Mạch nguồn thể chế

Chất vấn tại nghị trường là hoạt động sôi nổi nhất và cũng giành được sự quan tâm lớn nhất của công chúng. Thời gian vừa qua, những phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp thật sự đã làm cho đời sống chính trị của đất nước trở nên hết sức sôi động, và chất lượng của nền quản trị quốc gia cũng được nâng cao. Theo dõi các phiên chất vấn của Quốc hội Việt Nam, một người nước ngoài đã từng nhận xét: “Tôi thật sự bất ngờ. Tính công khai, tính quyết liệt của các phiên chất vấn có khi không thua kém gì ở nhiều nước phương Tây!”. Người nước ngoài có thể bất ngờ, tuy nhiên hoạt động chất vấn tại nghị trường ở Việt Nam đã có từ lâu. Ngay từ 75 năm trước, khi Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được bầu ra, thì hoạt động chất vấn đã được triển khai. Và người trả lời chất vấn của Quốc hội đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh | Lâm Hiến
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh | Lâm Hiến

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 28-10 đến 9-11-1946, với 290 đại biểu về dự. Một số nhà đương chức Pháp, đại diện các lãnh sự quán, phóng viên báo giới một số nước đã có mặt trong phiên họp khai mạc. Công chúng được quyền vào dự thính kỳ họp và có quyền chất vấn, khen chê Chính phủ.
 
 Chất vấn Chính phủ và các bộ trưởng là hoạt động chưa từng có nên người dân đã háo hức kéo đến xem rất đông. Tại phiên chất vấn đó, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhận được 88 câu hỏi. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ… Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố và các Bộ trưởng đã trả lời nhiều câu hỏi do đại biểu Quốc hội nêu ra.
 
 Tại phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã trả lời một số vấn đề lớn. Người nói: Chính phủ hiện thời thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn tám tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập.
 
 Như vậy, ngay từ 75 năm trước, hoạt động chất vấn với các chuẩn mực quốc tế đã được triển khai ở Quốc hội Việt Nam.
 
 Trước hết, hoạt động chất vấn đã được triển khai để bảo đảm trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ phải trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội để giải trình về các vấn đề của đất nước và các phản ứng chính sách của mình. Trả lời về chính sách ngoại giao, Người nói: Đối với các nước dân chủ, chúng ta hết sức thân thiện… Chính phủ quyết tâm giữ nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, đồng thời cộng tác thật thà và thân thiện với Pháp. Cố nhiên, người Pháp cũng phải cộng tác lại với chúng ta trên nguyên tắc bình đẳng.
 
 Trách nhiệm giải trình được hiểu là các chính sách Chính phủ đề ra thì phải giải trình được với Quốc hội. Còn giải trình được thì còn được Quốc hội tín nhiệm, không giải trình được thì bị Quốc hội bất tín nhiệm. Bị Quốc hội bất tín nhiệm thì bắt buộc phải từ chức. Điều đáng lưu ý là 75 năm trước sau khi trả lời chất vấn xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ từ chức để trao quyền cho Quốc hội bầu ra Chính phủ mới. Cách ứng xử này thể hiện một văn hóa ứng xử chính trị rất cao. Việc chủ động từ chức đã giúp cho Quốc hội hết sức dễ dàng bày tỏ sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của mình. Sự thật là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có được sự tín nhiệm rất cao của Quốc hội và đã chính thức được bầu lại để đứng ra thành lập Chính phủ.
 
 Thứ hai, hoạt động chất vấn tại nghị trường được tổ chức công khai. Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa cho mọi người dân vào chứng kiến phiên chất vấn. Tính công khai của các phiên chất vấn của Quốc hội ngày nay cũng rất cao nhờ vào các công cụ truyền thông hiện đại như phát thanh, truyền hình trực tiếp và phát trên internet. So với mức độ mở và sự tham gia chứng kiến trực tiếp của người dân, thì phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội năm 1946 vẫn là một đỉnh cao.
 
 Cuối cùng, hoạt động chất vấn nghị trường ở Việt Nam đã có từ lâu. Thành tích chúng ta có được ngày hôm nay đã bắt nguồn từ 75 năm trước. Mạch nguồn thể chế dân chủ chưa bao giờ vơi cạn, mà sẽ còn tuôn chảy muôn đời trên đất nước của chúng ta.