Nghị quyết vào cuộc sống, cuộc sống kiểm nghiệm nghị quyết

Tính đến tháng 7 này, chúng ta đã đi được nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Có cảm giác thời gian đi nhanh quá! Mới hôm nào các cấp ủy đảng từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở, tổ chức học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết, mà nay đã là lúc cùng nhìn lại, đánh giá kết quả thực hiện qua nửa nhiệm kỳ.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh | Anh Tuấn
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh | Anh Tuấn

Một câu hỏi lớn đặt ra: Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết khác của Trung ương có vào được cuộc sống hay không? Và dẫu có lạc quan đến mấy thì cũng phải tự hỏi rằng: Qua kiểm nghiệm từ thực tiễn thấy những gì chưa phù hợp, còn những gì bất cập, trở ngại, cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh?

Trả lời câu hỏi này chính là cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã tự mình kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xác định những công việc tiếp theo. Ở nửa đầu nhiệm kỳ này, nhiều lĩnh vực công tác của Đảng đã được thực hiện nghiêm túc, kiên trì, kiên quyết, như công tác tổ chức-cán bộ, công tác kiểm tra của Đảng. Trong đó đáng chú ý là kiểm tra việc thực hiện nghị quyết; kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật.

Bây giờ hãy cùng trả lời câu hỏi thứ nhất, nghị quyết có vào cuộc sống? Phải nói ngay rằng, nghị quyết của Đảng đã trở thành hiện thực trong cuộc sống là một lẽ tự nhiên, bởi tính đúng đắn, bởi mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế, với mong muốn của nhân dân. Để thực hiện nghị quyết chúng ta đã có những kinh nghiệm quý trong việc tuyên truyền, thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, v.v. Điều này hoàn toàn khác so với những điều các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị xuyên tạc. Những người này thường cho rằng: đường lối, chủ trương không có gì mới, “sai từ gốc”. Muốn sửa “sai” chỉ còn cách xóa bỏ sự “độc quyền lãnh đạo” của Đảng, phải từ bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa (!). Họ phê phán mạnh mẽ nguyên tắc tổ chức của đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ tìm cách lôi kéo, chia rẽ khối đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết Đảng-Dân. Từ những lý lẽ nêu trên họ cho rằng, nghị quyết của Đảng chỉ là những tập hợp từ hoa mĩ, bảo thủ và lạc hậu; nền kinh tế Việt Nam sẽ “sập” trong thời gian tới (!).

Bác bỏ hoàn toàn những luận điệu đó, báo cáo mới nhất của Chính phủ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đáng chú ý là, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I năm 2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định; các ngành chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cùng với các Nghị quyết T.Ư 4, 5, 6, 7 đã đi vào cuộc sống với những tín hiệu tích cực. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trong cuộc họp Ban Bí thư, ngày 10-4, nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Việc tổ chức triển khai được thực hiện đồng bộ, vừa chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, vừa xây dựng thể chế, quy chế để phòng ngừa sai phạm, đồng thời vừa tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật. Sau khi có nghị quyết, nhiều quy định, nhất là về công tác cán bộ, công tác kiểm tra được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện bài bản, khoa học và chặt chẽ; kết hợp giữa xây và chống, xây là cơ bản, nhưng chống cũng quyết liệt”.

Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, vi phạm pháp luật theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư, không có “vùng cấm”, “vùng tránh” trong thời gian qua đã chứng tỏ Đảng ta nói đi đôi với làm. Tinh thần ấy, thái độ ấy vừa thể hiện sự dân chủ, nghiêm minh, vừa khách quan, công tâm, có tính thuyết phục, mang ý nghĩa giáo dục cao. “Lò lửa chống tham nhũng” là cụm từ quen thuộc được nhắc đến với niềm tin tưởng và kỳ vọng của quần chúng nhân dân. Cố nhiên, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn tình trạng trên nghiêm, dưới không nghiêm, né tránh, đẩy lên cấp trên. Điều này ngược hẳn với quan niệm “chẳng dám đánh ai, chỉ đánh từ vai trở xuống”. Vẫn còn tình trạng “câu giờ” trong điều tra, xử lý sai phạm, “nín thở” cuối nhiệm kỳ, tôi “lờ” việc của anh, anh “che” việc của tôi.

