, "phe bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt" chưa kịp ăn mừng chiến thắng, thì Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo". Và thế là cuộc tranh luận về chuyện nê

 Giờ học tiếng Anh của học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
Giờ học tiếng Anh của học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Thật ra, đã tận hưởng một dịch vụ thì bạn phải trả phí cho dịch vụ đó. Kể từ khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường (cho dù có sự quản lý của Nhà nước), trả phí là một thực tế khách quan. Các "bữa ăn trưa miễn phí" đang ngày càng trở thành thứ xa xỉ mà người Việt chúng ta khó mong chờ. Tuy nhiên, giá của một dịch vụ lại có thể được xác định bằng cách áp dụng Luật phí và lệ phí hoặc Luật giá. Về căn bản, Luật phí và lệ phí chỉ cho phép lấy thu bù chi. Luật giá lại cho phép không chỉ tính đúng, tính đủ mà còn tính lãi. Đây là lý do tại sao các vị Bộ trưởng lại say sưa với Luật giá đến như vậy.

Khiếm khuyết lớn nhất của Luật phí và lệ phí (và có lẽ, cả Luật giá) là đã không đưa ra, không làm rõ được khái niệm "dịch vụ công" và không đề ra được nguyên tắc và cơ chế xác lập giá cả cho các dịch vụ công (DVC). Thế nên, hàng loạt các DVC đang bị biến thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động kinh doanh kiếm lời, gây bức xúc cho công chúng.

Một dịch vụ cung cấp cho đông đảo công chúng thì được gọi là DVC. Theo định nghĩa này, thì giao thông, y tế, giáo dục đều là DVC. Tương tự như vậy, dịch vụ BOT chắc chắn là DVC. Dịch vụ đào tạo chắc chắn là DVC.

Một DVC có thể do Nhà nước cung cấp, nhưng cũng có thể do tư nhân cung cấp (với sự trợ giúp và ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước). Rất nhiều các trường tư ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác đang cung cấp DVC. Trường công không đủ chỗ, nên nhiều gia đình phải gửi con đến học ở trường tư. Trên thực tế, có trường tư cung cấp DVC, nhưng cũng có trường tư cung cấp dịch vụ tư. Các trường tư quốc tế phục vụ con nhà giàu cung cấp dịch vụ tư. Nhà nước chỉ nên điều chỉnh giá học phí ở trường tư cung cấp DVC, nhưng không nhất thiết phải làm điều này với trường tư cung cấp dịch vụ tư. Điều bất hợp lý hiện nay là Nhà nước đang điều chỉnh giá cả học phí ở trường tư cung cấp DVC, nhưng lại không trợ giúp gì cho các trường này cả. Đáng ra, các trường cung cấp DVC (bất kể trường công hay trường tư) đều phải được đối xử như nhau. Nhà nước nên phân bổ kinh phí theo đầu học sinh đối với các trường này, chứ không nên chỉ phân bổ kinh phí cho trường công.

Một quy chế pháp lý rõ ràng, minh bạch về DVC là rất quan trọng hiện nay. Và đây là "món nợ" rất lớn của các nhà lập pháp đối với đất nước. Trong quy chế này, ít nhất có ba nguyên tắc đối với DVC phải được xác lập.

Một là, nguyên tắc về tính liên tục của DVC. DVC phải được cung cấp liên tục. Các trạm BOT không thể thích thì mở, không thích thì đóng.

Hai là, nguyên tắc về quyền tiếp cận bình đẳng. Mọi người dân Việt Nam đều được quyền tiếp cận DVC như nhau. Không thể có chuyện chỉ một nhóm người có đặc quyền mới được tiếp cận.

Ba là, nguyên tắc về việc giá cả phải phù hợp. Giá DVC phải ở mức mà người dân bình thường có thể chi trả được. Điều này cũng giúp cho nguyên tắc thứ hai về quyền tiếp cận bình đẳng được bảo đảm. Và đây cũng là căn cứ để Nhà nước can thiệp vào việc xác định giá cả của các DVC.