Nghị quyết vào được cuộc sống bởi bản thân Nghị quyết đúng, trúng, ý Đảng hợp lòng Dân. Nhưng dù chú ngựa chiến có hay đến mấy cũng cần có một kị sĩ tài giỏi. Chủ trương có đúng, trúng đến đâu vẫn phải coi trọng việc tổ chức thực hiện, cụ thể là việc xây dựng Chương trình hành động, với những giải pháp sát tình hình thực tế, giao người phụ trách. Nói một cách mộc mạc là từ khi tổ chức học tập đến suốt cả quá trình thực hiện phải trả lời rõ điều này: Cấp ủy Đảng, chính quyền làm gì, làm như thế nào, ai làm? Trong đó người đứng đầu giữ vai trò quyết định.

Cần nhấn mạnh việc “luật hóa” đường lối, chủ trương của Đảng. Sau khi có Nghị quyết, chính quyền, các cơ quan chức năng bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, khẩn trương thể chế hóa các nội dung Nghị quyết, xác định những việc cần làm ngay. Nếu không sẽ rơi vào nếp cũ, chủ trương hay nhưng vẫn nghe ngóng, chờ người “đốc chiến”. Chờ đợi vì nhiều lý do, phổ biến nhất là tình trạng “cha chung không ai khóc”, ai cũng hô hào, cũng thể hiện quyết tâm, nhưng chẳng ai nhận trách nhiệm cụ thể. Cần khắc phục tình trạng chỉ chú trọng công tác chuyên môn, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng, thậm chí coi nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng. Càng đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, liên doanh, liên kết với nước ngoài thì càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống là việc khó, đòi hỏi sự công phu, tâm huyết, tinh thần phụ trách rất cao của người lãnh đạo. Như trên đã nói, hầu hết các Nghị quyết của Đảng được quần chúng đón nhận, được thực hiện thành công trong cuộc sống. Những chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu chứng tỏ sự đúng đắn, khoa học, góp phần tạo nên động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, không phải không có những nghị quyết không vào được cuộc sống. Không phải ở đây có chuyện sai hay đúng? Vấn đề ở chỗ, chủ trương không đi vào thực tiễn vì thực tiễn vô cùng phong phú với những chuyển động rất mau lẹ như hiện nay đã không thấm sâu trong từng trang nghị quyết. Nhiều cán bộ cơ sở cho rằng, nghị quyết muốn dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm thì phải ngắn gọn, thiết thực, khả thi.

Nhớ lại những năm tháng chiến tranh có những nghị quyết của Đảng ủy tiểu đoàn chỉ vẻn vẹn hai trang giấy, phổ biến cho đảng viên bằng miệng. Vậy mà ý chí của Đảng được thực hiện trọn vẹn với những chiến công bất ngờ, vang dội. Nay đang có tình trạng nghị quyết ở các cấp có phần dàn trải, sao chép, mô phỏng lại quá nhiều. Trung ương đã thấy rõ điều này. Gần đây một số lĩnh vực, vấn đề quan trọng trước đây đã có nghị quyết rồi thì nay chỉ kiểm điểm, bổ sung những vấn đề mới, giải pháp mới. Chẳng hạn Nghị quyết T.Ư 7 mới đây về công tác cán bộ xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay là giai đoạn có những thay đổi quan trọng, cho nên cùng với những quan điểm đã xác định qua nhiều chủ trương lớn, nay cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nghị quyết nêu rõ: “Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”. Nghị quyết nêu rõ những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó nhấn mạnh “hai trọng tâm”, “năm đột phá”, dễ nhớ, dễ hiểu, thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.

Cuộc sống sẽ chứng minh, sẽ kiểm nghiệm nghị quyết. Tiếng nói của cuộc sống luôn mách bảo chúng ta nhận biết cái mới, bổ sung, điều chỉnh, khắc phục cái cũ, sai lầm. Muốn nghe được tiếng nói ấy lại phải lắng nghe dân, chống mọi biểu hiện quan liêu, cơ hội. Đây là kết quả của lý luận gắn với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Vẫn biết, làm thì dường như càng ngày càng khó, càng nặng nề hơn. Nhưng, nói như ngạn ngữ của dân tộc Do Thái: “Ta không cầu xin cho gánh nặng sẽ nhẹ hơn, chỉ mong cho đôi vai vững vàng hơn”.